Sự im lặng bất thường của Triều Tiên trước biến động chính trị tại Hàn Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 10:32, 06/12/2024
Sự im lặng bất thường của Triều Tiên trước biến động chính trị tại Hàn Quốc
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc, đặc biệt là việc Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp và sau đó hủy bỏ, đã gây chấn động mạnh trong nước và quốc tế.
Trong khi sự kiện này thu hút sự chú ý lớn từ các quốc gia trên toàn cầu, một điều đáng chú ý là sự im lặng của Triều Tiên. Quốc gia này, vốn thường xuyên phản ứng mạnh mẽ trước các biến động tại Seoul, hiện lại chọn cách... im lặng.
Im lặng bất thường
Theo hàng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, tính đến hôm 5.12, không có cơ quan truyền thông nhà nước nào của Triều Tiên, bao gồm Rodong Sinmun hay hãng thông tấn tung ương Triều Tiên KCNA, đưa tin về tình trạng hỗn loạn chính trị tại Hàn Quốc.
Thay vào đó, truyền thông Triều Tiên tập trung đưa tin về những sự kiện nội bộ tưởng chừng như rất xa rời thực tế chính trị quốc tế. Điển hình là bài phát biểu mừng sinh nhật mà Kim Jong Un gửi đến một chiến sĩ yêu nước tròn 90 tuổi, hay việc gửi một giỏ hoa chúc mừng đến Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Ngoài ra, các tin tức nổi bật khác lại xoay quanh những hoạt động thường nhật như khánh thành một trang trại bò sữa mới, các quan chức tham quan nhà máy máy kéo, hay chuyến đi nghiên cứu "các địa điểm chiến đấu cách mạng" tại núi Paektu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là KCNA phớt lờ các vấn đề quốc tế. Truyền thông nhà nước vẫn đưa tin về một hiệp ước mới giữa Bình Nhưỡng và Moscow, cũng như các phát biểu chỉ trích "chủ nghĩa khủng bố chống Syria" từ đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
ABC News (Úc) nhận định điều này khác biệt đáng kể so với cách Bình Nhưỡng thường xử lý đối với các sự kiện lớn ở Seoul. Vào năm 2017, khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã nhanh chóng đưa tin chỉ vài giờ sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc. Ngược lại, lần này, Triều Tiên thậm chí không đưa tin về các cuộc biểu tình đòi phế truất ông Yoon Suk Yeol, vốn đã trở thành đề tài nóng tại Hàn Quốc.
Nguyên nhân đằng sau sự im lặng
Các nhà quan sát cho biết bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên thường không hoạt động theo nhịp độ nhanh như truyền thông phương Tây. Các thông tin về biến động chính trị ở Hàn Quốc cần được phân tích, xử lý và điều chỉnh để phù hợp với thông điệp tuyên truyền của Bình Nhưỡng. Việc đưa tin vội vàng có thể gây rủi ro, đặc biệt trong một hệ thống kiểm soát thông tin chặt chẽ như Triều Tiên.
Chính quyền Triều Tiên luôn giữ chặt dòng chảy thông tin nhằm tránh làm dấy lên sự tò mò hoặc bất mãn trong dân chúng. Những tin tức về bất ổn chính trị tại Hàn Quốc, nếu không được kiểm soát, có thể khiến người dân so sánh với tình hình nội bộ và gây ra những tác động không mong muốn.
Nhà báo và chuyên gia về Triều Tiên Jean Lee nhận định rằng người dân Triều Tiên bình thường có thể hoàn toàn không hay biết về những diễn biến chính trị đang xảy ra ở phía nam biên giới. "Hầu hết người dân Triều Tiên chưa được tiếp cận nhiều với internet và thậm chí không thể liên lạc với người nước ngoài. Do đó, họ rất có thể không biết gì về tình trạng hỗn loạn tại Hàn Quốc", bà chia sẻ.
Bà Lee cũng dự đoán rằng truyền thông nhà nước Triều Tiên sẽ không bỏ lỡ cơ hội khai thác sự biến động này, biến nó thành một phần của chiến dịch tuyên truyền nhằm khắc họa Hàn Quốc như một xã hội "hỗn loạn" và "mất kiểm soát".
Trong khi đó, tiến sĩ Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên và là Hiệu trưởng Trường Quản lý quốc tế tại Đại học Sydney (Úc), bổ sung rằng bộ máy tuyên truyền của Bình Nhưỡng vận hành với tốc độ chậm rãi, phản ánh đặc điểm của một hệ thống truyền thông độc quyền và không có báo chí độc lập.
"Thông tin vào Triều Tiên thường rất chậm, vì vậy họ cần thời gian để tiếp thu, xử lý và xây dựng thông điệp chính thức. Điều này đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là trong việc lựa chọn ngôn từ để mô tả các sự kiện", Petrov nói. Ông dự đoán rằng, trong vài ngày tới, Triều Tiên có thể sẽ phát sóng thông tin về biến động ở Hàn Quốc với những ngôn từ chỉ trích mạnh mẽ.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng sự im lặng hiện tại của Triều Tiên có thể liên quan đến việc Bình Nhưỡng đang tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, nơi họ được cho là đã gửi hàng nghìn binh lính hỗ trợ lực lượng Nga. Triều Tiên cũng đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân, và đối phó với các thách thức kinh tế nội bộ. Do đó, họ có thể không coi biến động tại Hàn Quốc là ưu tiên hàng đầu vào thời điểm này.
Alexander Hynd, một nhà phân tích chính trị về Hàn Quốc và là nghiên cứu viên tại Đại học New South Wales (Úc), nhận định rằng: "Không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sẽ tìm cách tận dụng tình hình bất ổn chính trị ở Hàn Quốc để đạt được lợi thế quân sự".
Sự im lặng bất thường này không đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng thờ ơ trước tình hình ở Hàn Quốc. Ngược lại, theo chuyên gia khoa học chính trị tại viện bghiên cứu chính sách Asan ở Hàn Quốc - Du Hyeogn Cha, đây có thể là một chiến lược để chờ đợi thời cơ và điều chỉnh phản ứng. Triều Tiên có nhiều lợi ích trong việc tận dụng bất kỳ sự bất ổn nào tại Hàn Quốc để củng cố vị thế của mình trên bàn cờ chính trị khu vực.
Kịch bản phản ứng tiềm tàng của Triều Tiên
Ông Petrov nhận định rằng "sự cố đáng xấu hổ" tại Hàn Quốc sẽ là một cơ hội vàng để Triều Tiên gia tăng hoạt động tuyên truyền của mình. Theo ông, Bình Nhưỡng có thể dễ dàng sử dụng sự hỗn loạn chính trị tại Seoul như một minh chứng cho sự "vượt trội" của hệ thống chính trị Triều Tiên.
"Triều Tiên có thể tổ chức bắn pháo hoa như một cách ăn mừng chiến thắng tinh thần trước Hàn Quốc", ông Petrov chia sẻ, nhấn mạnh rằng không cần đến bất kỳ hành động quân sự nào, chỉ riêng sự hỗn loạn ở Nam Hàn cũng đủ để Triều Tiên có thể sử dụng như một công cụ tuyên truyền để chỉ trích hệ thống dân chủ ở Seoul là rối loạn và phụ thuộc vào phương Tây. Thông điệp này có thể được thiết kế để củng cố tính chính danh của chính quyền ông Kim Jong Un, nhấn mạnh rằng hệ thống chính trị của Triều Tiên là ổn định và hiệu quả hơn.
"Ngay cả khi không nổ một phát súng nào, người dân Triều Tiên vẫn có thể chứng kiến hình ảnh một tổng thống Hàn Quốc bị bãi nhiệm và các cuộc biểu tình hỗn loạn trên đường phố Seoul", ông Petrov nói thêm. Điều này sẽ được sử dụng như một bằng chứng để Bình Nhưỡng khẳng định sự ưu việt của mình, đồng thời hạ thấp uy tín và sự ổn định của Hàn Quốc trong mắt người dân Triều Tiên.
Một kịch bản đáng chú ý là khả năng Triều Tiên tiến hành các hành động khiêu khích, chẳng hạn như thử nghiệm tên lửa hoặc tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn gần biên giới Hàn Quốc. Đây là chiến thuật quen thuộc mà Bình Nhưỡng thường sử dụng để gây áp lực trong những thời điểm mà Seoul đang đối mặt với khủng hoảng chính trị nội bộ. Các động thái này không chỉ nhằm thử thách phản ứng của Hàn Quốc mà còn tạo ra sức ép lên các đồng minh của Seoul, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản.
Chuyên gia Alexander Hynd lưu ý rằng các diễn biến chính trị dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol "có thể thúc đẩy ông Kim Jong Un thực hiện một hành động khiêu khích mới, chẳng hạn như thử nghiệm tên lửa hoặc thậm chí vũ khí hạt nhân".
Tuy nhiên, Hynd cũng cảnh báo rằng những dự đoán như vậy cần được cân nhắc kỹ lưỡng. "Đã nhiều năm nay, các chuyên gia liên tục dự đoán rằng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ bảy. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này vẫn chưa xảy ra, và chúng ta vẫn tiếp tục chờ đợi", ông nhấn mạnh.
Điều này cho thấy, dù khả năng khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng không thể loại trừ, nhưng cần thận trọng khi đưa ra các suy đoán. Các hành động như thử nghiệm vũ khí hay tập trận quân sự quy mô lớn, nếu xảy ra, sẽ không chỉ là phản ứng trước tình hình chính trị ở Hàn Quốc mà còn phụ thuộc vào tính toán chiến lược dài hạn của Triều Tiên trong bối cảnh khu vực và quốc tế.
Tác động khu vực và quốc tế
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc có thể khiến Washington phải gia tăng hiện diện quân sự tại bán đảo Triều Tiên nhằm trấn an đồng minh. Điều này có thể khiến Bình Nhưỡng cảm thấy bị đe dọa, dẫn đến các phản ứng mạnh mẽ hơn.
Trung Quốc có thể tận dụng tình hình để củng cố ảnh hưởng của mình tại bán đảo Triều Tiên, trong khi Nga có thể khuyến khích Bình Nhưỡng gia tăng sức ép lên Seoul và Washington nhằm làm suy yếu các đối thủ địa chính trị của Moscow.
Triều Tiên có thể hưởng lợi từ việc tận dụng cuộc khủng hoảng tại Hàn Quốc để gia tăng vị thế chính trị của mình, cả trong nước lẫn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, các hành động khiêu khích quá mức có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng hơn, đồng thời làm xói mòn nguồn lực kinh tế vốn đã eo hẹp của Bình Nhưỡng.
Sự im lặng của Triều Tiên trước biến động chính trị tại Hàn Quốc là bất thường nhưng mang tính chiến lược. Bình Nhưỡng có thể đang chờ đợi thời cơ để tận dụng cuộc khủng hoảng này nhằm củng cố vị thế chính trị, tăng cường tuyên truyền và tìm kiếm cơ hội đàm phán. Trong bối cảnh này, phản ứng của Triều Tiên trong những ngày tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cục diện bán đảo Triều Tiên cũng như quan hệ khu vực. Dù chọn cách tiếp cận nào, theo nhận định của các nhà quan sát, Bình Nhưỡng sẽ không bỏ lỡ cơ hội từ tình trạng hỗn loạn hiện tại ở Seoul.