Băng tại Greenland tan nhanh hơn dự kiến, báo động các vùng ven biển
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 13:52, 04/12/2024
Băng tại Greenland tan nhanh hơn dự kiến, báo động các vùng ven biển
Các nhà khoa học và kỹ sư khí hậu đang khẩn trương vận động các biện pháp ngay lập tức để chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu và bảo vệ các khu vực dễ bị tổn thương.
Băng ở hòn đảo lớn nhất thế giới Greenland đang tan chảy nhanh hơn dự báo trước đây. Theo dự báo mới nhất, băng ở Greenland sẽ tan từ 964 đến 1.735 gigaton mỗi năm vào năm 2100. Đây là dự báo theo kịch bản phát thải khí nhà kính cao (SSP585), dựa trên ba mô hình khí hậu khu vực.
Khối lượng băng tan đáng kể này có thể dẫn đến mực nước biển dâng cao tới một mét, khiến hàng triệu người ở các vùng ven biển gặp nguy hiểm. Nghiên cứu mới do Đại học Liege khởi xướng, sử dụng siêu máy tính NIC5 của trường, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho các đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu IPCC trong tương lai.
Các sông băng ở Greenland đang tan chảy với tốc độ đáng báo động. Hai nghiên cứu gần đây, một do Đại học Liege (Bỉ) điều phối và được công bố trên Geophysical Research Letters, trong khi nghiên cứu còn lại được công bố trong một thông cáo báo chí khoa học, cùng tiết lộ quy mô của vấn đề. Ba mô hình khí hậu khu vực (RACMO, MAR và HIRHAM) đưa ra những dự đoán khác nhau về sự tan chảy của băng, nhưng tất cả đều thống nhất về một kết luận: Greenland sẽ mất một lượng băng lớn vào năm 2100, đẩy nhanh tốc độ dâng mực nước biển.
Kỹ sư Quentin Glaude tại Viện Montefiore thuộc Đại học Liege giải thích: "Khối lượng băng có thể mất từ 964 đến 1735 gigaton mỗi năm vào cuối thế kỷ, tùy thuộc vào mô hình được sử dụng. Những dự báo này dù có độ khác biệt đáng kể, nhưng đều chỉ đến sự thật cốt yếu: băng tan là một quá trình không thể đảo ngược nếu lượng khí thải nhà kính không giảm mạnh".
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng những khác biệt này bắt nguồn từ cách mỗi mô hình xử lý dòng nước tan chảy. Ví dụ, khi tuyết tan, một phần nước thấm vào và đóng băng trở lại, trong khi phần còn lại chảy trực tiếp vào đại dương. Quá trình phức tạp này, chịu ảnh hưởng của phản hồi liên quan đến suất phản chiếu (độ phản xạ bề mặt) và đây là một yếu tố chính trong sự khác biệt giữa các mô hình.
Chuyên gia khí hậu học Xavier Fettweis thuộc Đại học Liege cho biết thêm: “Băng tan tại Greenland hiện đóng góp 25% vào mực nước biển dâng toàn cầu, hay 0,6 mm mỗi năm. Nếu tình trạng tan chảy hiện tại tiếp tục, mức đóng góp này có thể lên tới 1 mét vào năm 2100. Điều này sẽ khiến hàng triệu người ở các vùng ven biển trên khắp thế giới gặp nguy hiểm do đối mặt nguy cơ lũ lụt và ngập lụt cao hơn”.
Hướng tới các mô hình chính xác hơn nữa
Các kết quả nghiên cứu vừa được công bố có thể thực hiện được nhờ cơ sở hạ tầng máy tính hiệu suất cao, đặc biệt là siêu máy tính NIC5 tại Đại học Liège. Các công cụ này giúp khám phá các kịch bản khí hậu phức tạp bằng cách mô phỏng tương tác giữa băng, khí quyển và đại dương.
Mặc dù đã có những tiến bộ, các nhà nghiên cứu vẫn nhấn mạnh vào nhu cầu cải thiện các mô hình khí hậu. Việc hiểu rõ hơn về các quá trình liên quan đến việc giữ nước trong tuyết và tích hợp các thông số động, chẳng hạn như thay đổi độ cao của tảng băng, là điều cần thiết để giảm bớt sự thiếu chính xác.
Công trình này là thành quả của sự hợp tác giữa các tổ chức châu Âu. Nó thể hiện tầm quan trọng của sự hợp tác khi đối mặt với những thách thức về khí hậu toàn cầu. Các kết quả thu được sẽ được đưa vào các đánh giá IPCC trong tương lai, giúp tinh chỉnh các dự báo về mực nước biển dâng.
Sự tan chảy của lớp băng Greenland là một lời cảnh tỉnh không thể bỏ qua. Nó kêu gọi thế giới cần hành động ngay lập tức để hạn chế sự nóng lên toàn cầu, bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương và bảo tồn các hệ sinh thái của thế giới.