Phòng khám khắc dấu chữ ký bác sĩ đóng vào đơn thuốc có được quyết toán bảo hiểm y tế?

Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 11:54, 05/12/2024

Một phòng khám đa khoa ở Cà Mau đã khắc dấu chữ ký của bác sĩ rồi đóng vào đơn thuốc để cấp cho bệnh nhân trong suốt nhiều tháng. Sau đó, đơn vị này làm đề nghị quyết toán bảo hiểm y tế nhưng bị yêu cầu giải trình.
Câu chuyện ngành y

Phòng khám khắc dấu chữ ký bác sĩ đóng vào đơn thuốc có được quyết toán bảo hiểm y tế?

Trần Khải 05/12/2024 11:54

Một phòng khám đa khoa ở Cà Mau đã khắc dấu chữ ký của bác sĩ rồi đóng vào đơn thuốc để cấp cho bệnh nhân trong suốt nhiều tháng. Sau đó, đơn vị này làm đề nghị quyết toán bảo hiểm y tế nhưng bị yêu cầu giải trình.

Ngày 5.12, ông Hoàng Duy Trường, Giám đốc Phòng khám đa khoa Tâm Đức Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) xác nhận việc đơn vị này sử dụng con dấu khắc chữ ký của bác sĩ để đóng vào đơn thuốc cho bệnh nhân đến cơ sở này khám chữa bệnh.

“Do phòng khám mới đi vào hoạt động, tôi lại mới vào nghề nên còn nhiều thiếu sót, chưa nắm rõ quy định. Đồng thời, việc không nắm được thông tư, nghị định quy định không cho phép khắc chữ ký của bác sĩ đóng vào đơn thuốc nên mới dẫn đến sự việc này. Sau khi được cơ quan bảo hiểm xã hội nhắc nhở, tôi đã cho bác sĩ ký tên trực tiếp vào đơn thuốc chứ không còn đóng dấu. Vấn đề này, tôi đã giải trình với phía bảo hiểm xã hội để được quyết toán bảo hiểm y tế trong quá trình khám chữa bệnh”, ông Trường nói.

pk.jpg
Phòng khám đa khoa Tâm Đức Đầm Dơi

Ông Trường giải thích, do lo sợ bệnh nhân chờ đợi lâu dẫn tới việc không hài lòng đối với phòng khám nên mới nghĩ ra cách khắc dấu chữ ký. “Mỗi bệnh nhân, bác sĩ phải ký 3 chữ ký nên rất mất thời gian nên tôi nghĩ ra cách làm dấu chữ ký để đóng cho nhanh. Đoàn công tác của bảo hiểm xã hội xuống kiểm tra nói không được phép làm vậy và đã có hướng dẫn làm đúng thủ tục.

Quá trình kiểm tra, giám định của cơ quan bảo hiểm đã phát hiện ra nhiều cái sai của phòng khám và những lỗi sai đó mình biết, nhưng vẫn phải làm. Về nguyên tắc, việc đóng dấu chữ ký của bác sĩ như vậy sẽ không được quyết toán bảo hiểm y tế nên tôi phải giải trình, đây là bài học đắt giá đối với tôi. Hiện tôi mới tạm ứng chứ chưa được quyết toán”, ông Trường cho biết.

Nói về việc quyết toán bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau cho hay: “Đối với việc quyết toán, chúng tôi đều dựa trên phần mềm điện tử. Còn bản giấy chỉ để cho người bệnh theo dõi. Trường hợp thực hiện chuyên đề, có vấn đề gì đó, chúng tôi mới đi kiểm tra hồ sơ giấy, còn việc quyết toán là quyết toán điện tử, tất cả đều đưa lên cổng hệ thống tin giám định bảo hiểm y tế và thực hiện giám định trên đó. Người ta có quyền khắc chữ ký vì luật cho phép”.

Tại khoản 8, 9 điều 6 của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hoá dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có nêu rõ: “Trường hợp sửa chữa đơn thì người kê đơn phải ký tên ngay bên cạnh nội dung sửa. Gạch chéo phần giấy còn trống từ phía dưới nội dung kê đơn đến phía trên chữ ký của người kê đơn theo hướng từ trên xuống dưới, từ trái sang phải; ký tên, ghi (hoặc đóng dấu) họ tên người kê đơn”.

Trần Khải