Tiền Giang đã bàn giao gần 99% mặt bằng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 09:01, 07/05/2019
Thông tin trên được TTXVN cho biết vào ngày 6.5, theo đó tính đến đầu tháng 5.2019, tỉnh Tiền Giang đã giải phóng mặt bằng và bàn giao 50,68km trong tổng chiều dài tuyến đường 51,1km, đạt trên 98,84%; còn lại 590m chưa bàn giao mặt bằng.
UBND tỉnh Tiền Giang đang tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp vướng mắc còn tồn đọng để bàn giao mặt bằng đất sạch cho doanh nghiệp dự án.
Để đảm bảo kế hoạch tiến độ dự án, ông Phạm Anh Tuấn cho hay UBND tỉnh Tiền Giang đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để tiến hành ký lại hợp đồng, phụ lục hợp đồng dự án giữa tỉnh và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Mặt khác, tỉnh cũng xem xét điều chỉnh đơn giá vật liệu, tiến hành phê duyệt giải pháp thiết kế thi công đã được Bộ GTVT thẩm định làm cơ sở xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh dự án theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trung ương trong năm 2019 với số vốn 2.186 tỉ đồng cho dự án theo đề xuất của Bộ GT-VT và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn nêu trên để đảm bảo phương án tài chính của dự án.
Tuy nhiên, do tính chất cấp bách phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án, trong trường hợp vốn ngân sách trung ương không bố trí đủ 2.186 tỉ đồng trong năm 2019, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho ứng trước kế hoạch vốn các năm sau nhằm đảm bảo đủ nguồn hỗ trợ.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công từ năm 2009, dài 51km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A, được hàng triệu người dân miền Tây chờ đợi.
Khởi động lại từ năm 2015, dự án cao tốc này đến nay mới chỉ đạt 15% khối lượng thi công. Dự án chậm tiến độ do nguồn thu phí trạm TP.HCM - Trung Lương để hỗ trợ cao tốc theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được vì thay đổi của Luật Quản lý tài sản công. Nguồn này gây thiếu khoảng 3.900 tỉ đồng.
Dự án đình trệ còn do Công ty TNHH Yên Khánh, 1 trong 6 thành viên liên danh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự, các ngân hàng tài trợ không giải ngân, yêu cầu phải thay thế.
Do dự án chưa hoàn thành nên cứ ngày nghỉ cuối tuần, trên Quốc lộ 1 có nhiều điểm ùn ứ xe như khu vực Long Định, Cầu Rượu (huyện Châu Thành) hay An Hữu, An Cư, Cổ Cò (huyện Cái Bè)... Cho nên dự án cao tốc này cần hoàn thành sớm. Đây là điều kiện cần thiết nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ tìm về đầu tư ở khu vực này…
Giai đoạn 1 có quy mô nền đường 17m, 4 làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trong nút giao liên thông, 5 cầu vượt trực thông, 1 cầu trên tuyến tránh đường tỉnh 868, 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè. Tổng mức đầu tư dự án là 9.669 tỉ đồng.
Căn cứ Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18.3.2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn I theo hình thức BOT, UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn nhà đầu tư gồm liên danh 6 thành viên: Công ty CP cầu đường CII, Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Công ty CP đầu tư xây dựng B.M.T, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng lợi, Công ty CP Hoàng An, Công ty CP tập đoàn Yên Khánh và Doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
A.T.T