'Phá vỡ khuôn mẫu': Vì sao bạn khó tin tưởng trở lại?

Văn hóa - Ngày đăng : 11:51, 30/10/2024

Khi đặt lòng tin vào người khác, bạn sẽ ở trong tình thế cực kỳ dễ bị tổn thương. Bạn sẽ phụ thuộc vào họ, tin tưởng rằng họ sẽ làm theo lời nói cũng như cam kết của mình.
Văn hóa

'Phá vỡ khuôn mẫu': Vì sao bạn khó tin tưởng trở lại?

Hạ Vĩ {Ngày xuất bản}

Khi đặt lòng tin vào người khác, bạn sẽ ở trong tình thế cực kỳ dễ bị tổn thương. Bạn sẽ phụ thuộc vào họ, tin tưởng rằng họ sẽ làm theo lời nói cũng như cam kết của mình.

Nguồn gốc của vết thương tin tưởng

Những người đầu tiên mà bạn có cơ hội tin tưởng hầu như luôn là người trong gia đình. Gia đình dạy bạn về niềm tin qua những gì họ nói, những gì họ chọn, cách họ giữ lời hứa và những gì bạn nên mong đợi ở người khác. Niềm tin có thể bị phá vỡ bởi sự thiếu nhất quán, nói dối, phản bội và từ bỏ. Như chúng ta đã biết, một khi đã mất niềm tin, bạn sẽ cảm thấy gần như không thể tìm lại niềm tin và tin tưởng ai được nữa.

Bạn có từng chứng kiến cha hay mẹ mình vô tư tin tưởng để rồi cuối cùng phát hiện ra họ đã nhiều lần bị lợi dụng không? Có phải cha hay mẹ bạn đã mang vết thương tin tưởng nên dạy bạn phải thật cẩn thận, “đừng bao giờ tin tưởng bọn đàn ông”, hay truyền cho bạn một kết luận chung chung nào đó mà bạn khó lòng rũ bỏ?

1tg-pha-vo-khuon-mau-33-.jpg
Cuốn sách "Phá vỡ khuôn mẫu" do First News phát hành

Bạn đã bao giờ trải nghiệm việc niềm tin mà bạn thoải mái trao đi bị phá vỡ trong một khoảnh khắc, như bị phụ huynh bỏ rơi, hoặc phát hiện rằng ai đó bạn tin tưởng, yêu thương đã nói dối hay lừa gạt bạn? Khi niềm tin bị phá vỡ, nó dễ khiến bạn trở nên chai sạn. Những bức tường được dựng lên, và sự nghi ngờ, hoài nghi, ngờ vực có xu hướng hiện diện trong những mối quan hệ của bạn.

Sự thật là khôi phục lại niềm tin đã mất sẽ là một quá trình lâu dài và đau đớn. Và nếu sự dối trá, phản bội hoặc ruồng bỏ từ thời thơ ấu vẫn còn tiếp diễn trong những mối quan hệ tình cảm hay bạn bè hiện tại, sự thiếu tin tưởng vào người khác của bạn chắc hẳn sẽ càng mạnh hơn, khiến vết thương càng thêm nhức nhối.

Nhưng không phải như vậy là hết. Vẫn còn một con đường dẫn về phía trước và nó bắt đầu với việc nhận diện vết thương tin tưởng của bạn.

Niềm tin bị tước đoạt

Troy thường phàn nàn rằng anh cảm thấy Mark không ủng hộ mình. Anh tin rằng người yêu lẽ ra phải luôn ủng hộ và lên tiếng bênh vực mình, thế nên anh cảm thấy bị phản bội khi Mark chẳng những không làm vậy mà còn thường xuyên về phe người khác. Còn Mark lại thấy khó mà ủng hộ Troy vì không muốn cổ xúy cho những “hành vi xấu”.

Khi tìm hiểu sâu hơn gia đình cội nguồn của Troy, hóa ra cha mẹ của Troy đã ly dị khi anh bảy tuổi và mẹ anh tái hôn sau đó vài năm. Cha dượng của Troy có hai con trai riêng xấp xỉ tuổi anh.

“Tôi luôn là đứa mắc lỗi. Lần nào cũng thế. Cho dù họ có làm gì, lỗi vẫn luôn là của tôi”. Troy lớn lên trong cảnh không một ai ủng hộ anh. Anh không thể hiểu sao cha dượng có thể ngó lơ những hành vi quá đáng như vậy của các con trai ông. Tệ hơn nữa, mẹ anh, người duy nhất anh có quan hệ máu mủ trong gia đình đó, lại không can thiệp vì con mình, Troy cảm thấy bị phản bội khi bà không đứng ra bảo vệ anh.

Sự phản bội có thể xảy ra khi một giao kèo trong mối quan hệ bị cố ý phá vỡ, như việc ngoại tình hay bỏ rơi. Nhưng nó cũng có thể xảy ra khi bạn cần hoặc mong đợi điều gì từ người khác mà cuối cùng lại bị để mặc. Điều này cũng sẽ hủy hoại lòng tin của bạn. Sự phản bội còn có thể xảy ra khi thông tin quan trọng bị giấu giếm, không cho người kia biết, chẳng hạn như không tiết lộ việc bạn bị sa thải, việc bạn có một gia đình thứ hai, bạn đã dùng tiền tiết kiệm cho con vào đại học để đánh bạc hay đã lén bạn đời mua một món đắt đỏ.

Khi một người bạn yêu thương phản bội bạn, điều đó có thể khiến bạn nghi ngờ mọi thứ trong thế giới của mình. Và một cuộc sống từng tràn đầy niềm tin giờ đây đã bị tước đoạt.

Ai cũng biết, trừ Angelica

Angelica bị bắt gặp đang kiểm tra điện thoại của anh ấy lần thứ... n, và việc anh ấy giận cô cũng là chuyện dễ hiểu. Angelica biết mình nên dừng hành động đó lại. “Tôi biết là bản thân đã đi quá giới hạn, nhưng sao tin tưởng lại quá khó với tôi, dù anh ấy chưa từng cho tôi một lý do nào để nghi ngờ".

Angelica luôn kiểm tra xem người yêu của mình có đến đúng nơi mà anh thông báo hay không bằng cách theo dõi qua ứng dụng Find My (xác định vị trí của người khác thông qua định vị trên điện thoại). Cô còn tìm kiếm qua tin nhắn và email của anh để chắc chắn anh không liên lạc với ai đó mà cô không biết. Nếu tình cờ phát hiện ra một cái tên hay số điện thoại mới, cô sẽ gặng hỏi đó là ai và anh quen biết người đó như thế nào. Angelica đã cố hết sức để tránh bị người yêu lừa dối.

quote-pha-vo-khuon-mau-1.jpg

Trong một phiên trị liệu, Angelica kể rằng năm 21 tuổi, cô phát hiện sự thật là dì cô mới là mẹ ruột, còn người phụ nữ cô gọi bằng mẹ thì lại là dì. Gia đình của Angelica đã cố giấu câu chuyện về nguồn gốc của cô vì họ thật sự nghĩ đó là quyết định đúng đắn, nhưng Angelica vẫn cảm thấy bị lừa dối. Cô đã phải sống trong sự lừa dối của cả nhà – và tệ hơn là tất cả mọi người đều biết, chỉ trừ cô. Sự phát hiện này đã làm Angelica hoài nghi mọi thứ trong đời mình.

Điều đó làm rõ lý do vì sao cô muốn đích thân xác nhận mọi thứ. Nhưng tin tưởng người khác không phải là điều duy nhất cô thấy khó khăn. Khi từng bị lừa dối, phản bội hoặc đánh giá sai tình huống vì bất kỳ lý do nào, người ta cũng dễ mất niềm tin vào chính mình.

Khi bị ruồng bỏ

“Tôi nghĩ cô ấy chính là định mệnh của đời mình”, Mahmoud vừa đi hẹn hò vào đêm hôm trước và anh đang rất hào hứng kể từng chi tiết. Trong hai tháng qua, tôi đã nhiều lần nghe đúng những lời này nói về nhiều người phụ nữ khác nhau. Mahmoud có một khuôn mẫu lặp đi lặp lại là đi hẹn hò, trúng tiếng sét ái tình với ai đó, để rồi tuần sau quay lại và thông báo rằng mối quan hệ đó đã kết thúc. Cái vòng lẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại mãi.

Khi Mahmoud lên tám tuổi, cha anh nói với gia đình rằng ông phải về quê hương Ai Cập để đi công tác. Ông thường đi công tác mỗi tháng một lần, nhưng lần này thì không quay lại nữa. Sự ruồng bỏ này đã làm cả gia đình Mahmoud rất đau lòng. Là con trai duy nhất trong nhà, anh đã rất thân thiết với cha mình, thế nên điều này khiến anh suy sụp. Anh từng muốn được giống cha mình khi lớn lên. Vậy mà giờ ông đã bỏ đi.

Sự ruồng bỏ trong thời thơ ấu là một dạng phản bội xảy ra khi cha mẹ hoặc người chăm sóc cố tình từ chối hoặc bỏ mặc nghĩa vụ của họ mà không quan tâm đến hạnh phúc của con cái. Sự ruồng bỏ có thể diễn ra trên thực tế, giống như khi cha Mahmoud ra đi, hoặc có thể xảy ra trên phương diện tinh thần, như khi cha mẹ không sẵn sàng dành tình cảm cho con.

Kỳ tới: Khi vết thương nắm quyền kiểm soát

Hạ Vĩ