TP.HCM: Bé trai 4 tuổi mắc sốt xuất huyết nguy kịch thoát chết sau 6 lần lọc máu
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:24, 19/11/2024
TP.HCM: Bé trai 4 tuổi mắc sốt xuất huyết nguy kịch thoát chết sau 6 lần lọc máu
Sau 3 ngày sốt, bé trai 4 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng, sốc kéo dài gây rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, biến chứng suy đa cơ quan…
Ngày 19.11, BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - cho biết bệnh viện vừa kịp thời cứu sống bé trai 4 tuổi bị sốc sốt xuất huyết gây rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, suy đa cơ quan.
Bé trai này là cháu B.N.M.K (4 tuổi), ngụ quận Tân Phú, TP.HCM. Cách nhập viện khoảng 4 ngày, bé K. sốt cao liên tục, không đáp ứng hạ sốt, uống thuốc mua ở nhà thuốc tây. Đến ngày thứ 3, bé K. ói 3 lần và được đưa đi khám ở bệnh viện địa phương, được chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết dengue. Bệnh nhi được điều trị ngoại trú.
Tuy nhiên, bé vẫn không hạ sốt; ói, tiêu lỏng. Bệnh nhi được nhập viện trong tình trạng đừ hơn, ói 4 lần ra dịch lợn cợn nâu, tay chân lạnh. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận mạch không bắt được, huyết áp không đo được, chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng N3, truyền dịch chống sốc theo phác đồ, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Theo bác sĩ Tiến, lúc này bệnh nhi có mạch nhẹ, chi mát, huyết áp kẹp 80/60mmHg, da nổi bông, phục hồi màu da kéo dài 3-4 giây, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng.
Các bác sĩ tiến hành truyền dịch chống sốc theo phác đồ, sử dụng vận mạch dưới hướng đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP) và huyết áp động mạch xâm lấn. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi vẫn diễn tiến nặng, sốc kéo dài rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp.
“Chúng tôi phải tiến hành chống sốc tích cực, đặt nội khí quản thở máy, truyền máu, huyết tương đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, diễn tiến lâm sàng phức tạp, trẻ tổn thương gan thận nặng (men gan > 2000 đv/L, creatinine máu > 250 micromol/L), được lọc máu liên tục, điều trị hỗ trợ gan. Diễn tiến tình trạng trẻ phức tạp rối loạn chức năng các cơ quan, lúc cải thiện, lúc xấu đi”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Lúc này, bệnh nhi có biểu hiện nhiễm trùng bệnh viện nên được tiếp tục điều trị hỗ trợ các cơ quan và sử dụng kháng sinh phổ rộng.
“Sau gần 3 tuần điều trị với 6 đợt lọc máu liên tục, hỗ trợ các cơ quan, tình trạng trẻ cải thiện dần, tiểu khá, chức năng gan thận trở về bình thường, được cai máy thở, tỉnh táo”, bác sĩ Tiến thông tin.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Tiến khuyến cáo các phụ huynh tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng và cần theo dõi, phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời.
“Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống”, bác sĩ Tiến cho biết.