Bệnh viện An Bình (TP.HCM) hợp tác với trường đại học sức khỏe của Úc

Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:42, 06/12/2024

Chiều 6.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết Bệnh viện An Bình vừa ký kết ghi nhớ hợp tác với Trường đại học Sức khỏe tổng hợp thuộc Đại học Curtin (Úc) trong lĩnh vực phục hồi chức năng.
Thông tin Y học

Bệnh viện An Bình (TP.HCM) hợp tác với trường đại học sức khỏe của Úc

Hồ Quang 06/12/2024 20:42

Chiều 6.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết Bệnh viện An Bình vừa ký kết ghi nhớ hợp tác với Trường đại học Sức khỏe tổng hợp thuộc Đại học Curtin (Úc) trong lĩnh vực phục hồi chức năng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bệnh viện An Bình và Trường đại học Sức khỏe tổng hợp thuộc Đại học Curtin (Úc) đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.

tphcm-benh-vien-an-binh-hop-tac-coi-truong-dai-hoc-suc-khoe-uc-hinh-anhh-1.png
Bệnh viện An Bình (TP.HCM) - Ảnh: PV

Cụ thể, hợp tác giữa 2 đơn vị tập trung vào các lĩnh vực then chốt giúp phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực phục hồi chức năng tại Bệnh viện An Bình, bao gồm: Trao đổi đào tạo chuyên môn; phát triển kỹ thuật chuyên sâu về phục hồi chức năng; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai bên.

Ở lĩnh vực trao đổi chuyên môn, Bệnh viện An Bình tạo điều kiện để trường tiếp tục gửi sinh viên đến bệnh viện thực hành, hơn nữa bệnh viện có cơ hội gửi nhân sự đến trường nước ngoài để học hỏi thêm các kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trên nhiều lĩnh vực y khoa.

Đối với việc phát triển kỹ thuật chuyên sâu về phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình được sự hỗ trợ từ các giáo sư đầu ngành của trường, giúp bệnh viện có cơ hội phát triển thêm những kỹ thuật chuyên sâu về vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, và hoạt động trị liệu.

Sở Y tế TP.HCM cho biết âm ngữ trị liệu là một trong những lĩnh vực chuyên sâu của phục hồi chức năng được ứng dụng để chẩn đoán, điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống của những người gặp rối loạn giao tiếp và nuốt. Phương pháp này giúp bệnh nhân học cách phát âm rõ ràng hơn, từ đó tăng sự tự tin khi giao tiếp, giảm bớt sự mặc cảm trong giao tiếp, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Đối với bệnh nhân sau đột quỵ, ngoài các vấn đề về hạn chế vận động thì vấn đề phát âm, giao tiếp cũng là một thách thức không nhỏ đối với người bệnh, tình trạng khó phát âm, khó nuốt đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý không chỉ đối với bản thân người bệnh mà còn đối với gia đình, xã hội.

Trong thời gian qua, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình được phát triển đồng đều ở cả 3 chuyên ngành: Vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu.

Đặc biệt, nhân sự lãnh đạo khoa được đào tạo bậc tiến sĩ về ngôn ngữ trị liệu tại Úc, hiện đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân gặp các rối loạn về phát âm, nuốt sau đột quỵ. Kết quả đã có khoảng 500 bệnh nhân được phục hồi tốt, đã giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Hiện nay, trường Đại học Curtin đã gửi sinh viên đến các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, trường đã chọn Bệnh viện An Bình làm nơi hợp tác đào tạo, thực hành cho sinh viên của trường. Trong năm 2024, trường này đã gửi đến Bệnh viện An Bình 2 đoàn với 5 giảng viên và 17 sinh viên đến làm việc, học tập tại Khoa Phục hồi chức năng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, Trường đại học Sức khỏe tổng hợp thuộc Đại học Curtin là một trong những trường đại học lớn nhất và độc đáo nhất về văn hóa của Tây Úc. Mỗi năm trường này đào tạo cho hơn 51.000 sinh viên quốc tế trên rất nhiều lĩnh vực, một trong những lĩnh vực chuyên sâu và cũng là thế mạnh của trường là phục hồi chức năng và ngôn ngữ trị liệu.

Hồ Quang