Luật Đầu tư công: Nếu điều chỉnh lên 20.000 tỉ có thể không còn dự án nào trình Quốc hội
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:50, 28/05/2019
Thảo luận ở hội trường ngày 28.5 về một số nội dung của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia cần giữ nguyên như luật hiện hành.
“Quốc hội khóa 13, 14 chỉ có hai dự án trình Quốc hội. Một quốc gia đang phát triển mà một năm có hai dự án là quá ít, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỉ có thể sẽ không còn dự án nào trình Quốc hội. Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không điều chỉnh dự án nào là bất hợp lý”, ông Hàm nói.
Theo ông Hàm, việc lý giải mức vốn 10.000 tỉ đồng hiện nay là bất cập sau đó tính đến trượt giá, tăng trưởng, dự báo cho tương lai để lên 20.000 tỉ đồng là không thuyết phục. Mặt khác, 10.000 tỉ đồng giai đoạn trước là cao vì 10 năm chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia, sẽ là hợp lý nếu ở giai đoạn trước mức vốn để xác định tiêu chí dự án quan trọng quốc gia là 5.000-6.000 tỉ đồng, một giai đoạn 5 năm có 2 dự án trình Quốc hội và bây giờ tính thêm tăng trưởng, trượt giá dự báo cho tương lai đưa lên 10.000 tỉ đồng là phù hợp.
Đại biểu này nhấn mạnh, việc để Quốc hội quyết định mức vốn cho từng dự án là hoàn toàn khả thi, không mất thời gian nếu chuẩn bị kỹ lưỡng. Để Quốc hội quyết định mới đảm bảo đầy đủ về quyền hạn, về phân bổ ngân sách Trung ương theo Hiến pháp.
“Quốc hội quyết định danh mục phân bổ mức vốn cho từng dự án đầu tư từ ngân sách Trung ương cũng là thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay Chính phủ phải trình đi trình lại nhiều lần là do chuẩn bị chưa đạt yêu cầu. Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể từ chối khi Chính phủ chuẩn bị đầy đủ đúng quy định”, ông Hàm nêu.
Ủng hộ điều này, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng danh mục dự án là một bộ phận trung tâm hạt nhân, có tính chất quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu tách rời danh mục dự án thì kế hoạch đầu tư công trung hạn không còn ý nghĩa. Như vậy, Quốc hội sẽ không còn vai trò, vị trí của mình là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Hơn nữa, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Nếu giao quyền này cho Chính phủ thì không đúng với nguyên tắc phân công và tổ chức quyền lực nhà nước.
“Trên thực tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn sở dĩ trục trặc, không thực hiện được theo Luật Đầu tư công là do năng lực của bộ máy tham mưu giúp việc của Chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm Quốc hội giao”, ông Vân nói.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nêu quan điểm, qua giám sát của Ủy ban Kinh tế và Quốc hội có việc chậm triển khai các dự án từ nhóm A chuyển lên dự án trọng điểm quốc gia do Quốc hội phê chuẩn, như dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên là dự án nhóm A chuyển lên mức công trình trọng điểm quốc gia.
“Quá trình chuyển như thế ai chịu trách nhiệm phê duyệt, UBND TP.HCM hay Chính phủ trình phê duyệt thì vướng ở chỗ đó chứ không vướng ở mức bao nhiêu. Cho nên lý do mà các đồng chí nêu là tiền thấp quá nên không duyệt được, không tiêu được, thì không phải. Nếu đọc lại báo cáo kiểm toán nhà nước, quyết toán năm 2017 thì thấy chuyển nguồn của năm đấy đến hơn 30.000 tỉ là đâu có phải vì thiếu tiền nên không làm được mà đổ cho luật?”, ông Kiên nói.
“Tôi thực sự băn khoăn về việc sửa Luật Đầu tư công. Vấn đề không phải vì luật mà vấn đề là chúng ta triển khai”, ông Kiên nói.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết hoàn toàn đồng ý thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề ngân sách và vấn đề đầu tư.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thì kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là 1 khung cho cả 5 năm. Còn Quốc hội vẫn quyết định, phê duyệt và giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hàng năm, như nhiệm kỳ vừa rồi có khối lượng 9.600 dự án cho 5 năm. Nếu nhiệm kỳ tới cũng khoảng như thế thì khối lượng rất lớn cho Quốc hội thực hiện quyền quyết định của mình.
Trong khi trên thực tế các dự án đó luôn có phát sinh, phải điều chỉnh liên tục. Ví dụ, do đấu thầu thừa ra khoảng 10 tỉ đồng hay do tên của một dự án cần điều chỉnh một chút, dù là điểm hoàn toàn chính đáng, nhưng vẫn phải báo cáo lại Quốc hội vì trước đó là Quốc hội quyết. Mà nếu như vậy thì khối lượng rất khổng lồ, mỗi một dự án cứ điều chỉnh từng chút theo thực tế rồi báo cáo thì dự án có thể kéo dài trong 5 năm.
Vấn đề thứ hai là thời điểm trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công, khóa trước chuẩn bị, đến khóa sau phê duyệt là có lý và đúng. Vậy năm đầu tiên làm thế nào để có cơ sở giao vốn và có thể triển khai đầu tư ngay? Chúng ta đều biết nếu năm đầu tiên chưa có được quyết định thì không thể giao vốn, hằng năm phải phê duyệt kế hoạch trung hạn 5 năm. Nếu chưa phê duyệt kế hoạch trung hạn 5 năm thì hằng năm cũng không được giao.
“Năm đầu tiên chúng ta không thể thực hiện được thì mất 1 năm, nhỡ nhịp mất tính liên tục của các dự án. Đó là vấn đề chúng tôi băn khoăn”, ông Dũng nói.
Lam Thanh