Bộ GTVT đề xuất giải pháp chọn vị trí 'trạm thu tiền' đường bộ
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:04, 08/05/2019
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, nhằm thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ GTVT đưa ra khái niệm “trạm thu tiền” thay cho khái niệm “trạm thu phí” đang sử dụng.
Trước đó, đầu năm 2018, Bộ GTVT đã đưa vào khái niệm “trạm thu giá” thay cho tên gọi “trạm thu phí”. Tuy nhiên, khái niệm này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, Thủ tướng sau đó đã yêu cầu không sử dụng khái niệm “trạm thu giá”. Đầu tháng 7.2018, Bộ GTVT yêu cầu các dự án đổi lại “trạm thu giá” thành “trạm thu phí”.
Theo giải thích của Bộ GTVT, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án hoặc đơn vị được Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện việc bán, kiểm soát vé thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo phải tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và thiết kế phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với trường hợp áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài, công nghệ thu phải được chuẩn hoá, đồng bộ dữ liệu và phù hợp với công nghệ chung của các trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đang áp dụng và được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
Trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải áp dụng hệ thống công nghệ thu một dừng, thu điện tử tự động không dừng sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Toàn bộ hệ thống công nghệ thu, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải đảm bảo kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của nhà nước; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư.
Đối với các trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ thu theo hình thức thu hở, vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải được công khai cho chính quyền cấp quận (huyện) và nhân dân địa phương trong thời gian 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức công bố công khai vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận (huyện), phường (xã) nơi dự kiến đặt trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Đối với quốc lộ, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ (nếu có).
Đối với đường địa phương đấu nối vào quốc lộ, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp đường địa phương không đấu nối vào quốc lộ, vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ do cấp quyết định đầu tư quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bên cạnh đó, vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ không đặt cuối dốc khi độ dốc dọc lớn hơn 3%, không đặt trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ trong hầm.
Lam Thanh