Phát hiện mới: Magma trong núi lửa đã tắt có thể chứa nguyên tố đất hiếm

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:45, 28/10/2024

Theo nghiên cứu của Đại học quốc gia Úc (ANU) hợp tác cùng Đại học Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (UCAS), một loại magma bí ẩn được tìm thấy trong các núi lửa đã tắt nằm rải rác khắp thế giới có thể chứa nguồn cung nguyên tố đất hiếm dồi dào.
Khoa học - công nghệ

Phát hiện mới: Magma trong núi lửa đã tắt có thể chứa nguyên tố đất hiếm

Cẩm Bình 28/10/2024 16:45

Theo nghiên cứu của Đại học quốc gia Úc (ANU) hợp tác cùng Đại học Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (UCAS), một loại magma bí ẩn được tìm thấy trong các núi lửa đã tắt nằm rải rác khắp thế giới có thể chứa nguồn cung nguyên tố đất hiếm dồi dào.

2024-10-28-141554.png
Loại magma bí ẩn được tìm thấy trong các núi lửa đã tắt nằm rải rác khắp thế giới có thể chứa nguồn cung nguyên tố đất hiếm dồi dào.

Các nguyên tố đất hiếm như lanthanum, neodymium, terbium rất quan trọng với nỗ lực từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Chúng không quá hiếm như tên gọi, nhưng lại khó khai thác vì hầu hết các mỏ đều có chất lượng lẫn nồng độ thấp. Trong khi đó, nhu cầu tăng cao khiến nhiều quốc gia chạy đua tìm nguồn cung khác nhằm phá vỡ thế thống trị của Trung Quốc.

Theo chuyên gia địa hóa học ANU Michael Anenburg, nghiên cứu mà họ thực hiện đem đến khả năng mở ra con đường mới cho việc khai thác đất hiếm. Nghiên cứu lấy cảm hứng từ phát hiện mỏ đất hiếm khổng lồ ở Kiruna của Thụy Điển - thành phố nằm trên quặng sắt khổng lồ hình thành cách đây khoảng 1.600 triệu năm sau hoạt động núi lửa dữ dội. Nhóm hợp tác ANU - UCAS thắc mắc vì sao lại có đất hiếm tại nơi đó.

“Chúng tôi chưa bao giờ thấy magma giàu sắt phun trào từ núi lửa còn hoạt động, nhưng chúng tôi biết vài núi lửa đã tắt tuổi đời hàng triệu năm phun trào loại magma bí ẩn này”, chuyên gia Anenburg cho biết.

Núi lửa tương tự như núi lửa ở Karuna cực kỳ hiếm, vì vậy nhóm chỉ có thể tiến hành mô phỏng trong phòng thí nghiệm bằng cách đưa đá tổng hợp chứa thành phần giống đá núi lửa Karuna vào lò nung áp suất nhiệt độ cao. Sau khi đá tan chảy thành magma giàu sắt, magma hấp thụ tất cả nguyên tố đất hiếm từ môi trường xung quanh. Từ đây, nhóm kết luận magma giàu sắt đạt hiệu quả cô đặc đất hiếm cao hơn magma phun trào từ núi lửa thông thường đến 200 lần.

Nghiên cứu trên cho thấy khả năng trong các núi lửa đã tắt nằm rải rác khắp thế giới như ở Mỹ, Chile, Úc... có mỏ đất hiếm chưa được khám phá. Đặc biệt, nhiều địa điểm từng là cơ sở khai thác quặng sắt nên sẽ không cần đào bới tìm kiếm tài nguyên ở địa điểm mới nữa.

Phó giáo sư Zhou Lingli thuộc Đại học Vrije Universiteit Amsterdam đánh giá nghiên cứu của ANU và UCAS là thông tin rất có giá trị, giúp giới địa chất tìm ra mỏ đất hiếm khả thi về mặt kinh tế, qua đó đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, khai thác đất hiếm không hoàn toàn vô hại với môi trường. Một số chuyên gia kêu gọi tăng cường tái chế đất hiếm dùng trong loạt thiết bị hiện có, thay vì khai thác thêm.

Cẩm Bình