ĐBQH Phạm Văn Hòa: Khoáng sản là 'miếng mồi ngon', có những người bất chấp hệ quả
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:58, 04/11/2024
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Khoáng sản là 'miếng mồi ngon', có những người bất chấp hệ quả
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng khoáng sản là “miếng mồi ngon” mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ.
Sáng 4.11, Quốc hội thảo luận về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Khoáng sản là “miếng mồi ngon”
Quan tâm đến việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết Luật Địa chất, khoáng sản dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều điểm bất cập về quản lý nhà nước, nhằm khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả.
Ông Hòa khẳng định khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, thực tiễn cho thấy nhiều nơi vẫn còn vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, vì khoáng sản là “miếng mồi ngon” mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ.
“Nhiều khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của luật pháp trong quản lý để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này chung với vật liệu thông thường để tiêu thụ, mà không bị phát hiện”, ông Hòa nêu.
Ngoài ra, theo ông Hòa, việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng. Mặt khác, việc kê khai số lượng quặng khoáng sản được thu hồi phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo theo cơ chế xin – cho, cũng làm thất thu ngân sách nhà nước.
Đại biểu lo ngại tại những địa phương vùng cao, có những khoáng sản đi kèm như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng khai thác, bị thải bỏ gây ra lãng phí, có nơi chất thành đống cao. Điều này gây nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe người dân, trong khi đó đất đá để xây lắp cho các công trình thì không đủ để sử dụng.
Một vấn đề nữa được đại biểu Hòa đề cập đó là hạ tầng giao thông đã được Quốc hội thông qua và từng bước triển khai nhưng việc triển khai ở các địa phương gặp khó.
"Áp lực sử dụng các sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án, công trình nhưng có điều nghịch lý là khối lượng đất đá thải ra từ các mỏ lại chưa sử dụng do chưa nghiên cứu để sử dụng cho công trình", ông Hòa nêu.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện để sử dụng thay thế cho các sông làm vật liệu thông thường.
Ngoài ra, về cát biển, ông Hòa cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường; nghiên cứu xây dựng cầu cảng trên vùng đất yếu, vùng trũng, đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chóng thực hiện thí điểm.
Cần chính sách đặc thù hỗ trợ người dân sau bão
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết bão Yagi với sức tàn phá nặng nề, bão đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc. Với sự quyết liệt lo cho dân của cả hệ thống chính trị cùng những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão.
Đại biểu cho rằng có nhiều hình ảnh minh chứng cho truyền thống quý báu của dân tộc như: Những chiếc ô tô đi thật chậm để chắn gió cho người đi xe máy; khách sạn, căn hộ mở cửa miễn phí đón người dân vào trú bão; bà con ở chùa Hương chèo đò xuyên đêm để cứu trợ cho người dân; đồng bào miền Nam, miền Trung ruột thịt xuyên đêm chế biến thực phẩm, hàng hóa để gửi cho đồng bào miền Bắc; hàng nghìn chuyến xe chở nhu yếu phẩm nối đuôi nhau cùng hướng về vùng lũ, mang theo triệu tấm lòng...
“Ở nước ngoài, kiều bào ta cũng đau đáu hướng về miền Bắc, đến nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận hơn 2.000 tỉ đồng, tất cả đều thực hiện theo “mệnh lệnh từ trái tim””, bà Thủy nói.
Để tiếp tục chuẩn bị tốt hơn nữa để phòng tránh, ứng phó thiên tai, đại biểu đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương miền núi. Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng cần có chính sách đặc thù giúp người dân vùng ảnh hưởng của bão ổn định cuộc sống.
Bà Yến đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng.
Thời gian qua, Chính phủ không chỉ ban hành và chỉ đạo khắc phục nợ đọng văn bản, chuẩn bị nhiều dự thảo luật trình Quốc hội, trong đó có một số luật thông qua theo thủ tục một kỳ họp, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo khung pháp lý vững chắc để điều hành, quản lý kinh tế - xã hội một cách toàn diện.
Để đảm bảo thực thi hiệu quả, bà Yến đề nghị sớm ban hành các văn bản còn nợ đọng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để thực hiện đồng bộ khi Luật có hiệu lực; tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.