Hoàng Anh Gia Lai muốn thoái vốn khỏi bất động sản

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:49, 24/04/2019

Nếu Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thoái vốn khỏi dự án Hoàng Anh Myanmar như kế hoạch thì tập đoàn này hầu như không còn nguồn thu nào từ bất động sản, mà chỉ còn dòng tiền từ lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL - Ảnh từ TPO

TPO mới đây dẫn nội dung từ báo cáo thường niên năm 2018 vừa được Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, doanh thu cho thuê và cung cấp dịch vụ của dự án Hoàng Anh Myanmar tính đến tháng 9.2018 là 709 tỉ đồng. Tính cả năm 2018, doanh thu dịch vụ cho thuê đạt 509 tỉ đồng và chiếm tỷ trọng 9,4% trong tổng doanh thu của HAGL.

Tháng 9.2018, Thaco thông qua công ty con là công ty CP Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center.

Hiện HAGL sở hữu 47,89% cổ phần trong dự án Hoàng Anh Myanmar và có chủ trương sẽ thoái vốn dự án này để trả bớt nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản của tập đoàn. Doanh thu bất động sản đầu tư cũng chỉ đạt 58 tỉ đồng và chiếm tỷ trọng 1,1% trong tổng doanh thu. HAGL cho biết, đã khai thác/bán hầu hết căn hộ và chỉ phát sinh doanh thu từ một số căn hộ còn lại sẵn sàng để bán.

Vẫn theo TPO, trong thư gửi cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT HAGL xác định 2019 là năm bản lề quan trọng để công ty đi vào giai đoạn 2020-2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài những nhiệm vụ cốt lõi là mở rộng diện tích cây ăn trái, chọn lọc danh mục sản phẩm hiệu quả và kiện toàn bộ máy quản trị, thì tập đoàn sẽ tập trung quản trị bằng ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến chuyên biệt theo nhóm cây ăn trái và cây công nghiệp, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ông Đức nêu trong thư.

Cũng theo số liệu từ HAGL, trong năm 2018 ngành cây ăn trái đã mang lại cho bầu Đức mức doanh thu 2.897 tỉ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của tập đoàn. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh và hơn 10 loại cây ăn trái khác.

Ông Đức còn cho biết việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Thaco có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của HAGL. Thaco đã hỗ trợ nguồn vốn cho mảng nông nghiệp của HAGL đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn; cải tiến công tác quản trị sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp và sắp xếp lại công tác kho vận, giúp nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm.

Vườn chuối của HAGL Agrico

Như vậy, TPO nhận định, nếu HAGL thoái vốn khỏi dự án Hoàng Anh Myanmar thì tập đoàn này hầu như không còn nguồn thu từ bất động sản, mà chỉ còn dòng tiền từ lĩnh vực nông nghiệp.

Theo kế hoạch mới được công bố, HAGL đặt mục tiêu năm 2019 đạt doanh thu 5.125 tỉ đồng, trong đó mảng trái cây mà chủ yếu là chuối sẽ đóng góp khoảng 86%, tương ứng hơn 4.400 tỉ đồng. Phần còn lại đến từ cao su với 469 tỉ đồng và 255 tỉ đồng từ các lĩnh vực khác như dịch vụ, chăn nuôi... Trong tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 4, nói riêng về mảng chuối, bầu Đức kỳ vọng năm nay sẽ đóng góp 3.500 tỉ đồng doanh thu nhờ sản lượng trên 240.000 tấn, tức bình quân mỗi ngày mang về gần 10 tỉ đồng. Mặt hàng này tiếp tục gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu so với năm trước, từ 63,8% lên 73,3%.

T.L