‘Con đường chuyển hóa’: 50 bài giảng về con đường chân chánh giúp chuyển hóa nỗi khổ đau
Văn hóa - Ngày đăng : 12:52, 16/11/2024
‘Con đường chuyển hóa’: 50 bài giảng về con đường chân chánh giúp chuyển hóa nỗi khổ đau
Xã hội càng hiện đại thì những vấn đề tinh thần của con người càng phức tạp hơn. Do đó, nhiều người có xu hướng quay về tìm hiểu và thực hành những phương pháp nhằm chữa lành tâm hồn cho mình, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, hoặc xa hơn, có người lại muốn có một trải nghiệm tâm linh đặc biệt nào đó.
Có lẽ vì vậy mà cuốn sách Chia sẻ từ trái tim, tập hợp 50 bài giảng về nhân quả thiết thực trong cuộc sống của Sa môn Thích Pháp Hòa, khi vừa ra mắt đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của đông đảo bạn đọc. Như thầy Thích Pháp Hòa đã chia sẻ, cuốn sách Chia sẻ từ trái tim như một quyển “Phật pháp căn bản”, cung cấp cho độc giả những khái niệm nền tảng của đạo Phật.
Tiếp nối tinh thần này, cuốn sách thứ hai: Con đường chuyển hóa, là tuyển tập gồm 50 bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa xoay quanh “Đạo đế” – con đường để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau và hướng đến mục đích cuối cùng là giác ngộ và giải thoát. Ở quyển này, các bài giảng có xu hướng đi sâu hơn vào giáo lý của đạo Phật và các pháp môn tu tập, nhưng quý độc giả sẽ vẫn dễ dàng tiếp nhận bởi cách tiếp cận Phật pháp giản dị, gần gũi và đầy từ tâm của thầy.
Những bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa trong phần thứ nhất của cuốn sách giúp bạn đọc nhận diện một đạo Phật nguyên bản thông qua “8 con đường chân chánh” mà Phật Thích Ca đã chỉ ra. Đó chính là Bát Chánh đạo, qua 8 bài giảng: “Cái nhìn vượt thoát” (Chánh kiến), “Mưu sinh chân chánh” (Chánh mạng), “Điều thiện nhỏ vẫn làm” (Chánh nghiệp), “Nói nhiều không bằng nói đúng” (Chánh ngữ), “Tinh tấn” (Chánh tinh tấn), “Định tĩnh” (Chánh định), “Chánh niệm” (Chánh niệm), và “Đừng vội tin” (Chánh tư duy). Đây là một pháp môn quan trọng, dẫn dắt người tu học đi từ nhận thức đúng đắn tới thân, khẩu, ý đúng đắn và cuối cùng đi tới chỗ an vui, hết khổ.
Ở phần thứ hai, “Mười phương sen nở”, các bài giảng của thầy Thích Pháp Hòa cung cấp cho quý bạn đọc một bức tranh khái quát của “đạo Phật pháp môn”. Đặc biệt, Tịnh Độ tông và Thiền tông có số lượng Phật tử thực tập nhiều nhất và đây cũng là hai truyền thống khiến cho người thực hành có nhiều sự so sánh và thắc mắc. Trên tinh thần “Thiền - Tịnh song tu” và là người tìm hiểu sâu cũng như có kinh nghiệm tu tập ở cả hai pháp môn, thầy Thích Pháp Hòa đã giải thích cặn kẽ tính phương tiện và điểm chung cốt lõi của hai truyền thống này, đồng thời chỉ dẫn những cách thức tu tập dễ ứng dụng và hiệu quả. Thầy đã khéo léo kết hợp phương pháp chánh niệm của Thiền tông với việc hành trì của Tịnh Độ, “làm cho cõi Tịnh độ xa xôi bỗng như ở gần ngay trước mắt”.
Phần thứ ba, “Muôn sự do tâm”, bao gồm các bài giảng xoay quanh một phương diện quan trọng khác của đạo Phật, đó là vấn đề “tu tâm”. “Tâm” vốn là yếu tố cốt lõi của sự tu tập trong đạo Phật, bất kể bạn tu theo truyền thống Nguyên thủy hay Đại thừa. Vì thế, cho dù thực tập pháp môn, phương tiện, hay truyền thống nào thì các hành giả đều phải đi qua một bước chuyển hóa quan trọng, đó là “chuyển hóa tâm”. Trong các bài giảng về đề tài này, bạn đọc sẽ cảm nhận được phảng phất tinh thần khoáng đạt của Thiền tông trong các ví dụ về 10 bức tranh chăn trâu, hoặc các giai thoại thú vị của các thiền sư nổi tiếng.
Phần sau cùng là “Người trí nhìn đời”. Có thể nói tu tâm và tu trí là hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật – Làm sao để điều phục tâm và làm sao để trở thành người có trí tuệ. Người có trí thì thong dong tự tại trước “được” và “mất”, “thắng” và “thua”. Người có trí thì không buông lung theo bản ngã. Người có trí thì biết dung thông giữa đời sống thế gian và sự giải thoát rốt ráo. Người có trí thì có từ bi. Và người có trí thì điều phục được tâm.
Một trong những điểm đặc biệt của cuốn sách là sự xuất hiện của các câu kệ Pháp Cú xuyên suốt các bài giảng. Kinh Pháp Cú là những lời dạy ngắn gọn của đức Phật trong kinh tạng Nguyên thủy được tất cả các truyền thống Phật giáo quý trọng và thực tập theo. Từ kinh điển trích dẫn cho đến pháp môn thực tập, bạn đọc có thể cảm nhận được một tinh thần xuyên suốt “bất nhị” mà thầy Pháp Hòa truyền đạt. Tất cả có mặt như để bổ khuyết, làm rõ nghĩa cho nhau, chứ không phải trái nghịch nhau như nhiều người đã lầm tưởng.
Hy vọng rằng cuốn sách Con đường chuyển hóa đáp ứng được lòng mong mỏi thiết tha của quý độc giả khi đứng trước nhiều cánh cửa khác nhau của “đạo Phật pháp môn” trong thời đại ngày nay. Nhờ đó, mỗi người có thể tự tìm cho mình một cánh cửa phù hợp để tiếp tục đi trên con đường chân chánh và trở về với tinh thần uyên nguyên của đạo Phật.