Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ngãi có nhiều dự án thất thoát, lãng phí nhất
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:09, 10/07/2019
18 cơ quan không báo cáo
Theo báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018 của Bộ KH-ĐT báo cáo Chính phủ, đến ngày 27.3.2019, trên hệ thống của Bộ đã nhận được Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018 của 105/123 cơ quan, đạt 85,36%.
Cụ thể, có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 24/32 cơ quan bộ và tương đương, 6/9 cơ quan thuộc Chính phủ, 15/19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 báo cáo.
18 cơ quan không báo cáo trên hệ thống thông tin hoặc có bản dự thảo báo cáo trên hệ thống thông tin nhưng chưa duyệt chính thức gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Bến Tre.
Danh sách này còn có các bộ: Quốc phòng, GT-VT; Y tế, Ủy ban Dân tộc; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Ủy ban Dân tộc đã có 3 kỳ liên tiếp không thực hiện báo cáo (2016, 2017, 2018).
7 cơ quan không báo cáo trên hệ thống thông tin nhưng có gửi báo cáo bằng văn bản (số liệu của các cơ quan này không được tổng hợp): Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Tòa án Nhân dân tối cao, UBND tỉnh Hưng Yên.
Các cơ quan không nhập đầy đủ các số liệu báo cáo hoặc sai đơn vị tính như các bộ: Công an, Ngoại giao, GD-ĐT, VH-TT-DL, Nội vụ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam; Văn phòng Trung ương Đảng, Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó còn có UBND các tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lai Châu, Hải Phòng, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc.
Đến ngày 31.3.2019, trên Hệ thống thông tin của Bộ KH-ĐT đã có thông tin cập nhật của 24.793 dự án sử dụng vốn nhà nước trên tổng số 56.832 dự án thực hiện trong kỳ, đạt tỷ lệ 43,53%.
Theo đánh giá của các cơ quan, một số nội dung liên quan đến đầu tư trong các văn bản quy phạm pháp luật còn có điểm mâu thuẫn; một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể; một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tế.
Số liệu báo cáo không thống nhất?
Đến cuối năm 2018, trên phạm vi cả nước có 20 dự án đang thực hiện có sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Luật Đầu tư công. Trong số 20 dự án đang thực hiện, không có dự án nào được cập nhập vào hệ thống thông tin.
Về công tác quản lý kế hoạch vốn đầu tư, tổng kế hoạch vốn nhà nước đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước là 631.695 tỉ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện 503.985 tỉ đồng, đạt 79,78% so với kế hoạch năm.
Giá trị giải ngân 463.717 tỉ đồng, đạt 73,41% so với kế hoạch. Riêng nguồn vốn đầu tư công: Kế hoạch năm là 359.104 tỉ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện 269.896 tỉ đồng, đạt 75,16% so với kế hoạch năm. Giá trị giải ngân là 281.162 tỉ đồng, đạt 78,3% so với kế hoạch.
Hầu hết số liệu báo cáo về kế hoạch vốn đầu tư các nguồn vốn từ ngân sách trung ương của các cơ quan không thống nhất với số liệu kế hoạch vốn năm 2018 do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ KH-ĐT giao.
Một số cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch vốn đã được bố trí như: các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Nghệ An, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang; các cơ quan: Bộ TT-TT; Đài Truyền hình Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Năm 2018: 1.778 dự án chậm tiến độ
Theo số liệu báo cáo, năm 2018 có 1.778 dự án chậm tiến độ, chiếm 3,1% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ (trong đó số dự án nhóm A là 32 dự án, nhóm B là 382 dự án, nhóm C là 1.364 dự án).
Các nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là: công tác giải phóng mặt bằng (863 dự án, chiếm 1,5% số dự án thực hiện trong kỳ); thủ tục đầu tư (372 dự án, chiếm 0,7% số dự án thực hiện trong kỳ); bố trí vốn không kịp thời (278 dự án, chiếm 0,49% số dự án thực hiện trong kỳ); năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (142 dự án, chiếm 0,25% số dự án thực hiện trong kỳ)…
Trong năm 2018 có 2.434 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh, chiếm 4,3% tổng số dự án thực hiện trong kỳ, trong đó chủ yếu là: điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (1.147 dự án, chiếm 2% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh tiến độ đầu tư (881 dự án, chiếm 1,58% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh vốn đầu tư (798 dự án, chiếm 1,4% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh do các nguyên nhân khác (790 dự án, chiếm 1,37% số dự án thực hiện trong kỳ).
Qua kiểm tra, trong năm đã phát hiện 25 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 54 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 422 dự án có thất thoát, lãng phí; 450 dự án phải ngừng thực hiện.
Trong đó các địa phương có số dự án phát hiện có thất thoát, lãng phí nhiều nhất là tỉnh Bắc Giang có 196 dự án, Phú Thọ có 111 dự án, Quảng Ngãi có 58 dự án. Các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.
Lam Thanh