Vì sao Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án lớn ở Việt Nam?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:21, 23/05/2019
Các nhà thầu Trung Quốc triển khai khá nhiều dự án hạ tầng lớn ở Việt Nam. Theo một thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đưa ra hồi năm 2014, trong tổng số 62 dự án xi măng của Việt Nam triển khai theo hình thức BOT, có tới 49 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu. Tương tự, có tới 16/27 dự án BOT nhiệt điện do các công ty của Trung Quốc làm tổng thầu. Ngoài ra còn có nhiều tuyến đường cao tốc, đường sắt trên cao có quy mô vốn lớn mà Trung Quốc trúng thầu như Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai...
Tuy nhiên, có khá nhiều dự án hạ tầng lớn do nhà thầu Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam liên tục đội vốn, chậm tiến độ.
Đơn cử như đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, theo Kiểm toán Nhà nước, việc đàm phán, ký kết vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỉ đồng chiếm 77% tổng mức đầu tư. Bộ Giao thông vận tải lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỉ đồng lên 18.001,6 tỉ đồng (tăng 9.231,6 tỉ đồng, tương đương 205,27%). Đến nay, dự án này vẫn chưa thể vận hành thương mại sau nhiều lần lỗi hẹn.
Vậy vì sao nhiều dự án lớn của nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam liên tục chậm tiến độ? Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh lý giải Việt Nam thiếu vốn và cần vốn, việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài cũng là một trong những giải pháp cho hạ tầng.
Tuy nhiên, việc nhà thầu Trung Quốc hay thắng thầu vì họ là nước cho vay ODA hoặc hỗ trợ một phần của các dự án đó. Điều này đồng nghĩa với việc nhà thầu thi công dự án là của Trung Quốc.
Ông Thịnh chia sẻ, các nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá thấp, còn Việt Nam thì dựa trên cơ sở giá thấp để lựa chọn. Tuy nhiên, cái thực sự yếu kém của phía Việt Nam là không chọn lọc, hoặc hợp đồng không đủ chặt chẽ, ràng buộc để nếu phía Trung Quốc vi phạm thì ta có thể xử phạt họ. Ví dụ như việc thiếu ràng buộc trong vấn đề đặt cọc ở các dự án, điều khoản kiện tụng ở hợp đồng… nên rất nhiều dự án đội vốn, kéo dài nhưng phía ta cũng không làm gì được.
Đề cập đến việc thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông, ông Thịnh cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc rất quan tâm. Lý do vì sao nhà đầu tư Trung Quốc lại quan tâm, thậm chí muốn làm cả, bởi trước hết là họ có nguồn vốn dự trữ lớn, cộng với kế hoạch “Vành đai – Con đường” mà Trung Quốc muốn thông qua đó để tăng sức ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa, chính trị của họ.
Do đó, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư ra nước ngoài, làm đường sá, cầu cống, sân bay… ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tham gia “Vành đai – Con đường” cũng có cái lợi với các quốc gia là có nguồn vốn đổ vào, tăng GDP, tạo thêm việc làm, thay đổi bộ mặt hạ tầng… Tuy nhiên, hệ lụy từ nguồn vốn của Trung Quốc là có quốc gia rơi vào bẫy nợ, khiến phải gán đi nhiều tài sản quan trọng của quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.
Theo một báo cáo trả lời cử tri của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) vào năm 2017, Bộ thừa nhận thời gian qua có nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án quan trọng của Việt Nam và trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tình trạng như: thi công chậm tiến độ; chất lượng của hàng hóa, công trình sau khi hoàn thành không cao, xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành...
Nguyên nhân là để vay vốn Trung Quốc, Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, chất lượng lập, phê duyệt dự án còn thấp, chưa xác định được một cách tương đối chính xác về công nghệ, khối lượng cũng như tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến phát sinh khối lượng khi thực hiện.
“Phê duyệt tổng mức đầu tư thấp dẫn đến các nhà thầu chào công nghệ tiên tiến, xuất xứ từ các quốc gia phát triển đều không trúng thầu do vượt tổng mức đầu tư”, Bộ nêu.
Một nguyên nhân nữa được xác định là chất lượng công tác lập hồ sơ mời thầu của các chủ đầu tư còn yếu, chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại nhà thầu Trung Quốc.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ KH-ĐT cho rằng trước tiên cần tự chủ được nguồn lực tài chính, thu hút vốn đầu tư tư nhân, nước ngoài; tăng cường các dự án hợp tác công - tư PPP; nâng cao chất lượng lập, phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án…
Để nhằm hạn chế và dần khắc phục tình trạng này, Bộ KH-ĐT cho rằng ngoài việc phải chủ động được vốn thì người có thẩm quyền, chủ đầu tư phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực trong việc tổ chức lập, phê duyệt dự án, đặc biệt là những dự án/gói thầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế, trong đó tổng mức đầu tư của dự án phải phù hợp với công nghệ và xuất xứ của hàng hóa, thiết bị mong muốn.
Cùng với đó, phải quy định nội dung đánh giá về uy tín của nhà thầu trong việc thực hiện các hợp đồng trước đó. Nếu nhà thầu có lịch sử không hoàn thành hợp đồng thì sẽ bị đánh giá là không bảo đảm uy tín và sẽ bị loại.
Hoài Sơn