Hơn 64.000 giao dịch liên ngân hàng thu về gần 40.000 tỉ đồng
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:04, 11/06/2019
Thông tin trên được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” diễn ra ngày 11.6. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 64.160 giao dịch tương ứng với giá trị gần 35.728 tỉ đồng (tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái).
Đến cuối tháng 4, trên toàn quốc có hơn 18.700 ATM (tăng tương ứng tăng 4,25% so với cùng kỳ năm ngoái), số POS đạt được 266.700 POS và hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...).
Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên, đến cuối tháng 3 vừa qua đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018. Phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và là điều kiện tiên quyết để tạo mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Số lượng và giá trị giao dịch thẻ cũng được đánh giá là tiếp tục tăng. Đến cuối tháng 3 vừa qua, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch (tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng giá trị giao dịch hơn 171.000 tỉ đồng (tăng 18,82% so với cùng kỳ năm 2018); nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.
Với công cụ thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động thì đến 31.3 vừa qua, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 tỉ đồng (tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924.000 tỉ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018).
Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.
Ngoài ra, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng được đẩy mạnh. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. Khoảng 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
Tuyết Nhung