Công nghệ TSMC bị phát hiện trong chip AI Huawei đặt ra câu hỏi về chuỗi cung ứng lỏng lẻo
Thế giới số - Ngày đăng : 18:32, 27/10/2024
Công nghệ TSMC bị phát hiện trong chip AI Huawei đặt ra câu hỏi về chuỗi cung ứng lỏng lẻo
Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào mà các chip do TSMC sản xuất lại có mặt trong Huawei Ascend 910B, nhưng các nhà phân tích cho rằng điều này cho thấy giới hạn của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Công ty nghiên cứu TechInsights (Canada) phát hiện ra rằng bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) đa chiplet Ascend 910B của Huawei chứa các chip do TSMC (Đài Loan) sản xuất.
Các nhà phân tích nhận định vụ việc liên quan TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới) đã làm sáng tỏ những lỗ hổng có thể tồn tại trong lệnh trừng phạt của Mỹ và những nỗ lực liên tục từ Trung Quốc nhằm tiếp cận các công nghệ sản xuất chip tiên tiến.
"Các lệnh trừng phạt dài hạn của Mỹ với ngành bán dẫn Trung Quốc đã được chứng minh là có lỗ hổng", Arisa Liu, Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận xét.
Đa chiplet là công nghệ mới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, nơi mà một chip lớn được chia nhỏ thành nhiều chip nhỏ hơn gọi là chiplet. Mỗi chiplet này, thường chuyên dụng cho một chức năng cụ thể (ví dụ xử lý, đồ họa, bộ nhớ), được kết nối với nhau thông qua giao thức liên kết nhanh để tạo thành hệ thống tích hợp lớn hơn.
Tại sao lại sử dụng đa chiplet?
Linh hoạt: Cho phép kết hợp các loại chiplet khác nhau để tạo ra những sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng thị trường.
Tiết kiệm chi phí: Giảm rủi ro khi phát triển một chip quá lớn và phức tạp. Nếu có lỗi, chỉ cần thay thế chiplet bị lỗi thay vì cả con chip.
Nhanh chóng: Rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường nhờ khả năng tái sử dụng các chiplet đã được thiết kế trước.
Hiệu suất cao: Tận dụng tối đa hiệu suất của từng chiplet, đồng thời giảm thiểu độ trễ giữa các chiplet.
Tiềm năng mở rộng: Dễ dàng nâng cấp hệ thống bằng cách thêm hoặc thay thế các chiplet.
Ưu điểm của đa chiplet so với thiết kế truyền thống:
Vượt qua giới hạn của quy trình công nghệ: Các chiplet có thể được sản xuất bằng quy trình công nghệ khác nhau, cho phép tối ưu hóa hiệu suất của từng chiplet.
Giảm chi phí sản xuất: Chia nhỏ một chip lớn thành nhiều chiplet nhỏ hơn giúp giảm thiểu rủi ro sản xuất và tăng năng suất.
Tăng cường khả năng tùy biến: Khách hàng có thể lựa chọn các chiplet khác nhau để cấu hình sản phẩm theo nhu cầu của mình.
Mở ra cơ hội hợp tác: Các công ty có thể hợp tác để phát triển và sản xuất chiplet chuyên dụng, tạo ra hệ sinh thái đa dạng và phong phú.
Ứng dụng của đa chiplet
Công nghệ đa chiplet đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm:
Vi xử lý: Các CPU (bộ xử lý trung tâm) và GPU (bộ xử lý đồ họa) cao cấp ngày càng sử dụng thiết kế đa chiplet để tăng hiệu năng và giảm tiêu thụ điện năng.
AI: Các chip AI cũng đang chuyển sang kiến trúc đa chiplet để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và thuật toán phức tạp.
5G: Các modem 5G cũng đang sử dụng đa chiplet để tích hợp các chức năng khác nhau như tần số vô tuyến, băng tần cơ sở và xử lý tín hiệu số.
Ô tô: Các hệ thống ADAS (hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao) và tự lái đòi hỏi khả năng tính toán rất lớn, và đa chiplet là một giải pháp hứa hẹn để đáp ứng yêu cầu này.
Tóm lại, đa chiplet là xu hướng phát triển quan trọng trong ngành bán dẫn, hứa hẹn mang lại nhiều đột phá trong việc thiết kế và sản xuất các hệ thống tích hợp.
Phát hiện trên gây ra cuộc tranh giành để tìm lời giải thích cho những gì đã xảy ra. Kể từ đó, TSMC đã dừng giao hàng cho một khách hàng giấu tên sau khi phát hiện ra một trong những chip mà họ cung cấp cho khách hàng này lại nằm trong sản phẩm Huawei, Reuters đưa tin.
TSMC đã thông báo cho chính phủ Mỹ và các cơ quan chức năng Đài Loan về sự việc, một hành vi có thể vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, theo phương tiện truyền thông chính thức ở Đài Loan.
Trong tuyên bố trước đó, TSMC cho biết không cung cấp chip cho Huawei kể từ tháng 9.2020.
Huawei nói rằng đã không "sản xuất bất kỳ chip nào thông qua TSMC sau khi thực hiện các sửa đổi do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra với quy định về sản phẩm trực tiếp nước ngoài nhắm vào Huawei hồi năm 2020".
Hiện tại, vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Thời gian, quy mô và phạm vi hợp tác của khách hàng bị tình nghi với TSMC vẫn chưa được biết đến. Mối quan hệ giữa khách hàng này với Huawei cũng chưa rõ ràng.
Không chắc chắn liệu các chip do TSMC sản xuất mà TechInsights phát hiện có được đưa vào phần cứng Huawei thông qua cùng một khách hàng hay không.
Dù Huawei có tiếp cận trực tiếp vào năng lực sản xuất chip tiên tiến của TSMC, hay thông qua các kênh gián tiếp, điều này thể hiện rằng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt của Mỹ nhắm vào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã bị phá vỡ, theo các nhà phân tích.
Phát hiện của TechInsights phần lớn không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông chính thức ở Trung Quốc, dù một số tài khoản mạng xã hội đã dịch và trích dẫn những bản tin của phương tiện truyền thông nước ngoài.
Khi chip Huawei Ascend trở thành chất bán dẫn AI hàng đầu Trung Quốc, chúng hiện là trọng tâm trong nỗ lực tự cung tự cấp của quốc gia này. Tính đến năm nay, hệ sinh thái Ascend có 40 đối tác phần cứng, 1.600 đối tác phần mềm và 2.900 giải pháp ứng dụng AI, theo Huawei.
Huawei lần đầu tiên phát hành chip AI Ascend 910 vào năm 2019, bốn tháng sau khi công ty bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Kể từ đó, Huawei vẫn giữ kín khả năng của mình. Huawei chưa bao giờ chính thức phát hành Ascend 910B, phiên bản nâng cấp của Ascend 910. Thay vào đó, Ascend 910B chỉ xuất hiện mà không được công bố tại Trung Quốc vào năm 2023, nhưng nhanh chóng trở thành sự thay thế phổ biến nhất cho các GPU Nvidia.
Vào tháng 6, một giám đốc cấp cao Huawei phát biểu tại một diễn đàn rằng Ascend 910B ngang tầm với Nvidia A100 - một trong những GPU phổ biến nhất trong ngành AI. Wang Tao, Giám đốc điều hành của hệ sinh thái chip Huawei Ascend và Kunpeng, nói "không có nhiều khác biệt" về hiệu suất tính toán giữa 910B và Nvidia A100 khi nói đến việc đào tạo các mô hình AI lớn.
Tuy nhiên, những thông tin quan trọng về Ascend 910B, gồm quy mô sản lượng và nhà sản xuất, vẫn chưa được tiết lộ. Một nguồn tin trong ngành nói với trang SCMP rằng Huawei đã bắt đầu gửi Ascend 910C (chip AI thế hệ thứ ba là phiên bản nâng cấp của Ascend 910B) cho một nhóm khách hàng lớn để thử nghiệm và cấu hình.
Theo những người trong ngành, sự việc nêu đầu bài cho thấy Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn trong việc sản xuất chip tiên tiến và rất khó để đạt được tiến bộ ở lĩnh vực này nếu không có công nghệ hoặc công cụ nước ngoài như máy quang khắc cực tím từ nhà cung cấp ASML (Hà Lan).
Năm ngoái, Huawei đã gây bất ngờ cho thị trường khi tung ra smartphone được trang bị chip 7 nanomet, mà TechInsights sau đó phát hiện rằng được sản xuất bởi SMIC. SMIC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc.
Dòng Mate 60 đánh dấu sự trở lại của Huawei trên thị trường ĐTDĐ 5G và lòng yêu nước đã thúc đẩy doanh số bán các smartphone này cũng như mẫu máy hàng đầu tiếp theo là Pura 70.
Trong hơn 1 năm qua, Huawei đã nỗ lực thiết lập mạng lưới sản xuất ngầm để né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Với nguồn tài chính từ chính quyền Trung Quốc, Huawei đã xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật tại Trung Quốc dưới danh nghĩa các công ty đăng ký với tên khác nhau. Các công ty không bị trừng phạt này sau đó âm thầm mua chip.
Những công ty khác của Trung Quốc cũng tìm cách vượt qua lệnh cấm xuất khẩu chip tiên tiến từ Mỹ bằng cách đưa chip vào một quốc gia trung gian, rồi mới chuyển vào Trung Quốc.
Trung Quốc khuyến khích dùng chip AI Huawei thay cho Nvidia
Theo hai nguồn tin thân cận, chính quyền Trung Quốc đã tư vấn không chính thức cho các công ty trong nước nên sử dụng chip AI nội địa thay vì Nvidia. Lý do được đưa ra vì các nhà cung cấp thay thế tại Trung Quốc đang tìm cách bắt kịp gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Dù không có lệnh cấm chính thức nào với GPU Nvidia H20 tại Trung Quốc, nhưng các nguồn tin cho biết người dùng chip AI tại Trung Quốc đã được thông báo ưu tiên triển khai giải pháp thay thế trong nước, gồm cả những sản phẩm do Huawei phát triển.
Theo một nguồn tin thứ ba, đến thời điểm tháng 8, các doanh nghiệp ở Trung Quốc vẫn có thể đặt mua Nvidia H20 mà không gặp phải bất kỳ hạn chế nào.
Các báo cáo về quy tắc ngầm của Trung Quốc với Nvidia lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 5, khi trang The Information đưa tin các cơ quan quản lý yêu cầu các công ty trong nước cắt giảm mua chip Nvidia và mua nhiều hơn từ những nhà cung cấp trong nước như Huawei.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, cơ quan giám sát các ngành bán dẫn và AI trong nước, chưa đưa ra bất kỳ thông báo công khai nào về vấn đề đó. Cơ quan này đã không trả lời khi được trang SCMP đề nghị bình luận.
Nvidia không trả lời câu hỏi về các hạn chế được báo cáo của Trung Quốc.
Việc không có bất kỳ xác nhận chính thức nào về vấn đề này phần nào phản ánh bản chất cực kỳ nhạy cảm của thị trường chip AI thế giới, mà Hsu Ming-chi (Giám đốc điều hành TSMC) dự đoán sẽ tăng trưởng hàng năm với tốc độ cao hơn nhiều so với toàn bộ ngành bán dẫn.
Khi được hỏi về quan điểm của mình về các hạn chế thương mại của Mỹ với Trung Quốc, Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) đã nói với giới truyền thông Mỹ vào ngày 28.9 rằng chính quyền Biden đang "làm một công việc tuyệt vời" trong việc tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa các biện pháp kiểm soát và xuất khẩu công nghệ Mỹ ra thế giới.
"Thật tuyệt vời khi thế giới được xây dựng theo các tiêu chuẩn của Mỹ. Nvidia là một công ty của Mỹ và chính phủ rất muốn thấy chúng tôi thành công", Jensen Huang phát biểu.
GPU H20 vẫn được người dùng ở Trung Quốc ưa chuộng, dù đã bị Nvidia giảm hiệu suất để tuân thủ các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Doanh số Nvidia H20 đã tăng đều đặn kể từ khi ra mắt vào đầu năm nay nhờ nhu cầu từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn Trung Quốc, để họ có thể tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ bảo trì của Nvidia.
Nvidia dự kiến sẽ cung cấp hơn 1 triệu H20 tại Trung Quốc trong năm 2024, đạt doanh số 12 tỉ USD. Tuy nhiên, việc áp dụng các chip AI thay thế do Trung Quốc sản xuất đang ngày càng tăng.
Ví dụ, nhà mạng quốc doanh China Telecom ngày 28.9 tuyên bố đã phát triển hai mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ đằng sau các ứng dụng AI tạo sinh, được đào tạo hoàn toàn trên các chip AI nội địa. Dù không nêu tên nhà cung cấp địa phương nhưng China Telecom có lịch sử hợp tác với Huawei.
Vào tháng 8.2022, Nvidia bị cấm bán GPU A100 và H100, hai trong số những chip được ưa chuộng nhất để đào tạo và vận hành các mô hình AI, cho khách hàng ở Trung Quốc. Sau đó, Nvidia đã sửa đổi hai chip đó, tạo ra A800 và H800, để vượt qua những biện pháp hạn chế xuất khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ lại cấm xuất khẩu Nvidia A800 và H800 sang Trung Quốc theo các biện pháp thắt chặt được công bố vào tháng 10.2023.
Kể từ đó, Nvidia đã phát triển GPU H20, L20 và L2 để duy trì thị phần của mình tại Trung Quốc. Bất chấp một số vòng hạn chế từ Mỹ, Nvidia cho biết Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của họ trong năm tài chính kết thúc vào ngày 28.1.2024.