Chuyên gia nước ngoài chỉ cách phục hồi bệnh nhân đột quỵ bị liệt nửa người
Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:51, 22/11/2024
Chuyên gia nước ngoài chỉ cách phục hồi bệnh nhân đột quỵ bị liệt nửa người
Liệu pháp gương (Mirror Therapy - MT) là một trong những phương pháp triển vọng giúp cải thiện khả năng phục hồi cảm giác và vận động cho bệnh nhân đột quỵ.
Tại Hội nghị khoa học thường niên phục hồi chức năng năm 2024 do Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM tổ chức hôm 22.11, giáo sư Ching-Yi Wu, Khoa Trị liệu Nghề nghiệp (Đại học Chang Gung - Đài Loan), cho biết đột quỵ thường gây ra liệt nửa người, dẫn đến tàn tật và rối loạn chức năng suốt đời. Phát triển các phương pháp phục hồi chức năng hiệu quả để tối đa hóa khả năng phục hồi chức năng là một thách thức lớn trong điều trị đột quỵ.
Đề cập đến phương pháp kích thích não không xâm lấn kết hợp trị liệu bằng gương phục hồi chức năng vận động và ứng dụng điểm đánh dấu điện não đồ, giáo sư Ching-Yi Wu cho biết, liệu pháp gương (Mirror Therapy - MT) là một trong những phương pháp triển vọng giúp cải thiện khả năng phục hồi cảm giác và vận động cho bệnh nhân đột quỵ.
“Gần đây, các phương pháp kích thích thần kinh, đặc biệt là kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ (tDCS) cũng đã được chứng minh là hiệu quả và dễ dàng kết hợp với các liệu pháp khác. Đây là một sự kết hợp mới giữa tDCS và MT nhằm tối đa hóa lợi ích của MT để cải thiện khả năng phục hồi vận động và tái tổ chức não”, giáo sư Ching-Yi Wu nói.
Theo giáo sư Ching-Yi Wu, phương pháp này được đánh giá tác động của các loại can thiệp tDCS-MT khác nhau lên các biện pháp lâm sàng, và cơ chế có thể có của phương pháp can thiệp thông qua việc khám phá vai trò của các chỉ số điện não đồ (EEG).
EEG là một công cụ phù hợp để kiểm tra các cơ chế thần kinh, vì các chỉ số liên quan của nó, chẳng hạn như hoạt động dao động, có liên quan đến các vai trò chức năng cụ thể. Mô hình "Gating-by-inhibition" cho rằng ở cấp độ sinh lý thần kinh, việc thực hiện một hành động đi kèm với một mẫu không gian EEG đặc trưng trong dải tần số alpha.
Cụ thể, sự gia tăng công suất alpha ở thùy thái dương có liên quan đến việc ức chế các hoạt động không liên quan đến vận động (trí nhớ vận động), trong khi sự giảm công suất alpha ở khu vực trung tâm-trán liên quan đến việc hỗ trợ hoạt động vận động.
“Các nghiên cứu trước đây của chúng tôi đã chỉ ra vai trò của công suất alpha ở thùy thái dương trong việc lọc bỏ các yếu tố không liên quan đến vận động để cải thiện khả năng phục hồi vận động”, giáo sư Ching-Yi Wu cho hay.
Theo TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, Hội nghị khoa học thường niên phục hồi chức năng năm 2024 với chủ đề “Phục hồi chức năng và xu hướng phát triển trong tương lai” có gần 40 bài báo cáo khoa học và tổng quan được trình bày. Các phiên hội nghị tập trung vào việc đưa ra đánh giá chuyên sâu về các xu hướng và tiến bộ trong lĩnh vực phục hồi chức năng, từ những ứng dụng mới trong công nghệ y học đến các phương pháp trị liệu tiên tiến, phương pháp y học thể thao hoặc kết hợp dinh dưỡng trong điều trị giúp nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
“Chúng tôi muốn lan tỏa nhiều thông tin bổ ích trong công tác chuyên môn tại hội nghị lần này, nhằm tiến tới sự phát triển y tế chuyên sâu toàn diện nhất. Đó cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu mà y tế TP.HCM đang hướng đến”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.