Dòng hải lưu Đại Tây Dương: Ngòi nổ thầm lặng đe dọa khí hậu toàn cầu
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 17:27, 28/10/2024
Dòng hải lưu Đại Tây Dương: Ngòi nổ thầm lặng đe dọa khí hậu toàn cầu
Dòng hoàn lưu đảo ngược kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) – hệ thống hải lưu khổng lồ vận chuyển nhiệt lượng, chất dinh dưỡng và oxy qua Bắc Đại Tây Dương – đang cho thấy những dấu hiệu báo động khi tiến gần đến điểm giới hạn có thể gây ra một sự sụp đổ thảm khốc.
Nhà hải dương học Stefan Rahmstorf cảnh báo rằng, nếu không hành động khẩn cấp, hậu quả sẽ không thể lường trước và kéo dài nhiều thế hệ.
Hệ thống “băng chuyền” quan trọng đang nguy cấp
AMOC, bao gồm dòng hải lưu Gulf, hoạt động như một “băng chuyền” mang nhiệt và chất dinh dưỡng từ các vùng biển nhiệt đới đến vùng Bắc Đại Tây Dương, đồng thời đẩy dòng nước lạnh xuống phía nam. Hệ thống này giúp giữ ấm cho Bán cầu Bắc, duy trì sự sống biển và ổn định khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, các dữ liệu khí hậu cổ đại cho thấy AMOC đã từng ngừng hoạt động trong quá khứ, dẫn đến những thay đổi đáng kể về khí hậu.
Gần đây, 44 nhà hải dương học từ 15 quốc gia đã cùng ký tên trong một bức thư ngỏ kêu gọi hành động ngay lập tức, cảnh báo rằng nguy cơ sụp đổ của AMOC đã bị “đánh giá thấp rất nhiều” và có thể gây ra “hậu quả tàn khốc, không thể đảo ngược”.
“AMOC đóng vai trò rất quan trọng”, Rahmstorf chia sẻ. “Chúng ta biết điều này từ hồ sơ khí hậu cổ đại, nơi các thay đổi lớn và đột ngột thường tập trung quanh Bắc Đại Tây Dương, chủ yếu do sự bất ổn của AMOC”, ông nói và chỉ ra rằng trong quá khứ, các biến động đột ngột như sự kiện Dansgaard-Oeschger và Heinrich đều có mối liên hệ chặt chẽ với AMOC.
Theo Rahmstorf, các mô hình khí hậu đã chỉ ra rằng khi lượng nước ngọt đổ vào Bắc Đại Tây Dương tăng lên, dòng hải lưu này có thể dừng lại, dẫn đến nhiệt độ khu vực giảm mạnh – có thể tới 20 độ C tại Na Uy.
Mặc dù Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trước đây đã ước tính khả năng AMOC sụp đổ trong thế kỷ này là dưới 10%, nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thực tế có thể nghiêm trọng hơn. Rahmstorf giải thích rằng các “tín hiệu cảnh báo sớm” đã được phát hiện trong dữ liệu quan sát cho thấy hệ thống đang dao động và mất ổn định.
“Các nghiên cứu này có độ chắc chắn không cao”, Rahmstorf thừa nhận, “nhưng tất cả đều chỉ ra rằng điểm tới hạn có thể bị vượt qua trong thế kỷ này”. Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng các mô hình khí hậu thường không thể hiện đầy đủ sự bất ổn của AMOC, mặc dù hiện thực đã ghi nhận sự xuất hiện của vùng lạnh bất thường ở Bắc Đại Tây Dương.
Những hậu quả thảm khốc nếu AMOC sụp đổ
Nếu AMOC ngừng hoạt động, tác động đầu tiên sẽ là sự làm mát mạnh mẽ quanh Bắc Đại Tây Dương. Rahmstorf dự đoán rằng khu vực lạnh hiện tại sẽ mở rộng ra các nước như: Ireland, Scotland, Scandinavia và Iceland, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống vài độ. Sự thay đổi này sẽ làm gia tăng sự khác biệt nhiệt độ trên khắp châu Âu, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão mạnh và mưa lớn.
Mực nước biển ở Bắc Đại Tây Dương cũng sẽ tăng thêm khoảng nửa mét so với mức tăng trung bình toàn cầu, gây ra nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng. Hơn nữa, sự gián đoạn trong AMOC sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hấp thụ carbon dioxide của đại dương, khiến nồng độ CO2 trong khí quyển tăng nhanh hơn.
Không chỉ ảnh hưởng đến Bắc Đại Tây Dương, sự sụp đổ của AMOC còn gây ra những hệ lụy lan rộng. Ở Nam bán cầu, hiệu ứng nhà kính sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, làm tăng nhiệt độ nhanh chóng. Các vành đai mưa nhiệt đới sẽ dịch chuyển, gây ra hạn hán nghiêm trọng ở một số khu vực và lũ lụt ở những khu vực khác.
“Dữ liệu lịch sử cho thấy các sự kiện Heinrich từng gây ra hạn hán và lũ lụt trên diện rộng,” Rahmstorf nhấn mạnh. Những tác động này có thể lan rộng đến tận New Zealand, dù khu vực này cách xa Bắc Đại Tây Dương.
Rahmstorf cảnh báo rằng AMOC không phải là điểm giới hạn duy nhất mà chúng ta đang phải đối mặt. Rạn san hô đang chết dần, rừng mưa Amazon có nguy cơ biến thành thảo nguyên do chặt phá rừng và biến đổi khí hậu. Sự sụp đổ của AMOC có thể khởi động một chuỗi phản ứng domino, tương tác với các điểm tới hạn khác.
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), sự sụp đổ của AMOC có thể làm giảm hơn một nửa diện tích đất canh tác trên toàn cầu, đe dọa các loại cây trồng như lúa mì và ngô, vốn cung cấp gần hai phần năm lượng calo toàn cầu. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm nạn đói và xung đột toàn cầu.
Rahmstorf nhấn mạnh sự thiếu hụt nghiên cứu về tác động cụ thể của việc AMOC sụp đổ, và kêu gọi các nhà khoa học cần thực hiện thêm các nghiên cứu chi tiết.
Cơ hội đảo ngược tình thế
Nếu AMOC sụp đổ, quá trình phục hồi sẽ kéo dài hàng nghìn năm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là sự phục hồi của AMOC có thể diễn ra rất nhanh chóng, gây ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngay lập tức, chẳng hạn như nóng lên đột ngột.
Rahmstorf kêu gọi các chính trị gia và cộng đồng toàn cầu tuân thủ Hiệp định Paris, đặc biệt là giữ nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Ông cảnh báo rằng nếu không có hành động mạnh mẽ, nguy cơ vượt qua điểm giới hạn là rất lớn.
Ở cấp độ cá nhân, Rahmstorf khuyến khích mọi người chủ động trao đổi về biến đổi khí hậu, bỏ phiếu cho các chính trị gia cam kết hành động, và áp dụng các giải pháp bền vững như sử dụng xe điện hay hệ thống sưởi ấm không gây ô nhiễm.
Rahmstorf ủng hộ các sáng kiến như dự án cảnh báo sớm trị giá 105 triệu USD tại Anh, nhưng cũng nhấn mạnh rằng việc tăng cường khả năng thích nghi và ứng phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là rất cần thiết. Ông kêu gọi các quốc gia chuẩn bị cho một tương lai khó đoán trước, đồng thời ưu tiên ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của AMOC.
Bài học từ cảnh báo của Rahmstorf rõ ràng: đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng cho tương lai xa xôi mà là một lời kêu gọi hành động cho hiện tại. Chúng ta cần hợp tác để ngăn chặn một thảm họa khí hậu và bảo vệ tương lai của thế hệ sau.