Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên 40, xem xét nhiều nội dung quan trọng

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:16, 10/12/2024

Sáng 10.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTBQH) khai mạc phiên họp thứ 40 nhằm xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Theo dòng thời sự

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên 40, xem xét nhiều nội dung quan trọng

Lam Thanh 10/12/2024 13:16

Sáng 10.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTBQH) khai mạc phiên họp thứ 40 nhằm xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Các luật cần đi vào cuộc sống nhanh nhất

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết về công tác lập pháp, UBTBQH sẽ xem xét, thông qua các chương trình công tác cho năm 2025, bao gồm: (1) Nghị quyết Chương trình công tác của UBTBQH năm 2025; (2) xem xét, thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2025 của UBTBQH và chương trình hoạt động đối ngoại hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của UBTBQH.

UBTBQH cũng sẽ xem xét thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng; xem xét đề nghị bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gồm: dự án Luật Phá sản (sửa đổi); dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật Báo chí (sửa đổi); dự án Luật Luật sư (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo dự kiến, cuối tháng 2.2025 Quốc hội sẽ họp nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến công tác tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)...

0-qh-1.jpg
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 40

UBTBQH sẽ xem xét sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình và 6 nội dung về tài chính, ngân sách.

Bao gồm: bổ sung dự toán chi thường xuyên cho Ủy ban Sông Mê công Việt Nam năm 2024; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bổ sung dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024; phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2024 kinh phí xử lý bù giá trong bao tiêu sản phẩm dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học, công nghệ của ngân sách trung ương năm 2024; việc giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước mắt phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai ngay các luật được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15 thông qua rút ngắt thời gian các khâu chuẩn bị văn bản hướng dẫn để các quy định mới đi vào thực tiễn nhanh nhất, khơi thông các dòng tín dụng, ngân sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, cần khẩn trương hoàn thành các phương án, đề án, sửa đổi các luật để tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu.

Kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá đất

Tại phiên họp, Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trình bày Báo cáo tóm tắt Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11.2024.

Báo cáo nêu rõ, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.297 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, trong tháng 10 và tháng 11.2024, nhất là trong khoảng thời gian diễn ra kỳ họp lần thứ 8, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng. Số người khiếu kiện từ các địa phương kéo về Hà Nội tăng, phát sinh 307 người so với trước kỳ họp thứ 8.

Về công tác tiếp công dân của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 520 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 456 vụ việc, trong đó có 37 lượt đoàn đông người.

anh-man-hinh-2024-12-10-luc-13.01.46.png
Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công

Ông Hoàng Anh Công khẳng định ngoài một số nội dung cử tri phản ánh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay.

Cụ thể, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét, có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá đất và bảo đảm cơ chế đấu giá đất minh bạch nhằm hạn chế hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cuộc, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá đất; nghiên cứu để đưa ra chế tài xử lý đối với hành vi thao túng thị trường bất động sản.

Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại bếp ăn tập thể, bếp ăn căng tin; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý các nguồn cung cấp thực phẩm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Về các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người của 17 địa phương thường xuyên tập trung khiếu kiện đông người tại thành phố Hà Nội và TP.HCM, đề nghị chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc mới phát sinh.

Về 13 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự, đề nghị chỉ đạo các địa phương tổ chức tiếp, đối thoại các công dân, ban hành quyết định giải quyết (nếu còn thẩm quyền) hoặc tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng dù cử tri và nhân dân đồng tình song cần tuyên truyền tốt hơn nữa về chủ trương tinh gọn bộ máy, bởi, khi sắp xếp sẽ liên quan, đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người này, người kia.

Ngoài ra, một nội dung rất quan trọng là xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế, đồng thời cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức, người lao động.

0-qh-2.jpg
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Theo bà Thanh, trước đây, khi thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế cũng có một phần rất quan trọng là chế độ, chính sách. Trong bối cảnh hiện nay với quy mô nền kinh tế và ngân sách đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây, cần quan tâm chăm lo chính sách cho người lao động.

Nhấn mạnh việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh giản bộ máy để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, là cán bộ nên việc quan tâm đời sống của những người này cũng là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển, người dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới.

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo bổ sung nội dung cần có cơ chế, chính sách hợp lý, thậm chí phải có cơ chế thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2-3-4 năm có thể sẵn sàng nghỉ để cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản ở lại trong hệ thống.

Lam Thanh