Cần giải pháp ngăn chặn mua nhà ở xã hội để bán sang tay
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:05, 28/10/2024
Cần giải pháp ngăn chặn mua nhà ở xã hội để bán sang tay
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần giải pháp để tăng nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH), hạn chế tình trạng xét duyệt không đúng đối tượng, mua NƠXH để bán sang tay…
Ngày 28.10, Quốc hội thảo luận về báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển NƠXH từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Đại biểu Tạ Minh Tâm (tỉnh Tiền Giang) cho biết, giai đoạn 2015 - 2023, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn trước tình trạng nhiều mục tiêu về phát triển NƠXH trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt được. Nguồn cung NƠXH còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp. Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp so với khả năng chi trả cho nhà ở.
Ông Tâm cho hay, qua triển khai 3 hình thức phát triển NƠXH theo quy định của Luật Nhà ở 2014, kết quả cho thấy đa số các dự án NƠXH đều được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã. Một số địa phương đã dành vốn ngân sách Nhà nước và vốn ngoài ngân sách vào phát triển NƠXH.
“Đối với hình thức phát triển NƠXH bằng nguồn vốn cá nhân, hộ gia đình, giai đoạn 2015 - 2023 chưa có loại hình này, chủ yếu phát triển nhà trọ với số lượng lớn. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa chú trọng vấn đề này”, ông Tâm nêu.
Đại biểu kiến nghị cần sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thực hiện hình thức nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng, cho thuê; chú trọng biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ, chuyển hóa, nâng cấp các loại hình xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê; kiểm soát chặt chẽ chất lượng NƠXH.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) đồng tình với kết quả giám sát được nêu trong báo cáo, tuy nhiên đại biểu bổ sung vấn đề quan trọng trong phát triển NƠXH thời gian qua. Đó là đối tượng được tiếp cận NƠXH có khi chưa đúng, không đúng. Có người sở hữu NƠXH không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này.
"Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra xem ai đang ở trong các căn NƠXH, chắc rằng sẽ có nhiều người không đúng đối tượng được ưu đãi", bà Nga nói.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do việc xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách không đúng; có tình trạng lách luật để mua đi bán lại, khiến người thu nhập thấp ngày càng khó tiếp cận NƠXH hơn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng do chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đất đai... cho NƠXH chưa khuyến khích cho nhà đầu tư; gói tín dụng 120 nghìn tỉ chậm được giải ngân; nhiều văn bản pháp quy còn chồng chéo nhau, chưa rõ ràng; nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ về NƠXH theo quy định.
Mặt khác, theo ông Hòa, vẫn còn những bất cập như văn bản quy định chi tiết hướng dẫn chậm được ban hành, sửa đổi bổ sung nhiều lần nên khâu thực hiện còn lúng túng, còn có sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất, còn tuỳ tiện trong điều chỉnh quy hoạch.
Đại biểu cho rằng việc thực hiện đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 - 2030 chưa đạt yêu cầu. Có địa phương mới bước đầu triển khai do nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, phần lớn là từ nguồn xã hội hóa, xây dựng nhà trọ cho người dân thuê do hộ gia đình cá nhân thực hiện.
“Các nhà đầu tư tiếp cận đất đai còn khó khăn, nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật, chậm định giá đất của địa phương cũng là nguyên nhân các dự án bất động sản và NƠXH bị đình trệ”, ông Hoà nói.
Quan tâm tới vấn đề phát triển NƠXH, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách pháp luật về NƠXH trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch; sửa đổi các chính sách thu hút để thu hút các nhà đầu tư, giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu NƠXH được tiếp cận tốt hơn với chính sách.
Ngoài ra, ông Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu NƠXH, trong đó chú trọng đến việc bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp.
Theo ông Hải, cần phải thực hiện phân bổ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng NƠXH, hoàn thiện các cơ thế chế, chính sách; tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển NƠXH cho công nhân ở các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân lao động; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân lao động được tiếp cận với vốn vay để đầu tư cũng như mua NƠXH.
ĐBQH Nguyễn Văn An (tỉnh Thái Bình) cũng nêu, dự thảo Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 bảo đảm tiến độ, chất lượng và sự phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, đây mới là chủ trương chung chứ chưa có các định hướng cụ thể.
Theo đại biểu An, dự thảo nghị quyết cần quy định thêm các nhiệm vụ, giải pháp để hạn chế tình trạng xét duyệt đối tượng không đúng, mua NƠXH để bán sang tay, đồng thời cần đẩy mạnh việc xây dựng NƠXH từ Ngân sách nhà nước để cho thuê... trong thời gian tới.