Apple tiết lộ doanh thu App Store ở Trung Quốc khi sự cạnh tranh với Huawei ngày càng căng thẳng
Thế giới số - Ngày đăng : 23:20, 20/11/2024
Apple tiết lộ doanh thu App Store ở Trung Quốc khi sự cạnh tranh với Huawei ngày càng căng thẳng
Apple cho biết phần lớn doanh thu App Store của họ tại Trung Quốc được trả cho các nhà phát triển và công ty địa phương.
Apple đã thực hiện một động thái hiếm hoi khi tiết lộ doanh thu của App Store tại Trung Quốc khi đối mặt với những tranh cãi xoay quanh cái gọi là Thuế Apple. Đó là phí hoa hồng mà Apple tính với các nhà phát triển khi sử dụng cửa hàng ứng dụng và hệ thống thanh toán trong ứng dụng của mình.
Apple Trung Quốc vừa đăng bài viết trên trang web chính thức của mình, trích dẫn báo cáo từ nhà nghiên cứu Ju Heng thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải. Theo báo cáo, App Store tại Trung Quốc đã chi trả hơn 95% trong tổng doanh thu 3.760 tỉ nhân dân tệ (519 tỉ USD) năm 2023 cho các nhà phát triển và công ty Trung Quốc.
"Apple tự hào rằng các khoản đầu tư mà chúng tôi thực hiện vào App Store đã giúp nó trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp địa phương ở mọi quy mô", Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) viết trên nền tảng blog Weibo. Ông cho biết Apple cam kết hỗ trợ cho sự thành công của các doanh nhân trên khắp Trung Quốc.
Báo cáo của Ju Heng cho biết hầu hết nhà phát triển Trung Quốc không phải trả hoa hồng cho App Store. Với những người phải trả, một nửa đã được áp dụng mức chiết khấu 15% vào năm ngoái, theo nghiên cứu.
Không rõ liệu nghiên cứu này có được Apple tài trợ hay không. Apple và Ju Heng chưa phản hồi ngay lập tức câu hỏi từ trang SCMP hôm 20.11.
Apple đang chịu áp lực phải xoa dịu các nhà phát triển ứng dụng tại Trung Quốc, vì Huawei tích cực thúc đẩy hệ điều hành HarmonyOS của mình để thay thế iOS và Android. Trong quý 1/2024, HarmonyOS đã vượt qua iOS của Apple để trở thành hệ điều hành di động lớn thứ hai tại Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.
Doanh số iPhone 16 mạnh mẽ đã đưa Apple trở lại vị trí thứ hai trên thị trường smartphone Trung Quốc vào quý 3/2024. Tuy nhiên, công ty Mỹ vẫn chưa công bố thời điểm sẽ đưa Apple Intelligence (bộ tính năng trí tuệ nhân tạo mới) đến với người dân Trung Quốc, khiến không ít người thất vọng.
Trong quý 3/2024, Apple leo lên vị trí thứ 2 ở Trung Quốc từ thứ 6 với 15,6% thị phần dù giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi Huawei giành vị trí thứ ba quý này với 15,3% thị phần, tăng 4,2 điểm phần trăm, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu IDC công bố.
Chủ yếu bán điện thoại giá rẻ nhưng Vivo là nhà cung cấp smartphone số 1 quý 3/2024 ở Trung Quốc với 18,6% thị phần.
Kết quả này diễn ra sau sự trở lại của Huawei vào năm ngoái trong phân khúc smartphone cao cấp với dòng Mate 60, sở hữu chip tiên tiến Kirin 9000s do SMIC sản xuất trong nước. SMIC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc.
Hồi tháng 4, Huawei tiếp tục thách thức vị thế của Apple khi tung ra dòng smartphone Pura 70. Apple phải đối mặt với thêm nhiều trở ngại ở Trung Quốc, gồm cả lệnh hạn chế sử dụng iPhone của một số cơ quan chính phủ. Kể từ đó, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã phản ứng bằng nhiều chiến dịch giảm giá để thúc đẩy doanh số.
Apple đã bán ra dòng iPhone 16 hôm 20.9, cùng ngày smartphone gập ba Huawei Mate XT lên kệ ở Trung Quốc.
Những chiếc iPhone 16 đã có khởi đầu mạnh mẽ tại Trung Quốc, với doanh số cao hơn 20% trong ba tuần đầu tiên kể từ khi được bán so với dòng iPhone 15 năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Counterpoint.
"Với việc ra mắt sản phẩm mới hàng năm, Apple đã trở lại top 5 tại thị trườngTrung Quốc với 15,6% thị phần. Nhờ các chiến dịch khuyến mãi liên tục và bán ra kính thực tế hỗn hợp Vision Pro ở Trung Quốc, nhu cầu dòng iPhone 16 dự kiến ngày càng tăng trưởng trong thời gian tới", IDC dự báo.
Mô hình kinh doanh App Store đang ngày càng bị giám sát chặt chẽ trên thế giới, khi các cơ quan quản lý châu Âu đang cân nhắc áp dụng mức phạt với Apple vì hạn chế các nhà phát triển ứng dụng hướng người dùng đến các lựa chọn thanh toán bên ngoài hệ sinh thái của công ty Mỹ.
Vào tháng 5, Apple đã thắng vụ kiện mang tính bước ngoặt tại tòa án ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), do một người tiêu dùng địa phương đệ đơn. Người này tuyên bố rằng Apple đã lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường của mình bằng cách tính phí hoa hồng cao một cách không công bằng.
Tuy nhiên, Apple vẫn đang vướng vào tranh chấp với gã khổng lồ truyền thông xã hội và game Tencent Holdings (Trung Quốc). Người chơi game mini trên siêu ứng dụng WeChat hiện có thể nạp tiền tín dụng bằng các dịch vụ thanh toán bên thứ ba, cho phép Tencent lách luật phải trả hoa hồng 30% thông thường cho Apple. Apple đã yêu cầu Tencent Holdings sửa lỗ hổng này.
Tencent Holdings đang đàm phán với Apple về việc chia sẻ doanh thu do game mini trên WeChat tạo ra. James Mitchell, Giám đốc chiến lược của Tencent Holdings, tiết lộ thông tin này trong buổi gọi báo cáo kết quả kinh doanh vào tháng 8.
Apple yêu cầuthẩm phán liên bang bác bỏ vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ
Hôm 20.11, Apple sẽ yêu cầu một thẩm phán liên bang bác bỏ vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ, trong đó cáo buộc nhà sản xuất iPhone chiếm lĩnh bất hợp pháp thị trường smartphone. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu pháp lý liên quan đến các hãng công nghệ lớn.
Thẩm phán Julien Neals tại tòa án ở thành phố Newark (bang New Jersey, Mỹ) dự kiến sẽ nghe các lập luận từ luật sư của Apple và công tố viên cho rằng công ty này khóa người dùng và ngăn chặn sự cạnh tranh bằng cách hạn chế khả năng tương tác giữa iPhone với các ứng dụng và thiết bị của bên thứ ba.
Apple đã đệ trình đơn yêu cầu bác bỏ vụ kiện, cho rằng các hạn chế với quyền truy cập từ nhà phát triển vào công nghệ của họ là hợp lý và việc buộc công ty chia sẻ công nghệ với đối thủ cạnh tranh sẽ làm chậm quá trình đổi mới.
Các vụ kiện chống độc quyền nhằm vào các hãng công nghệ lớn đang trở thành xu hướng lưỡng đảng tại Mỹ. Vụ kiện chống lại Apple bắt đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của Donald Trump và được nộp đơn thời chính quyền Joe Biden.
Trong các vụ kiện khác, Google bị phán quyết độc quyền bất hợp pháp ở lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. Meta Platforms phải đối mặt với một phiên tòa về cáo buộc hạn chế cạnh tranh bằng cách mua lại các đối thủ tiềm năng. Amazon đang đấu tranh cho một vụ kiện về chính sách của mình với người bán và nhà cung cấp.
Tuy nhiên, một số cáo buộc, chẳng hạn trong vụ kiện Apple, cuối cùng đã bị bác bỏ.
Một thẩm phán bác bỏ cáo buộc của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) với Meta Platforms liên quan đến việc hạn chế quyền truy cập từ các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba trên nền tảng mạng xã hội của họ.
Trong vụ kiện liên quan đến tìm kiếm Google, thẩm phán đã bác bỏ cáo buộc rằng công ty cần làm nhiều hơn để hỗ trợ các nhà quảng cáo trên công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.
Apple đã trích dẫn phán quyết này trong vụ kiện mới nhất của mình, cho rằng việc không chia sẻ công nghệ không nên được coi là hành vi chống cạnh tranh.
Vụ kiện chống lại Apple, được nộp vào tháng 3 bởi Bộ Tư pháp Mỹ và liên minh các bang, tập trung vào các hạn chế và phí áp dụng cho các nhà phát triển ứng dụng, cũng như những rào cản kỹ thuật với thiết bị và dịch vụ của bên thứ ba, chẳng hạn đồng hồ thông minh, ví điện tử và dịch vụ nhắn tin. Đó là những thứ có thể cạnh tranh với các sản phẩm của chính Apple.
Nếu thẩm phán nhận thấy các cáo buộc là có cơ sở, vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ và liên minh các bang sẽ được tiếp tục tiến hành.