ĐBQH đề nghị kiểm điểm rõ trách nhiệm việc ban hành văn bản pháp luật gây cản trở sự phát triển
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:34, 04/11/2024
ĐBQH đề nghị kiểm điểm rõ trách nhiệm việc ban hành văn bản pháp luật gây cản trở sự phát triển
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị kiểm điểm rõ trách nhiệm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở phát triển.
Tháo gỡ rào cản thể chế
Ngày 4.11, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách cho các thành phần kinh tế trong nước.
Ngoài ra, đại biểu Sinh cũng đề nghị ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập ngày càng dữ dội của hàng hóa, nhất là hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài thông qua giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn. Do đó, cùng với các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục hành chính, doanh nghiệp, doanh nhân rất cần các giải pháp tạo sự đột phá, có sự hậu thuẫn của Nhà nước để tạo sinh khí, khích lệ, đào tạo, đồng hành.
"Sự đổi mới nói trên sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp, tham gia vào thị trường", ông Tân nói.
Đại biểu Tân đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có biện pháp xử lý, tháo gỡ rào cản trong thể chế. Trong đó, cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị phải có chính sách để kết nối FDI với các doanh nghiệp trong nước có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp, dịch vụ phụ trợ công nghiệp vật liệu, phụ kiện; quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt, nông sản, thủy sản…
Ngoài ra, ông Ngân cũng cho rằng cần có những chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Việc chuẩn bị thống nhất thông qua các dự án luật, các nghị quyết lần này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế", ông Ngân nói.
Bên cạnh khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh sự cần thiết đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh: khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch.
"Đây là những thế mạnh của Việt Nam chúng ta từ đặc điểm kinh tế chính trị - xã hội, điều kiện thiên nhiên... Ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước. Do đó, rất mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến 3 lĩnh vực này", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng năng suất lao động và chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế.
"Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động và yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn để phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ, kỹ năng nghề hợp lý, nhằm đảm bảo chỉ tiêu này có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới", đại biểu Dương Khắc Mai nói.
Kiểm điểm trách nhiệm việc ban hành các văn bản pháp luật cản trở phát triển
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho biết để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội trung bình phải đạt từ 5,5 tốc độ tăng năng suất trở lên mới đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% - 7%.
Vì vậy, theo ông Tuấn, để đạt được tốc độ tăng năng suất xã hội, ngoài những biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cần phải giải phóng mạnh nguồn lực xã hội, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy.
"Hiện nay, một hồ sơ phải đi qua rất nhiều cơ quan, mà một cơ quan qua rất nhiều bộ phận. Tôi nghĩ cần phải rút gọn bộ máy để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, giải phóng nguồn lực xã hội để tăng năng suất lao động", đại biểu Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Đối với vấn đề lãng phí, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết Nghị quyết 78 của Quốc hội năm 2022 đã nêu danh mục 13 dự án trọng điểm để chậm trễ; 19 dự án để hoang hóa; 880 dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng...
Ông An cho rằng, đây là cơ sở hết sức quan trọng trước khi chúng ta hình thành văn hóa chống lãng phí trong người dân, trong doanh nghiệp, cần phải xử lý những dự án trong danh mục đã được Quốc hội chỉ ra.
"Điều này vừa có tác dụng cảnh tỉnh, vừa làm gương nhưng cũng vừa cắt đi phần lãng phí mà lâu nay đang tồn tại, những số liệu đã nêu khiến chúng ta rất đau lòng", ông An nói.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nhấn mạnh rằng cần kiểm điểm rõ trách nhiệm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở phát triển.
Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn có hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô và lãng phí rất phổ biến", đại biểu Ngọc nêu rõ, vấn đề này tại buổi làm việc về chống lãng phí Tổng bí thư Tô Lâm một lần nữa phân tích sâu sắc những tác hại và sự cần thiết phải đẩy mạnh chống lãng phí.
Từ thực tiễn trên, đại biểu Ngọc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra. Thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.
Đặc biệt, bà Ngọc cho rằng cần có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương tổ chức thực hiện với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng".