Thủ tướng: Điều hành giá điện không 'giật cục', xem xét tăng mua điện từ Trung Quốc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:25, 01/11/2024
Thủ tướng: Điều hành giá điện không 'giật cục', xem xét tăng mua điện từ Trung Quốc
Các đơn vị phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền điều hành giá điện theo lộ trình phù hợp, không "giật cục".
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 500/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đảm bảo cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng.
Thông báo kết luận nêu rõ, trong 9 tháng năm 2024 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta tính chung đã đạt mức 6,82% (riêng quý 3/2024 đạt 7,4% so với cùng kỳ), dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong các tháng cuối năm dự kiến có thể tăng từ 11-13%, cao hơn mức 9% kế hoạch dự báo.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 dự kiến là 7% và để bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, tăng trưởng điện phải đạt từ 12-13%. Theo báo cáo, dự kiến tổng công suất cần tăng thêm đáp ứng nhu cầu khoảng 2.297MW. Do đó, với kinh nghiệm điều hành trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhất định không để thiếu điện cho năm 2025, trong đó đề nghị triển khai các giải pháp để bảo đảm bù đắp tổng công suất thiếu hụt.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu triển khai có hiệu quả Nghị định số 80 ngày 3.7.2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Bộ Công Thương nghiên cứu thúc đẩy việc mua điện từ Lào, thống nhất với bạn mua cho cả giai đoạn 5 năm và điều chỉnh giá điện nhập khẩu phù hợp. Bên cạnh đó, cũng xem xét khả năng tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc để bổ sung điện cho hệ thống nếu cần.
Đối với giai đoạn 2026-2030, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty liên quan trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng điện khoảng 12-15% mỗi năm xây dựng các kịch bản về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu nhất định không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cho cả giai đoạn từ nay đến 2030, vừa đảm bảo cho tăng trưởng, vừa thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó giá điện phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và mức chi trả của người dân.
Bộ Công Thương cần nghiên cứu để chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, đa dạng hóa các nguồn điện, trong đó có nghiên cứu và thực hiện xây dựng phát triển điện hạt nhân, chú trọng phát triển nguồn điện sạch góp phần chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn như điện mặt trời mái nhà, điện gió, điện rác...
Đối với nguồn thủy điện, cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch điều tiết lưu lượng nước hài hòa, khoa học, bảo đảm tưới tiêu nhưng tinh thần là phải tích nước cho phát điện và mùa khô ở miền Bắc.
Đối với điện khí, đề nghị tính toán giá điện phù hợp, sát với thị trường và tình hình của đất nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo động lực và hiệu quả đầu tư để nhà đầu tư có thể tham gia.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền điều hành giá điện theo lộ trình phù hợp, không "giật cục"; ngành điện đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí... giá điện phải phù hợp nền kinh tế, có sự điều tiết của Nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô.