Tranh luận địa vị pháp lý UB Chứng khoán: Cần độc lập hơn

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:38, 28/04/2019

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu để có mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường vốn, tăng cường sự minh bạch, thu hút nhiều hơn nguồn vốn của các nhà đầu tư.
Tranh luận địa vị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Ảnh: minh họa

Liên quan đến việc sửa Luật Chứng khoán, một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Việc này có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng Uỷ ban Chứng khoán nhà nước cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện tại, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng Uỷ ban Chứng khoán nhà nước trước mắt có thể trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần có lộ trình rõ ràng để chuyển thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ trong tương lai.

Quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế là việc xác lập Uỷ ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết, trong khi tờ trình của Chính phủ vẫn đề nghị ủy ban thuộc Bộ Tài chính.

Tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 26.4 mới đây, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh vấn đề “đau đầu” nhất mà Thường trực Uỷ ban này rất băn khoăn đó là địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Dự thảo luật Chính phủ trình dù có trao thêm một số thẩm quyền song Uỷ ban Chứng khoán nhà nước vẫn là cơ quan thuộc Bộ Tài chính.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu để có mô hình độc lập hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường vốn, tăng cường sự minh bạch, thu hút nhiều hơn nguồn vốn của các nhà đầu tư.

“Việc thời kỳ đầu uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ nhưng một ngày đẹp trời uỷ ban này bỗng về Bộ Tài chính, theo một số phân tích thì cũng có lý do nhất định. Nhưng, bây giờ hoàn cảnh đã khác và sửa luật chính là cơ hội để cơ quan này độc lập hơn”, ông Thanh nói.

TS. Phạm Giang Thu (Đại học Luật Hà Nội) nói rằng, vì là cơ quan thuộc Bộ, không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước rất là chung chiêng.

“Tại thời điểm này nếu giả định Uỷ ban này trong một vị thế độc lập thì liệu có thể có một điều như Luật Ngân hàng Nhà nước khẳng định là cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ hay không? Phải thế thì mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật được nếu không thì vẫn chung chiêng, mà quy định như thế thì phải sửa Luật Tổ chức Chính phủ”, bà Thu nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có thể ví Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là hai cơ quan tiêu tiền và quản lý tiền. “Như thế vừa làm trọng tài vừa đá banh, rất nguy hiểm”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng không nên hiểu một cách máy móc về chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Bộ Chính trị và Trung ương cũng nói cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà đã hoàn thiện thì có anh cần xoá bỏ có anh cần thành lập mới, ông Phúc nêu quan điểm.

"Ở nhiều nước Uỷ ban Chứng khoán là một thiết chế độc lập, hoạt động theo luật, còn không thuộc cả Chính phủ. Tư duy vẫn quản lý hành chính thì sẽ dẫn đến thị trường chứng khoán không phát triển được nữa. Việt Nam muốn thế giới công nhận nền kinh tế thị trường những tư duy vẫn hành chính", nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế bình luận.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng vị thế của thị trường chứng khoán hiện nay cũng đang ở mức sơ khai, hàng hóa cũng như các vấn đề về mặt quản lý cũng chưa quá phức tạp; mức độ tăng trưởng, vốn hóa cũng chưa là gì so với các thị trường trên thế giới nên có lẽ trong thời gian này vẫn nên để thuộc Bộ Tài chính, chưa cần phải đưa thành một đầu mối của Chính phủ.

Có 7/128 nước UB Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính

Ủy ban chứng khoán quốc tế có 128 nước thành viên thì có 7 thành viên có mô hình là Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ tài chính, một số Ủy ban Chứng khoán thì trực thuộc Ngân hàng Trung ương, có một số nước thì tổ chức theo mô hình là hội đồng.

Bên cạnh Chủ tịch Ủy ban chứng khoán thì hội đồng thường là bộ trưởng của các bộ phụ trách về kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính,… Đấy cũng là mô hình ban đầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi chuyển về Bộ Tài chính.

(Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước)

Lam Thanh