Cần bổ sung biện pháp 'tịch thu, tiêu hủy' trong xử lý vật chứng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:27, 30/10/2024
Cần bổ sung biện pháp 'tịch thu, tiêu hủy' trong xử lý vật chứng
Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, các đại biểu đề xuất cần thêm biện pháp xử lý vật chứng bằng “tịch thu, tiêu hủy”.
Ngày 30.10, ở kỳ họp thứ 8, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, các đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ, rõ ràng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản để đảm bảo minh bạch.
Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị việc xử lý vật chứng ở giai đoạn tiền tố tụng cần phải rất thận trọng, bởi giai đoạn này chưa rõ có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không. Việc xử lý vật chứng, tài sản của người chưa bị buộc tội có thể dẫn đến xâm phạm quyền tài sản theo quy định tại khoản 3 điều 51 Hiến pháp.
“Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”, đại biểu đề nghị quy định thời điểm xem xét, xử lý vật chứng, tài sản được thực hiện theo đúng Kết luận số 87-KL/TW khi đã khởi tố vụ án - khởi tố bị can; trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Cơ bản đồng tình với 5 nhóm biện pháp xử lý sớm vật chứng, tài sản, tuy nhiên đại biểu Hùng bày tỏ băn khoăn về nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, có được áp dụng đồng thời từ 2 biện pháp trong 5 biện pháp mới quy định này hay không?
“Ví dụ sau khi áp dụng biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thì vật chứng, tài sản được giao cho chủ sở hữu hoặc người có quyền quản lý, sử dụng hợp pháp. Trường hợp xét thấy có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng có được quyền áp dụng thêm biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng hay không?”, đại biểu Hùng nêu.
Ngoài ra, ông Hùng cũng băn khoăn, đối với biện pháp nộp tiền để bảo đảm hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thì người bị buộc tội, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a khoản 2 điều 3 dự thảo nghị quyết có được quyền chuyển dịch tài sản (mua bán, trao đổi, tặng cho…) hay không?
Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng chỉ giao cho họ quyền quản lý, sử dụng. Những người này phải có nghĩa vụ bảo quản vật chứng, tài sản, đảm bảo không thay đổi hiện trạng đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, bồi thường thiệt hại.
Đối với biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản tại khoản 3 điều 3 của dự thảo nghị quyết, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề nghị cần xác định rõ hơn tiêu chí, điều kiện để được áp dụng biện pháp cho nộp tiền lấy lại tài sản quy định tại khoản 2 điều 3 và cho mua bán, chuyển nhượng tài sản tại khoản 3 điều 3.
Theo đại biểu Hà, mặc dù vật chứng, tài sản có đặc tính giống nhau nhưng theo quy định tại khoản 2 thì được phép nộp tiền bằng giá đã định để giải tỏa kê biên. Trong khi theo quy định tại khoản 3 thì phải bán đấu giá. Do đó, quy định này có thể dẫn đến việc người bị buộc tội chỉ yêu cầu thực hiện biện pháp nộp tiền để giải tỏa kê biên tài sản, làm giảm khả năng khắc phục hậu quả so với biện pháp xử lý tài sản qua bán đấu giá.
Đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) đề nghị nên quy định rõ, rạch ròi hơn vấn đề xử lý vật chứng. Tài sản là vật chứng thì xử lý như thế nào và tài sản kê biên như thế nào để dễ dàng thực hiện hơn?
Riêng đối với việc xử lý vật chứng là tài sản (tiền), ông Thuận cho rằng những tài sản có ý nghĩa lưu thông trong phát triển kinh tế - xã hội thì quan điểm là không để lãng phí. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cần có tiêu chí rõ hơn để tạo thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện.
Cho ý kiến cụ thể về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ) nêu rõ, trong thực tiễn, quá trình điều tra vụ án, truy tố, xét xử, có những vật chứng, tài sản cần thiết phải tịch thu (như thuốc lá lậu, cây thuốc phiện; động vật nguy cấp, quý, hiếm nếu không trả về tự nhiên sẽ chết ngay…); hoặc vật chứng phải tiêu hủy ngay (vi khuẩn gây bệnh, hóa chất gây ô nhiễm môi trường). Do đó, đại biểu Thuận đề xuất đưa thêm vào dự thảo nghị quyết biện pháp xử lý vật chứng bằng “tịch thu, tiêu hủy”.
Tán thành quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) phân tích, vật chứng, tài sản liên quan đến các vụ án hình sự thường có nguồn gốc và tính chất phức tạp. Do đó, để giảm rủi ro đối với 2 biện pháp quy định tại điều 3 dự thảo nghị quyết là: Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng.
Đại biểu Phước kiến nghị cần quy định bổ sung điều kiện thực hiện 2 biện pháp này là có cơ sở khẳng định cơ quan chức năng có khả năng “theo dấu” vật chứng, tài sản sau khi áp dụng biện pháp xử lý để đảm bảo giải quyết được trong trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng, tài sản đã áp dụng biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 8 điều 3 của dự thảo nghị định.