ESG - Xu hướng tất yếu và cấp bách!

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 14:18, 19/11/2024

Hiện nay, thực hành ESG (môi trường - xã hội - quản trị), tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.
Nhịp đập khoa học

ESG - Xu hướng tất yếu và cấp bách!

Lam Thanh 19/11/2024 14:18

Hiện nay, thực hành ESG (môi trường - xã hội - quản trị), tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.

ESG là xu hướng tất yếu

Tại hội thảo ESG trong ngành ngân hàng "Thực thi để dẫn đầu" diễn ra hôm nay 19.11, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước) cho biết tại Việt Nam, đến ngày 30.9.2024, đã có 50 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỉ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Các TCTD đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.

“Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng…”, bà Giang nêu.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng tăng trưởng bền vững, hướng đến thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường, công bằng xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà là để bắt kịp xu thế thế giới. Điều này nhằm thực hiện cam kết mang tính bước ngoặt lịch sử là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, trong đó, thực hành ESG sẽ góp phần đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.

thu-giang-3.jpg
Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu

Theo ông Tú, rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng...).

Do vậy, việc thực hành ESG sẽ giúp các TCTD cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Chưa kể, khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.

“Các nước châu Âu đặt ra những tiêu chuẩn rất gắt gao đối với hàng hóa xuất sang. Các doanh nghiệp không đạt được chứng chỉ về vấn đề môi trường hay giảm sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu vào, điển hình trong lĩnh vực may mặc. Đây là vấn đề nóng và rất cấp bách đối với các doanh nghiệp của Việt Nam”, ông Tú nhấn mạnh.

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank cũng nhấn mạnh rằng ngân hàng có những hoạt động hướng tới ESG có thể xây dựng danh tiếng tốt đối với chính phủ, cơ quan quản lý, khách hàng, cộng đồng, từ đó tăng trưởng doanh số, quy mô hoạt động và phát triển theo hướng bền vững.

“Ngày càng có nhiều tổ chức độc lập đánh giá và báo cáo về việc thực hiện ESG của các công ty, ngân hàng. Những nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ và những bên quan tâm khác thường tham khảo những báo cáo độc lập này để so sánh các công ty, đánh giá rủi ro và đưa ra các quyết định đầu tư”, bà Hà nêu.

Cũng theo bà Hà, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm tài chính ngân hàng hiện đại, phù hợp với sự vận động trong tương lai của nền kinh tế như tín dụng xanh và trái phiếu xanh, các sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh bền vững, tham gia vào thị trường carbon... đưa ngân hàng vào thế chủ động đón đầu xu hướng mới và tạo ra các sản phẩm tiên phong mang tính cạnh tranh cao.

Tín dụng xanh chỉ là một phần của bức tranh lớn về ESG

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh các cơ hội vẫn còn nhiều thách thức đặt cho cả cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các đơn vị thực thi trong thực hành ESG.

thu-giang.jpg
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Bà Hà Thu Giang đề nghị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư theo hướng cập nhật, dễ dàng tiếp cận, làm cơ sở cho các TCTD có thể tra cứu thông tin để đánh giá về môi trường, xã hội; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong việc thực thi ESG, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, Bộ TN-MT cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng lĩnh vực một cách đồng bộ.

TS Phạm Minh Tú, Phó viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN) đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.

Ngoài ra, NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức tín dụng trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, tài trợ vốn cho các dự án xanh…

TS Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ, tín dụng xanh được coi là một trong các giải pháp tài chính hiệu quả để giải quyết các vấn đề môi trường xã hội. Tuy nhiên có thể khẳng định, tín dụng xanh chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn về ESG.

thu-giang-2.jpg
Còn nhiều thách thức đặt cho cả cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các đơn vị thực thi trong thực hành ESG

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn diện, bà Hà cho rằng ngân hàng cần phải triển khai đồng bộ 3 trụ cột ESG.

Cụ thể, đối với trụ cột môi trường, cần đa dạng hóa các hoạt động thân thiện với môi trường ngoài việc tài trợ cho các dự án năng lượng sạch, triển khai các chương trình bảo vệ môi trường, quản lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học.

Đối với trụ cột xã hội, cần chú trọng đến quan hệ lao động, bình đẳng giới, trách nhiệm cộng đồng, đầu tư vào giáo dục, y tế, phát triển bền vững.

Đối với trụ cột quản trị, cần chú trọng đến duy trì minh bạch trong hoạt động, chống tham nhũng, quản lý rủi ro; đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan (cổ đông, nhân viên, khách hàng).

Lam Thanh