Nghề làm đũa tre ở Tân Long

Văn hóa - Ngày đăng : 15:20, 27/10/2024

Từ mấy chục năm nay, nghề làm đũa tre vẫn hoạt động ở ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Văn hóa

Nghề làm đũa tre ở Tân Long

Đặng Đức 27/10/2024 15:20

Từ mấy chục năm nay, nghề làm đũa tre vẫn hoạt động ở ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Nói tới các làng nghề truyền thống ở huyện Phụng Hiệp nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung, có thể kể đến nghề đan lát lục bình, đan cần xé, làm chiếu ở Cái Chanh hay đóng ghe, xuồng… và vót đũa tre ở ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long. Nơi đây, từ mấy chục năm nay đã nổi tiếng với nghề làm đũa tre. Trong vài thập kỷ trở lại đây, đã có không ít các gia đình, quán hàng ở Việt Nam chuyển sang dùng đũa nhựa, gỗ hay đũa inox… Nhưng đũa tre vẫn chiếm lĩnh thị trường khi đại đa số người dân vẫn sử dụng loại đũa này, thế nên, người nông dân làm công việc vót đũa tre ở Tân Long vẫn sống được.

Từ TP.Cần Thơ xuôi về TP.Ngã Bảy, Hậu Giang đến chợ Cầu Trắng, rẽ tay phải rồi chạy cặp theo bờ kênh Xáng Nàng Mau khoảng 3km, chúng tôi tới thăm xóm đũa của làng nghề Tân Long (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) vào một ngày trung tuần tháng 10.2024. Dạo quanh địa bàn Ấp Phụng Sơn B chúng tôi bắt gặp không khí nhộn nhịp ở một số hộ gia đình làm nghề vót đũa. Người dân ở đây kể rằng cách đây hơn 1 thập kỷ trở về trước, làng nghề đũa tre Tân Long có tới cả trăm hộ làm công việc này, còn bây giờ đã thưa thớt hơn, chỉ còn khoảng vài chục hộ.

637308329689141702856.jpg
Một người phụ nữ đang vót đũa tre ở làng nghề Tân Long - Ảnh: KhuyennongHauGiang

Công việc vót đũa tre khi đó mang lại mức thu nhập khá nên không chỉ phụ nữ, người già, mà cả nhiều nam giới mạnh khoẻ cũng chọn công việc này. Những năm gần đây, do sự xuất hiện của nhiều loại đũa chất liệu khác xuất hiện trên thị trường, như: đũa gỗ, đũa nhựa, đũa ngà… nên nghề làm đũa tre nơi đây bị ảnh hưởng, sức tiêu thụ chậm hơn. Vì lý do này mà nhiều hộ đã bỏ nghề và chuyển sang kinh doanh buôn bán, hoặc làm nghề đan lát các loại mặt hàng xuất khẩu khác có thu nhập cao hơn.

Ở làng nghề Tân Long hiện này chỉ còn vài chục hộ còn bám trụ lại với nghề đũa tre và người vót đũa chủ yếu là phụ nữ và người già. Dẫu thu nhập tiền công không cao bằng trước kia nhưng về cơ bản thì họ vẫn sống được khi một ngày công đượckhoảng từ 100.000 - 130.000 đồng/người/ngày. Với mức thu nhập ấy đối với người trẻ, thanh niên trai tráng thì là thấp, nhưng đối với chị em phụ nữ "chân yếu tay mềm" hoặc người già cũng được xem là tạm ổn. Công việc này tuy có đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn suốt cả ngày nhưng cơ bản thì cũng không quá nặng nhọc và mọi người có thể làm kể cả lúc nhàn rỗi và buổi tối.

Khi trò chuyện với một số chị em và cụ già ở đây chúng tôi được biết ở xóm đũa Tân Long, nhiều gia đình làm đũa tre thì nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà truyền nghề cho cha mẹ, rồi cha mẹ truyền lại cho các con cháu. Có nhiều người làm đũa từ khi chưa lập gia đình, đến nay đã trở thành ông, bà với mái tóc bạc phơ với cả gần 50 năm tuổi nghề.

Tới thăm hộ gia đình chị Nguyễn Thị Pha, chúng tôi bắt gặp không khí sản xuất đũa rất vui tươi, xôm tụ, khi chị thì miệt mài cưa từng đốt tre ra để chế biến đũa, còn một số thành viên khác thì miệt mài chẻ thanh tre, vót đũa, bào đũa… Tiếng bào đũa rèn rẹt pha lẫn mùi nồng của tre là những dư vị khiến nhiều người khó quên khi nhớ về xóm đũa.

Chị Pha kể rằng, ngoài một số ít hộ gia đình giống như gia đình chị là mua tre cây về pha ống ra, chẻ thanh rồi phân phát cho các hộ vót, bào đũa thuê mướn. Đại đa số người dân ở đây đều chỉ nhận vót, bào đũa ăn theo số lượng khoảng 1 thiên (1.000 đôi đũa) sẽ được tiền công từ 100.000 - 150.000 đồng, tùy theo loại đũa ngắn hay dài. Có những người vót nhanh, làm giỏi thì một ngày được hơn 1 thiên đũa, tiền công cũng cao hơn. Làng nghề chủ yếu vót 3 loại đũa, đó là đũa ngắn dùng để ăn; đũa xào thường dài gần gấp đôi đũa ăn, và đũa cái dùng để xới cơm.

Theo lời chị Pha thì mặc dù làm chủ vựa đũa nhưng mức thu nhập của gia đình chị cũng không cao. Cả tháng cung ứng nguyên liệu cho một số hộ làm nghề vót đũa thuê, vậy mà trừ hết chi phí thì chị cũng chỉ "bỏ túi" được chưa đầy một chục triệu. Vậy nhưng chị vẫn vui, yêu nghề, với tâm nguyện cùng giúp đỡ bà con trong ấp làm nghề và duy trì nghề truyền thống.

Được biết, tre dùng làm đũa được các chủ vựa mua từ nhiều nơi trong vùng. Tre dùng làm đũa phải thật già để khi vót thành đũa phơi không bị ngót, cong hay vênh. Các đốt tre được cưa ra từng đoạn rồi chẻ thành thanh nhỏ làm thân đũa. Tiếp đến, là công đoạn bào, phơi,... để tạo nên được những chiếc đũa thon gọn, đẹp, sáng, chắc chắn. Đũa Tân Long tuy đơn giản, dân dã nhưng gần gũi, thấm đẫm tình đất, tình người và những giá trị văn hóa truyền thống của người dân vùng thôn quê sông nước.

Dù hiện nay trên thị trường có nhiều loại đũa được sản xuất tiện dụng, nhưng không thể thay thế đũa tre trên mâm cơm của các gia đình Việt. Đũa tre dường như luôn hiện diện trong mỗi gian bếp gia đình từ thành thị đến nông thôn. Rất nhiều người tiêu dùng mà tôi từng có dịp tiếp xúc họ cho biết luôn thích và lựa chọn đũa tre, bởi ngoài giá rất rẻ, chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng/chục đôi, thì sự chắc chắn bền lâu, vót thủ công, không có hóachất… cũng là một thế mạnh thu hút họ.

anh-man-hinh-2024-10-27-luc-14.58.15.png
Mấy chục năm qua, nghề làm đũa tre ở Tân Long vẫn được duy trì - Ảnh: Thanh Niên

Đúng vậy, đũa tre Tân Long được ưa chuộng và tin yêu của người tiêu dùng từ lâu bởi nó được làm hoàn toàn bằng thủ công. Người dân ở đây không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào để tạo màu cho đũa, mà vẫn quyết định giữ nguyên màu mộc mạc nguyên bản của tre, giúp đảm bảo an toàn sức khỏe người sử dụng. Đây là một trong những tiêu chí hàng đầu giúp đũa tre Tân Long trụ vững trên thị trường mấy chục năm qua. Việc sản xuất ra loại “đũa sạch” rất cần thiết trong thời buổi hiện nay, thể hiện cái tâm của những người làm nghề và giữ gìn giá trị truyền thống.

Cụ Lê Thị Hương, năm nay hơn 70 tuổi ở ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, tâm sự rằng "nghề đũa vất vả lắm nhưng tôi quyết bám trụ, lấy công làm lời theo kiểu tích tiểu thành đại. Nhờ công việc vót đũa từ bao năm qua mà kinh tế gia đình tôi cũng ổn định hơn, các con các cháu được ăn học nên người. Điều đáng mừng là dẫu thị trường có nhiều loại đũa, nhưng đũa tre vẫn được tin yêu vẫn có chỗ đứng, vì vậy mà những người làm nghề đũa tre ở Tân Long vẫn sống được để theo nghề, làm nghề". Cụ Hương còn kể rằng các lò đũa tre Tân Long làm ra bao nhiêu, thương lái cũng lấy hết mang đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh miền Tây, thậm chí còn mang lên các thành phố lớn như TP.HCM để bán.

Nhiều cụ già giống như cụ Hương mà tôi tiếp xúc, trò chuyện thì các cụ cũng chỉ vì yêu nghề mà gắng làm với mong muốn giúp thêm thu nhập cho gia đình, con cháu, bởi với các cụ ngồi không cũng buồn bực chân tay, nên bắt tay vào vót đũa vừa kiếm được tiền lại cũng khiến tâm hồn minh mẫn, khỏe người ra!

Chia tay xóm đũa tre của làng nghề Tân Long chúng tôi mang theo tâm tư nguyện vọng của bà con còn làm nghề, với mong muốn nghề vót đũa ở đây không mai một để họ mãi sống được với nghề truyền thống. Ngoài ra, mong muốn của không ít người dân làm đũa ở làng nghề này đó là luôn nhận được sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ chính quyền địa phương; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua các dịp hội chợ thương mại hàng hóa trong và ngoài tỉnh, để đũa tre Tân Long có cơ hội đi nhiều nơi, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài…

Đặng Đức