Trưởng bộ phận sản phẩm OpenAI chia sẻ 5 mẹo sử dụng ChatGPT hữu ích có thể bạn chưa biết

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:47, 19/11/2024

Nhiều người sử dụng ChatGPT để tạo công thức nấu ăn hoặc viết email công việc. Nick Turley, trưởng bộ phận sản phẩm của OpenAI, vừa chia sẻ 5 mẹo hữu ích mà người dùng ChatGPT có thể chưa biết hoặc muốn thử nghiệm.
Nhịp đập khoa học

Trưởng bộ phận sản phẩm OpenAI chia sẻ 5 mẹo sử dụng ChatGPT hữu ích có thể bạn chưa biết

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Nhiều người sử dụng ChatGPT để tạo công thức nấu ăn hoặc viết email công việc. Nick Turley, trưởng bộ phận sản phẩm của OpenAI, vừa chia sẻ 5 mẹo hữu ích mà người dùng ChatGPT có thể chưa biết hoặc muốn thử nghiệm.

Trong tập gần đây trên podcast Hard Fork, Nick Turley đã giới thiệu năm cách khai thác ChatGPT, từ việc sử dụng chế độ giọng nói để trò chuyện với chatbot này cho đến tạo một GPT cá nhân giúp bạn trở thành cố vấn viết sáng tạo, phát triển chiến lược marketing hoặc biến ảnh thành hình minh họa.

Hard Fork là chương trình podcast nổi tiếng được thực hiện bởi tờ The New York Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), văn hóa internet và những tác động của công nghệ đến cuộc sống hằng ngày.

Dù Nick Turley nói rằng những mẹo này không phải là điều gì đó quá phức tạp, nhưng chúng hữu ích với người dùng chưa khám phá hết các tính năng mới trong phiên bản GPT-4o của ChatGPT.

1. Chế độ giọng nói

Nếu không thích gõ văn bản, bạn có thể thử nói chuyện với ChatGTP. Tính năng giọng nói của ChatGPT cung cấp 9 giọng tự nhiên được phát triển với các diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp, có thể thay đổi trong phần cài đặt .

"Đây là một cách hoàn toàn khác để sử dụng ChatGPT. Nó chưa tồn tại trước đây, không giống bất kỳ thứ gì khác mà bạn từng thử trong công nghệ", Nick Turley nói.

Một số người nhận xét đã có những cuộc trò chuyện "cảm xúc và cá nhân" với ChatGPT. Song cũng có ý kiến cảnh báo không nên dùng AI như một nhà trị liệu.

Tất cả người dùng đã đăng nhập ChatGPT có thể truy cập tính năng giọng nói tiêu chuẩn. Trong khi chế độ giọng nói nâng cao, cung cấp các cuộc trò chuyện tự nhiên và theo thời gian thực, hiện chỉ khả dụng cho người dùng phiên bản ChatGPT Plus và Team có trả phí.

2. Yêu cầu ChatGPT ghi nhớ

Nếu không muốn phải lặp lại thông tin, bạn có thể yêu cầu ChatGPT ghi nhớ một số điều, giúp chatbot AI này cải thiện phản hồi của mình.

"Bạn không cần chờ nó suy luận về bạn. Bạn chỉ cần nói với ChatGPT tất cả những gì muốn nó ghi nhớ", Nick Turley cho hay.

Những thông tin được ghi nhớ có thể là công việc, tình trạng gia đình, sở thích hoặc thậm chí món ăn ưa chuộng của bạn. Người dùng cũng có thể yêu cầu ChatGPT quên điều gì đó hoặc tắt chế độ ghi nhớ bất kỳ lúc nào.

Nick Turley cho rằng nỗ lực bổ sung này sẽ đáng giá vì khả năng ghi nhớ của ChatGTP sẽ "ngày càng tốt hơn".

truong-bo-phan-san-pham-cua-openai-chia-se-5-meo-su-dung-chatgpt-huu-ich.jpg
Có nhiều mẹo sử dụng ChatGPT hữu ích mà nhiều người chưa biết - Ảnh: Internet

3. Tạo mô hình GPT cá nhân

Người dùng cũng có thể tạo mô hình GPT tùy chỉnh cho riêng mình mà không cần biết lập trình.

"Mọi người làm điều này vì nhiều lý do. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn có một đoạn lệnh hay sử dụng, hãy tạo GPT riêng cho mình", Nick Turley khuyên.

GPT có thể được tùy chỉnh để tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như học ngôn ngữ hay phân tích dữ liệu, dựa trên hướng dẫn của bạn trong GPT Builder. Người dùng cũng có thể cấu hình các cài đặt bổ sung như phân tích dữ liệu nâng cao hoặc thêm tính năng tạo ảnh DALL-E.

DALL-E là mô hình AI do OpenAI phát triển, có khả năng tạo ra hình ảnh từ các gợi ý bằng văn bản. Người dùng chỉ cần cung cấp một mô tả chi tiết về một cảnh, đối tượng hoặc tình huống nào đó, DALL-E sẽ tạo ra một hình ảnh tương ứng với điều đó. DALL-E có thể tạo ra các hình ảnh rất sáng tạo, kết hợp nhiều yếu tố bất ngờ hoặc không tưởng, sử dụng trong nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, thiết kế, giáo dục và quảng cáo.

GPT Builder là công cụ cho phép người dùng tạo GPT tùy chỉnh một cách dễ dàng mà không cần kiến thức lập trình. Nó giúp bạn thiết kế một phiên bản cá nhân hóa của ChatGPT, phù hợp với các mục đích sử dụng cụ thể, như trợ lý công việc, dạy học, hoặc phát triển nội dung sáng tạo.

Các đặc điểm của GPT Builder

Không cần lập trình

GPT Builder được thiết kế để dễ sử dụng. Bạn chỉ cần điền hướng dẫn và cấu hình cơ bản, không cần viết mã lập trình.

Cá nhân hóa GPT

Tùy chỉnh cách GPT phản hồi dựa trên ngữ cảnh hoặc mục đích sử dụng.

Thêm các lệnh hoặc truy vấn thường xuyên được sử dụng.

Tích hợp các tính năng bổ sung như phân tích dữ liệu nâng cao hoặc tạo hình ảnh với DALL-E.

Hỗ trợ nhiều ứng dụng

Bạn có thể sử dụng GPT tùy chỉnh cho mục đích xử lý và phân tích thông tin từ các tài liệu; sáng tạo nội dung như hỗ trợ viết blog, bài đăng mạng xã hội hoặc kịch bản; làm gia sư, giải thích bài tập hoặc giúp học ngôn ngữ; tạo nhân vật hư cấu, chơi game tương tác, sáng tác thơ và truyện.

Chia sẻ hoặc giữ riêng tư

GPT mà bạn tạo có thể được giữ riêng tư hoặc chia sẻ công khai qua một liên kết. Nếu bạn muốn, nó cũng có thể được tối ưu hóa để xuất hiện trong các công cụ tìm kiếm.

Cách tạo GPT với GPT Builder

Tìm GPT Builder trong giao diện ChatGPT nếu bạn đang sử dụng phiên bản hỗ trợ tính năng này (thường dành cho người dùng Plus hoặc Enterprise).

Nhập hướng dẫn

Bạn sẽ được yêu cầu cung cấp các hướng dẫn cụ thể về cách GPT nên hoạt động, ví dụ:

"Trả lời như một chuyên gia tài chính".

"Tập trung vào giải thích đơn giản và dễ hiểu cho học sinh lớp 5".

Thêm các tính năng nâng cao (tuỳ chọn)

Bật phân tích dữ liệu nâng cao nếu bạn muốn xử lý file hoặc dữ liệu phức tạp.

Kích hoạt DALL-E nếu bạn muốn tạo hình ảnh từ văn bản.

Tùy chỉnh giao diện và chia sẻ

Đặt tên cho GPT của bạn. Quyết định giữ nó riêng tư hoặc chia sẻ với bạn bè/cộng đồng.

Ví dụ sử dụng GPT Builder

Trợ lý marketing: Một GPT được lập trình để gợi ý chiến lược marketing, viết nội dung quảng cáo hoặc phân tích xu hướng thị trường.

Trợ giúp học lập trình: Tạo GPT chuyên giải thích các thuật toán hoặc cung cấp gợi ý mã.

Nhân vật hư cấu: GPT hoạt động như một nhân vật trong game, trả lời và tương tác theo tính cách đã được thiết kế.

GPT Builder mở ra khả năng sáng tạo vô hạn, giúp bạn tận dụng AI một cách hiệu quả và dễ dàng.

4. Tải lên file ChatGPT

Tính năng này cho phép người dùng tải lên các file văn bản, tài liệu, bảng tính và bài thuyết trình, sau đó lưu vào tài khoản ChatGTP của mình.

ChatGPT có thể phân tích văn bản, cung cấp tóm tắt, phản hồi, trích xuất thông tin hoặc so sánh giữa hai tài liệu. Nick Turley nhận xét tính năng này đặc biệt hữu ích khi xử lý những tài liệu dài hoặc sổ tay.

"Nhiều người không biết tính năng đó tồn tại và nó thực sự rất mạnh mẽ", Nick Turley nói.

5. Kết hợp hình ảnh

"Tôi nhận thấy nhiều người thích văn bản, có người lại thích hình ảnh, và hai nhóm này hầu như không giao thoa", Nick Turley nhận xét.

Ông mong muốn có sự kết hợp giữa hai loại nội dung này vì ChatGPT có thể hỗ trợ cả hai. Ngoài việc hỗ trợ văn bản, chatbot AI của OpenAI còn có thể hiểu và diễn giải hình ảnh.

DALL-E cũng có sẵn trong ChatGPT và hỗ trợ tạo ảnh từ cuộc trò chuyện.

Nick Turley cho rằng mọi người có thể sử dụng cả hai khả năng này cho các nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn tạo thiệp sinh nhật.

"Bạn có thể sẽ muốn sử dụng cả hai để tạo một bức ảnh tùy chỉnh nhỏ kèm lời chúc dễ thương. Nhiều người chưa nhận ra hoặc chưa tận dụng hết tiềm năng của sự kết hợp này", ông nói.

Sơn Vân