Temu cân nhắc tham gia nhóm chống hàng giả ở châu Âu sau khi bị điều tra

Thế giới số - Ngày đăng : 19:51, 31/10/2024

Nhà bán lẻ trực tuyến Temu (Trung Quốc) đang cân nhắc tham gia một nhóm các nền tảng thương mại điện tử và thương hiệu hợp tác để ngăn chặn việc bán sản phẩm giả trực tuyến tại châu Âu, theo chương trình nghị sự mà hãng tin Reuters ghi nhận được.
Thế giới số

Temu cân nhắc tham gia nhóm chống hàng giả ở châu Âu sau khi bị điều tra

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Nhà bán lẻ trực tuyến Temu (Trung Quốc) đang cân nhắc tham gia một nhóm các nền tảng thương mại điện tử và thương hiệu hợp tác để ngăn chặn việc bán sản phẩm giả trực tuyến tại châu Âu, theo chương trình nghị sự mà hãng tin Reuters ghi nhận được.

"Biên bản ghi nhớ về việc bán hàng giả trên internet" là thỏa thuận tự nguyện được Ủy ban châu Âu thúc đẩy, với các bên ký kết gồm các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon, Alibaba, eBay cùng các thương hiệu như Adidas, Nike, Hermes và Moncler.

Temu sẽ trình bày tại cuộc họp ngày 11.11 của các thành viên thuộc biên bản ghi nhớ này với tư cách là "bên ký kết mới tiềm năng", theo ghi chú chương trình nghị sự.

Một người phát ngôn cho biết Temu đang thảo luận để tham gia sáng kiến trên, đồng thời nói thêm rằng "những nỗ lực hợp tác là điều cần thiết" để giải quyết vấn nạn hàng giả.

Việc Temu cân nhắc tham gia vào mạng lưới chống hàng giả diễn ra trong bối cảnh các cơ quan chức năng của Liên minh châu Âu (EU) gia tăng áp lực buộc công ty Trung Quốc cải thiện việc kiểm soát các sản phẩm được bán cho người tiêu dùng châu Âu qua nền tảng của mình

Hôm 31.10, Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra Temu về khả năng vi phạm các quy định của EU về việc bán các sản phẩm bất hợp pháp, sau khi yêu cầu công ty Trung Quốc cung cấp thông tin theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) đầu tháng này.

Temu, công ty con của tập đoàn thương mại điện tử PDD Holdings (Trung Quốc), đã phát triển nhanh chóng ở châu Âu và Mỹ thông qua hoạt động tiếp thị tích cực, thu hút hàng triệu người dùng vào trang web và ứng dụng của mình với khẩu hiệu "mua sắm như một tỷ phú", cung cấp mức giá cực thấp cho mọi thứ, từ đồ dùng nhà bếp, đồ điện tử đến quần áo và phụ kiện.

Nhiều loại quần áo, giày dép và túi xách được bán trên trang web được thiết kế trông giống với các sản phẩm có thương hiệu phổ biến, với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ.

Một nguồn tin trong ngành (yêu cầu không nêu tên) cho biết họ lo ngại rằng việc chấp nhận chữ ký của Temu vào biên bản ghi nhớ chống hàng giả sẽ ảnh hưởng đến uy tín của mạng lưới.

temu-can-nhac-tham-gia-nhom-chong-hang-gia-o-chau-au-sau-khi-bi-dieu-tra.jpg
Temu đang cân nhắc tham gia một nhóm các nền tảng thương mại điện tử và thương hiệu hợp tác để ngăn chặn việc bán sản phẩm giả trực tuyến tại châu Âu - Ảnh: Reuters

Vào tháng 5, Ủy ban châu Âu đã chỉ định Temu là "nền tảng trực tuyến rất lớn", nghĩa là công ty phải hành động nhiều hơn nữa để chống lại nội dung bất hợp pháp và có hại cũng như các sản phẩm giả mạo trên nền tảng của mình theo DSA.

Hôm 31.10, Ủy ban châu Âu cho biết Temu có 92 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại EU vào tháng 9.

DSA là một quy định quan trọng của EU được thông qua vào năm 2022. Mục tiêu chính của DSA là tạo ra một môi trường internet an toàn hơn và minh bạch hơn cho người dùng ở EU.

DSA giải quyết những vấn đề gì?

Nội dung bất hợp pháp: DSA đặt ra các quy tắc chặt chẽ hơn để các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, trang web chia sẻ video nhanh chóng gỡ bỏ nội dung bất hợp pháp, chẳng hạn lời nói kích động thù địch, thông tin sai lệch hoặc nội dung vi phạm bản quyền.

Quảng cáo minh bạch: DSA yêu cầu các nền tảng phải minh bạch hơn về thuật toán quảng cáo của họ và cho phép người dùng có quyền kiểm soát nhiều hơn với quảng cáo mà họ nhìn thấy.

Bảo vệ người dùng: DSA đặt ra các quy định để bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ em, khỏi nội dung độc hại và nguy hiểm trên mạng.

Tại sao DSA lại quan trọng?

Bảo vệ quyền lợi của người dùng: DSA giúp đảm bảo rằng người dùng internet có một môi trường trực tuyến an toàn hơn, nơi họ không phải đối mặt những nội dung độc hại hoặc bị thao túng bởi các thuật toán.

Tạo ra một sân chơi công bằng: DSA giúp tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bằng cách hạn chế sức mạnh của các công ty công nghệ lớn.

Cập nhật luật pháp cho kỷ nguyên số: DSA là một nỗ lực để cập nhật luật pháp hiện hành nhằm đối phó với những thách thức mới do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số mang lại.

Áp dụng DSA vào thực tế

DSA đã và đang được áp dụng vào thực tế tại các quốc gia thành viên EU. Các nền tảng trực tuyến lớn như Facebook, YouTube, Google... đều phải tuân thủ các quy định của DSA. Điều này đòi hỏi các nền tảng này phải thay đổi đáng kể cách họ hoạt động, từ việc điều chỉnh thuật toán đến việc tăng cường đội ngũ kiểm duyệt nội dung.

Tóm lại, DSA là một bước tiến quan trọng trong việc điều chỉnh không gian mạng và bảo vệ quyền lợi của người dùng EU. Tuy nhiên, việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DSA vẫn còn nhiều thách thức.

Người Việt cần cẩn trọng khi mua hàng giá rẻ, siêu rẻ trên Temu

Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần cân nhắc, cẩn trọng khi mua hàng giá rẻ, siêu rẻ trên Temu, vì chưa được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp.

Mới xuất hiện ở Việt Nam, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã gây cơn sốt về khuyến mãi khủng, với những lời mời gọi mua sắm có giá siêu rẻ. Cùng với đó là chương trình tiếp thị liên kết với hoa hồng cao giúp Temu thu hút sự quan tâm lớn của người dân.

Chỉ trong 2 phút, người dùng có thể tải ứng dụng thương mại điện tử Temu bản tiếng Việt và đặt hàng, với các mã hàng giảm giá đến 70%; ưu đãi tiếp 490.000 đồng nếu bạn giới thiệu được 1 khách hàng tải ứng dụng này. Song, ứng dụng Temu chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này gây không ít băn khoăn cho các doanh nghiệp trong nước, vì Temu chưa đăng ký kinh doanh, không phải nộp thuế sẽ gây ra tình trạng không công bằng với các sàn thương mại điện tử khác. Ngoài ra, hàng hóa giá rẻ từ Temu có thể "bóp nghẹt" hàng hóa sản xuất trong nước, khiến các doanh nghiệp nội địa có nguy cơ thua trên sân nhà. Thực tế này đang đặt ra áp lực cho cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động mua hàng qua mạng xuyên biên giới.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết những sản phẩm thông thường trên Temu đang ở mức giá thấp hơn 50-60 % so với những sàn khác trên thương mại điện tử.

“Cùng với đó, sàn nay áp dụng việc cạnh tranh về giá. Nếu cạnh tranh về giá, khó cạnh tranh về chất lượng”, ông Lê Hoàng Tài cho hay.

Vấn đề nữa là nếu như trước đây, mức lợi nhuận có thể là 10 - 20%, nhưng để cạnh tranh với những sản thương mại lớn, có tính chất toàn cầu, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất trong nước chắc chắn sẽ bị giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong khi các sàn thương mại điện tử đã được cấp phép như Shopee, Lazada hay Tiki chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, chấp hành quy định về thuế, bảo vệ người tiêu dùng… thì những sàn như Temu, Shein và 1688 ngang nhiên hoạt động không phép, đồng nghĩa sẽ chưa hoặc không nộp thuế, không chịu sự kiểm soát, tạo ra cuộc chơi không công bằng.

Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nói theo quy định hiện nay, các chương trình khuyến mại tập trung do cơ quan chức năng thực hiện vào dịp lễ, Tết, mức khuyến mại với hàng hóa, dịch vụ tham gia chương trình có thể từ 50% và tối đa 100%.

Ngoài chương trình trên, việc xử lý vi phạm khuyến mại trên 50% cũng được cơ quan chức năng của Bộ Công Thương (như Cục Xúc tiến thương mại, Tổng Cục Quản lý thị trường và Sở Công Thương) thường xuyên kiểm tra các sàn thương mại điện tử.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới cả về chất lượng, bao bì sản phẩm, kết nối với nhau để tạo thành hệ sinh thái, nhằm phát huy điểm mạnh của các doanh nghiệp trong nước, để hiểu thị hiếu và gần với người sử dụng hơn, từ đó các doanh nghiệp trong nước sẽ có những lợi thế trước các doanh nghiệp cung cấp trên thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Hiện các cơ quan quản lý nhà nước đã phối hợp cùng Hiệp hội thương mại điện tử nhằm đảm bảo có đầy đủ thông tin để đưa ra các quyết sách phù hợp, đảm bảo hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đúng pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh công bằng,” ông Hoàng Ninh nói.

Tại công văn ngày 26.10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và Temu, Shein, 1688 nói riêng.

Tổng cục Quản lý thị trường được giao nhiệm vụ phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử.

Sơn Vân