Chủ tịch ủy ban về Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ: Lệnh trừng phạt chip mới có lỗ hổng để Huawei khai thác
Thế giới số - Ngày đăng : 16:30, 06/12/2024
Chủ tịch ủy ban về Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ: Lệnh trừng phạt chip mới có lỗ hổng để Huawei khai thác
Các quy định mới hiệu quả cấm tất cả lô hàng chip đến cơ sở của SMIC ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), nhưng cho phép bán “theo từng trường hợp” các mặt hàng cụ thể đến SMIC tại Thượng Hải.
Dân biểu John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc tại Hạ viện, đã chỉ trích nỗ lực mới nhất từ chính quyền Biden nhằm hạn chế tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc. Ông cho rằng các quy định của Mỹ được công bố hôm 2.12 để lại lỗ hổng cho phép các công ty Trung Quốc như Huawei tiếp tục mua công nghệ của Mỹ.
John Moolenaar bày tỏ mối quan ngại của mình trong lá thư gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo hôm 5.12. Ông cho biết một số phần của lệnh kiểm soát xuất khẩu mới này tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc tránh được lệnh trừng phạt, đề cập đến quy định áp dụng hạn chế khác nhau với các cơ sở sản xuất của SMIC (đối tác sản xuất chip cho Huawei). SMIC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc.
Song song đó, John Moolenaar ca ngợi các biện pháp khác, như hạn chế xuất khẩu chip nhớ băng thông cao, vốn rất cần thiết cho trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng đặt câu hỏi tại sao chính quyền Joe Biden lại không có hành động nào chống lại ChangXin Memory Technologies (CXMT), công ty đang cố gắng phát triển công nghệ chip nhớ AI.
Một số quan chức chính quyền Biden đã thúc đẩy việc thêm CXMT vào danh sách đen thương mại, trang Bloomberg đưa tin, nhưng lệnh hạn chế mới nhất không mạnh mẽ như các biện pháp từng được cân nhắc trước đó.
Moolenaar yêu cầu các quan chức Bộ Thương mại Mỹ "lưu giữ tất cả tài liệu và thông tin liên lạc" liên quan đến các biện pháp kiểm soát mới, để đội ngũ của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể "xác định đúng bất kỳ lỗ hổng nào khác". Điều này ám chỉ rằng đảng Cộng hòa có thể áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.2025.
Các quy tắc này dựa trên nhiều năm hạn chế thương mại nhắm vào tham vọng bán dẫn của Trung Quốc, gồm hạn chế chip nhớ, thiết bị sản xuất bán dẫn và chip logic tiên tiến, đóng vai trò là bộ não của các thiết bị.
Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ dưới chính quyền Biden thêm 384 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, bằng con số mà ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của mình. Trong số đó có hơn 100 hãng cung cấp công cụ sản xuất chip Trung Quốc bị thêm danh sách đen hôm 2.12. Những công ty Trung Quốc này bị cấm mua công nghệ Mỹ nếu không có giấy phép từ chính phủ.
Thế nhưng, John Moolenaar cho biết: “Các yêu cầu cấp phép cụ thể áp dụng cho một số nhà cung cấp của Huawei đặt ra những câu hỏi thực sự về văn hóa tại Cục Công nghiệp và An ninh và lý do tại sao Cục này tiếp tục tạo điều kiện để các lô hàng công nghệ Mỹ đến các công ty Trung Quốc”. Ví dụ, các quy tắc thực sự từ chối tất cả lô hàng chip đến cơ sở của SMIC ở Bắc Kinh, nhưng lại cho phép bán “theo từng trường hợp” các mặt hàng cụ thể đến SMIC tại Thượng Hải, John Moolenaar cho hay.
Các quy tắc cũng hơi khác nhau với ba nhà sản xuất chip có liên kết với Huawei: Qingdao Si'En, SwaySure và Shenzhen Pensun Technology (PST). Trong khi lệnh trừng phạt Qingdao Si’En áp dụng chính sách “giả định từ chối” với các đơn xin giấy phép, hai hãng Trung Quốc còn lại sẽ được xem xét “từng trường hợp cụ thể” với công nghệ không thuộc phạm vi các kiểm soát xuất khẩu rộng hơn của Mỹ.
“Không có lý do về an ninh quốc gia nào biện minh cho những lỗ hổng này”, John Moolenaar viết. Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này đã “nhận được thư và sẽ phản hồi thông qua các kênh thích hợp”.
Trong năm nay, John Moolenaar cùng Dân biểu Raja Krishnamoorthi, đảng viên Dân chủ hàng đầu thuộc Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc, thúc đẩy Cục Công nghiệp và An ninh trừng phạt một số công ty Trung Quốc bị thêm vào danh sách đen hôm 2.12. Bộ đôi này cũng trực tiếp vận động chính phủ Nhật Bản tăng cường kiểm soát xuất khẩu thiết bị bán dẫn.
Mỹ đã hợp tác với Nhật Bản và Hà Lan để phối hợp áp dụng các hạn chế ảnh hưởng đến tất cả nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu, gồm ba công ty Mỹ là Lam Research, KLA và Applied Materials, cùng Tokyo Electron (Nhật Bản) và ASML (Hà Lan).
Về phần mình, Raja Krishnamoorthi hài lòng với cách tiếp cận của chính quyền Biden. Ông tuyên bố các biện pháp nhắm mục tiêu không chỉ gây tổn hại đến "khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến có thể được dùng trong nhiều công nghệ quân sự Trung Quốc mà còn cản trở sự phát triển của họ với các công nghệ cao cấp khác, gồm cả AI, có thể được sử dụng cho các mục đích xấu".
Hôm 2.12, bà Gina Raimondo - Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã nói với các phóng viên Reuters, The New York Times và nhiều tờ báo khác rằng các hạn chế mới nhất của chính quyền Biden là "biện pháp kiểm soát mạnh mẽ nhất mà Mỹ từng ban hành nhằm làm suy yếu khả năng sản xuất chip tiên tiến nhất mà Trung Quốc đang sử dụng trong quá trình hiện đại hóa quân đội".
Các quy định mới nhất là gói hạn chế xuất khẩu chip lớn thứ ba với Trung Quốc được thực hiện dưới thời chính quyền Biden. Vào tháng 10.2022, Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát sâu rộng nhằm hạn chế việc bán và sản xuất một số loại chip cao cấp. Động thái này được coi là sự thay đổi lớn nhất trong chính sách công nghệ của Mỹ với Trung Quốc kể từ những năm 1990.
Phạm vi của lệnh cấm đó đã được mở rộng hồi tháng 10.2023 và một lần nữa vào tháng 9.2024 để bao gồm cả các chất bán dẫn bổ sung, như chip chơi game hiệu suất cao và chip trung tâm dữ liệu cấp thấp hơn.
Sức mạnh tính toán và AI, được thúc đẩy bởi các chip tiên tiến, đã trở thành chiến trường cạnh tranh quan trọng giữa hai siêu cường, khi cả hai đều nỗ lực thống trị sản xuất các loại chip có kích thước dưới 10 nanomet.
Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ tiếp tục gây sức ép lên ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc. Ở nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế lên tới 25% với hàng hóa Trung Quốc.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, Trump cho biết ông sẽ tăng con số đó lên tới 60% nếu cần thiết.
Tại cuộc phỏng vấn vào tháng 6 với nhân vật truyền thông xã hội Logan Paul, Trump đã gọi Trung Quốc là "mối đe dọa chính" với ngành AI của Mỹ.
Hôm 25.11, Donald Trump tuyên bố rằng vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông sẽ áp đặt mức thuế 25% với tất cả sản phẩm từ Mexico và Canada, đồng thời áp thuế thêm 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một ngày sau, ông Trump tuyên bố động thái này nhằm ngăn chặn ma túy, đặc biệt là fentanyl, và người di cư nhập cư trái phép vào Mỹ. “Cả Mexico và Canada đều có quyền và sức mạnh tuyệt đối để dễ dàng giải quyết vấn đề dai dẳng này. Đã đến lúc họ phải trả giá đắt!”, Tổng thống Mỹ đắc cử viết trên mạng xã hội Truth Social. Trong bài đăng khác, ông Trump cáo buộc Trung Quốc không ngăn chặn buôn lậu fentanyl vào Mỹ.
Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực tự cung tự cấp trong lĩnh vực bán dẫn những năm gần đây, vì bị Mỹ và các quốc gia khác hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến cùng các công cụ sản xuất chúng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt hậu nhiều năm so với các công ty dẫn đầu ngành chip như Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới của Mỹ) và ASML (nhà cung cấp thiết bị sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới ở Hà Lan).
Hôm 3.12, Trung Quốc đã trả đũa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn từ chính quyền Biden bằng cách cấm vận chuyển các vật liệu quan trọng đến Mỹ, đẩy căng thẳng trong cuộc chiến chip toàn cầu lên cao trước nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ dừng xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng liên quan đến khoáng sản, kim loại có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Các vật liệu được gọi là lưỡng dụng này gồm gallium, germanium và antimony, cùng một số kim loại siêu cứng. Thông báo trên cũng bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn với mặt hàng liên quan đến graphite, "vật liệu kỳ diệu" có độ dẫn điện cao.
Các vật liệu này được sử dụng để chế tạo chất bán dẫn, pin, thiết bị điện tử tiên tiến và tấm pin mặt trời.
Trung Quốc và Mỹ đã bị cuốn vào cuộc đua công nghệ để dẫn đầu trong lĩnh vực AI và công nghệ quân sự. Việc chặn vận chuyển các vật liệu thiết yếu cho những ngành này là chiến thuật mới nhất được triển khai.
Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc để nhập khẩu gallium và antimony. Dù Mỹ sản xuất một số germanium, Trung Quốc tạo ra 98% nguồn cung kim loại này của thế giới, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (thuộc cơ quan chính phủ).
Vào tháng 11, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ đã công bố nghiên cứu cho biết việc mất quyền tiếp cận nguồn nhập khẩu germanium và gallium có thể gây ra "tổn thất hàng tỉ USD" cho nền kinh tế Mỹ, với hậu quả tập trung nhiều nhất vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Hôm 3.12, Bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố: "Mỹ đã mở rộng khái niệm về an ninh quốc gia, chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ, đồng thời lạm dụng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu". Bộ này cho biết thêm rằng các biện pháp đáp trả sẽ có hiệu lực ngay lập tức và đang được thực hiện để "bảo vệ an ninh quốc gia".