Thủ tướng tháo gỡ những vướng mắc từ thực tế đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:23, 03/11/2024
Thủ tướng tháo gỡ những vướng mắc từ thực tế đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao
Trung tuần tháng 10, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông (NN-PTNT) cùng với lãnh đạo các địa phương trong vùng đã nêu nhiều vướng mắc, khó khăn khi thực hiện đề án, được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra các giải pháp tháo gỡ.
Những khó khăn từ thực tế
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023, đây cũng là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất một triệu hecta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.
Bộ NN-PTNT cho biết hiện 7 mô hình thí điểm được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Có 4/7 mô hình thí điểm vụ hè -thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực, tạo sự khích lệ rất lớn đối với nông dân và doanh nghiệp.
Những hiệu ứng tích cực từ sản xuất theo đề án, cụ thể giảm chi phí 20 - 30% (trong đó giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30 - 40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3 - 6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7 - 6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20 - 25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 3 - 5 tấn CO2 tương đương trên một hecta, tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200 - 300 đồng/kg thóc...
Bên cạnh những thành quả bước đầu, khó khăn từ thực tế cũng đã xuất hiện. Trước tiên Việt Nam là quốc gia đi đầu thực hiện chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn, các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ để tham khảo về cơ chế chính sách, phương pháp triển khai, cách thức tổ chức và huy động nguồn lực.
Nông dân đã quen với phương thức canh tác lúa truyền thống thiếu bền vững, thiếu liên kết; do vậy cần tuyên truyền phổ biến mạnh mẽ, giúp bà con nâng cao năng lực, được tiếp cận với mô hình trình diễn cụ thể đi kèm với sự hỗ trợ về cơ chế và nguồn lực để tạo động lực; cơ sở vật chất, kỹ thuật được đảm bảo mới có thể thay đổi tư duy sản xuất.
Việc huy động nguồn lực đầu tư hiện nay không theo kịp tiến độ triển khai đề án, đặc biệt nguồn đầu tư từ ngân sách ngay trong giai đoạn 2024-2025 chưa bố trí được. Đồng thời, cần nhanh chóng triển khai gói tín dụng đủ tầm cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đề án được vay ngắn hạn để mua vật tư, thu mua lúa cho nông dân, vay trung và dài hạn để mua máy móc cơ giới, thiết bị phục vụ bảo quản, chế biến, đầu tư cho hệ thống kho chứa và logistics.
Chương trình được thực hiện trên địa bàn 12/13 tỉnh ở ĐBSCL liên quan đến phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và tác động trực tiếp đến sinh kế khoảng 2 triệu người trồng lúa.
Về việc áp dụng chi trả tín chỉ carbon trong sản xuất lúa gạo dựa trên kết quả lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, đề nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - Môi trường về thí điểm chính sách chi trả dựa trên kết quả của sản xuất lúa giảm phát thải.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL đã báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai đề án, nêu rõ các kết quả đạt được sau một năm thực hiện, xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, nêu các đề xuất, kiến nghị để các bộ ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu đề án đặt ra.
Đại diện WB khẳng định WB có cam kết rất mạnh mẽ với chương trình này, đề nghị Chính phủ có thể lập tổ công tác liên ngành để xử lý các vấn đề liên quan, hài hòa thủ tục giữa hai bên, thống nhất cơ chế triển khai rõ ràng, khả thi, hiệu quả, sớm ký kết hiệp định vay, phát huy hiệu quả nguồn tài chính từ WB cho đề án.
Thủ tướng tháo gỡ khó khăn
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao nội dung báo cáo của Bộ NN-PTNT và các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn từ bộ ngành đến các địa phương; giao Bộ NN-PTNT và Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương vùng ĐBSCL tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo và sớm trình ban hành thông báo kết luận để thống nhất triển khai thực hiện.
Về mục tiêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tăng tốc, bứt phá hơn nữa để đạt mục tiêu một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp càng sớm càng tốt, qua đó đạt khoảng 14 - 15 triệu tấn lúa, 9 - 10 triệu tấn gạo chất lượng cao. Chậm nhất đến năm 2030 phải đạt mục tiêu này và cần nỗ lực đạt sớm hơn.
Thủ tướng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Phải quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài để phát triển cây lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Các địa phương phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường làm việc này, hoàn thành trong quý 2/2025. Cần triệt để ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa trong phân khúc chất lượng cao, đi cùng với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng...
Bộ NN-PTNT chủ trì cùng Bộ KH-ĐT, Bộ Tư pháp, các địa phương xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên, đề xuất cấp có thẩm quyền, trước mắt cố gắng trình một số chính sách tại kỳ họp quốc hội sắp tới, tinh thần là "vướng ở đâu tháo gỡ ở đó". Về nguồn vốn, Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các gói tín dụng, nghiên cứu để triển khai trong năm 2025 gói tín dụng với quy mô khoảng 30.000 tỉ đồng cho đề án; đồng thời cho doanh nghiệp vay vốn để mua vật tư, giống, sản xuất kinh doanh.
Về vay vốn của các đối tác phát triển, tinh thần là Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm và cấp phát cho các địa phương. Bộ Tài chính nghiên cứu lập quỹ hỗ trợ triển khai đề án, gồm vốn của nhà nước, vốn bán tín chỉ carbon, vốn xã hội hóa… để sử dụng linh hoạt, nhanh chóng khi cần thiết.
Về ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT xây dựng đề án tổng thể để bảo vệ ĐBSCL, trong đó có diện tích đất trồng lúa; đề án tổng thể nhưng phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các địa phương. Về các nhiệm vụ liên quan giảm phát thải, giảm khí metal trong nông nghiệp, bán tín chỉ carbon, Bộ NN-PNT, Bộ TM-TM, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm, có sản phẩm trong quý 2/2025.
Thủ tướng nêu rõ, nếu bảo đảm lợi ích (cả vật chất và tinh thần) thì người nông dân sẽ tích cực tham gia, còn nếu không bảo đảm thì có "trải thảm đỏ" họ cũng không làm. Thủ tướng thống nhất với đề xuất cần thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đề án do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm trưởng ban, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Về các nội dung mà đại diện WB đề cập, Thủ tướng yêu cầu Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ NN-PTNT làm việc ngay với WB để giải quyết căn cơ vấn đề.
Thủ tướng cũng khẳng định sẽ còn vài cuộc họp để giải quyết các vấn đề từ đề án, đảm bảo đề án có kết quả tốt đẹp theo kế hoạch.