Nhật ký những cung đường nước Đức - Bài 1: Xuyên qua vùng trồng nho lớn ở Đức
Du lịch - Ngày đăng : 10:54, 11/12/2024
Nhật ký những cung đường nước Đức - Bài 1: Xuyên qua vùng trồng nho lớn ở Đức
“Người giữ nhà trong tim, sẽ thấy mọi nơi trên trái đất đều đẹp” (Herman Stehr).
Có lẽ không nhiều người biết rằng, nước Đức có tới 80 con đường du lịch chuyên đề từ nhiều năm nay. Tùy theo những đề tài quan tâm, du khách có thể chọn đi những cung đường như: Con đường cổ tích, Con đường vùng núi Thueringen, Con đường vua và nữ hoàng, Con đường pháo đài, Con đường lãng mạn, Con đường vùng rừng đen và các thung lũng, Con đường vùng núi Alpơ, Con đường biển xanh, Con đường Barock…
Tôi đã đi khoảng vài chục con đường thuộc danh sách này trong suốt mấy chục năm qua, cả bên Đông lẫn bên Tây, đủ để thấy nước Đức - “Nhà của tôi” luôn chiếm vị trí đặc biệt thế nào trong cuộc đời nhiều chuyển dịch của tôi.
Con đường Rượu vang
Những chuyến đi Đức với tôi không phải là “đi”, mà là “về”. Đơn giản vì đó là nơi tôi đã trải qua thời tuổi trẻ đẹp nhất của đời người. Và cũng đơn giản vì tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ thứ hai của tôi, là thứ ngôn ngữ tôi dùng hằng ngày, suốt từ thời tóc xanh tới khi tóc không còn xanh nữa. Nghe theo tiếng gọi của “Nhà trong tim”, dù đi đâu về đâu, tôi cũng phải thu xếp thời gian về Đức, đôi khi chỉ để thấy mình vẫn còn xanh. Mùa thu này lá đang đổi màu trên những sườn đồi. Gió thầm thì qua những cành khô, rằng “lứa rượu vang” tới sẽ sóng sánh trong màu mật. Tôi lại về Đức.
Một trong những con đường du lịch nổi tiếng nhất ở Đức chính là Con đường Rượu vang (German Wine Road), được chính thức đưa vào bản đồ du lịch nước Đức từ năm 1936.
Con đường Rượu vang (Deutsche Weinstrasse) là con đường xuyên qua vùng trồng nho lớn nhất của Đức nằm giữa vùng rừng Pfalz và châu thổ sông Rhein.
Dọc theo con đường này là những thị trấn nhỏ, những ngôi làng với những phố nhỏ đẹp như tranh vẽ dưới chân pháo đài đá và những tháp canh Trung cổ. Vào mùa xuân, nơi đây là thiên đường của hoa hạnh nhân, hoa mơ và hoa táo. Mùa hè là mùa của nho, của trái chín, của những lễ hội truyền thống vùng trồng nho.
Thực ra thì tôi đã ba lần đi trên con đường này vào hè và xuân, thăm những lò rượu và tham dự mùa thu hoạch nho. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là mùa thu, khi những đồi nho và rừng cây vào mùa thay lá. Ấn tượng cũng còn là vì lần này tôi không đi xe hơi như những lần trước, mà đi bộ (trekking) để có đủ thời gian la cà và thăm thú một cách khá tùy hứng. Mỗi nơi ở lại vài ba đêm. Một cách đi chậm để được thư giãn, nhưng thực ra lại thu lượm được quá nhiều; hơn nhiều những chuyến đi di chuyển liên tục để rồi ấn tượng về điểm đến cũng nhanh chóng theo gió bay đi.
Tiêu chí của kẻ lữ hành Đi như tờ giấy trắng (tựa một cuốn sách của họa sĩ Trần Thùy Linh – PV) là luôn la cà để thấm và để nhìn thấy những gì “muốn thấy” chứ không phải là những gì “phải thấy”. Đi để check-out, chứ không phải để check-in. Để những gì quen thuộc, những định kiến, những điều đã biết lại quê nhà, mang theo hành trang là “tờ giấy trắng” trong tâm hồn và trái tim để sẵn sàng đón những điều kỳ thú và tươi mới nhất nơi miền đất lạ.
Con đường Rượu vang ở Đức thuộc bang Rheinland- Pfalz, chỉ dài vỏn vẹn có gần 100km nên du khách thường chỉ hay lái xe trong một ngày, hoặc nhiều lắm thì cũng chỉ ở lại một cuối tuần, vì thế nên rất nhiều điều hay ho khác ngoài rượu vang đã bị bỏ qua. Chọn chuyến đi vào mùa Thu, tôi cũng né luôn lễ hội rượu vang và mùa thu hoạch nho diễn ra vào tháng 8 hằng năm, tránh những ồn ào để tìm một sự tĩnh lặng giữa thiên nhiên cho riêng mình. Như mọi chuyến đi khác, chuyến đi này của tôi cũng có mục đích rất rõ ràng: Phong cảnh vùng trồng nho mùa thu và lễ hội hoa cúc ở vùng Rừng đen.
Bắt đầu từ Leiningenland - phía bắc của con đường, tôi và nhóm bạn 5 người đi xuôi về phía nam và ở lại những ngôi làng nhỏ tuyệt đẹp giữa những đồi nho và rừng sồi, rừng phong đang vào mùa thay lá. Chặng đường lang thang trong hai tuần, đi bộ 15 - 20km mỗi ngày, bắt đầu từ Asselheim, qua Grünstadt, Sausenheim, Bad Dürkheim, Maikammer, St. Martin, Rodt, Bad Bergzabern, Dörrenbach và kết thúc tại thành phố ở Lahr/Schwarzwald đúng vào tuần diễn ra Lễ hội Hoa cúc.
Bình yên Asselheim
Chúng tôi đến sân bay Frankfurt vào buổi sáng tinh mơ rồi lên tàu hỏa đi khoảng 2 tiếng là đến Asselheim. Bầu không khí buổi sớm mai đẫm hơi sương trong lành và mát mẻ. Mặt trời dần ló ra trên những cánh đồng ngoài cửa sổ toa xe. Mùa thu đang trôi trên những đồi nho đang dần vàng lá khắp nơi trên bang Pfalz.
Khách sạn Pfalzhotel nằm ở đầu làng cạnh những gốc nho cổ thụ thân xoắn lại như những cuộn dây thừng khổng lồ. Sân trước là khu vườn có những cây phong rợp lá; bí đỏ bày la liệt khắp nơi xen lẫn những cành lá xanh đỏ bên một đài phun nước rêu phong đang rả rích chảy. Cảm giác thật dễ chịu. Luôn là cảm giác ấy - tươi mới, khí trời tràn căn lồng ngực - mỗi khi tôi trở lại Đức. Khách sạn nhỏ thơm mùa gỗ, mùi thảo mộc ngay khi chúng tôi vừa đặt chân vào sảnh lễ tân.
Vào mùa thu thì ở cả 13 vùng trồng nho của nước Đức, việc đặt phòng là vô cùng khó khăn. Chuyến đi được tôi chuẩn bị trước gần 1 năm, vậy mà tôi cũng phải đổi lộ trình mấy lần mới hợp lý và quan trọng hơn là để đặt được phòng ở những nơi muốn ở lại.
Bữa trưa được bày ra trên một chiếc bàn gỗ dài mộc mạc trong vườn. Nếu như có ai đã từng dự những bữa tiệc trong vườn “Garden-Party” mà người Âu hay tổ chức, các bạn có thể hìểu tại sao nơi này lại ấn tượng với tôi như thế. Thời tiết quá tốt, nắng và gió làm bữa trưa dưới bóng những cây phong và bên những gốc nho trở nên thật khó quên. Dạ dày nhồi, ốc sên đút lò, các loại dồi tiết, nấm đút lò và vang đỏ, tất cả đều là đặc sản của vùng trồng nho Pfalz cổ xưa của nước Đức.
Những con ốc sên được nuôi bằng lá nho đẫm sương vùng Pfalz béo ngậy và thơm phức, khác hẳn các loại ốc tôi từng ăn. Phải nói thêm rằng các món ăn Đức không hề xa lạ gì với tôi sau nhiều năm sống và đi lại ở Đức, nhưng món ăn vùng này quả thật đã đánh tan mọi định kiến rằng Ẩm thực Đức không mấy hấp dẫn, không chỉ với tôi mà còn với bạn bè cùng đi. Người ta thường nói: "Quan trọng không phải là đi đâu, mà là đi với ai” - vì thế mà bữa ăn thêm xuất sắc khi được ở bên bè bạn trong khí mùa thu tuyệt vời như thế chăng?
Buổi chiều là sự khởi động nhẹ nhàng với 10km cho cả đi và về tới Bockenheim, ngôi làng nhỏ nằm trong thung lũng giữa những đồi nho bát ngát, được mệnh danh là “Cánh cổng vào vùng Pfalz”.
Lang thang hết đồi nho này tới đồi nho khác và ngất ngây trong không khí của mùa, tôi thấy mình thật may mắn khi đã tới đây. Chiều muộn tôi thả bộ dọc con dốc đá bên hông khách sạn vào làng. Ngang qua ngôi nhà tường đá phủ đầy cây nho dại có lá màu hồng rực rỡ, tưởng như muốn chôn chân đứng đó luôn. Ngất ngây khi ngang dọc, rẽ vào những lối mòn để thấy khi thì một khu vườn đầy hoa, khi thì cả một sườn đồi lá vàng đập vào mắt.
Từ cây cầu bắc ngang dòng suối nhỏ nhìn lên cao thấy tháp chuông nhà thờ cổ cao vút, in hình trên ráng chiều xanh biếc, thấy lòng tràn ngập đức tin. Asselheim nhỏ, đẹp và yên bình quá đỗi. Thấy tôi ngập ngừng bên cánh cổng gỗ khép hờ, chụp những bông hoa cẩm tú cầu lấp ló trong sân, một người đàn bà bước ra, mở rộng cánh cổng mời tôi vào.
Những cây táo chi chít quả vàng và đỏ trong sân, những chậu cẩm tú cầu màu rỉ sét lạ mắt cao hơn đầu người. Ngôi nhà chìm trong bóng lá của những cây nho cổ thụ, và người đàn bà váy hoa chít khăn... khiến tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào xứ sở thần thoại nào đó. Nói chuyện một hồi tôi mới biết đây là nhà và lò rượu đã ba thế hệ của gia đình bà. Nhà nào ở đây cũng có sân rộng như vậy để tiện cho việc thu hoạch nho và sản xuất rượu vang.
Khu vườn bộn bề nhưng đầy sức sống. Bà chủ nhà cho tôi vài chùm nho, trái táo vàng thơm phức và chỉ đường cho tôi tới những đồi nho mênh mông phía sau làng. Cả buổi chiều hôm ấy, hương táo hương nho cứ vấn vương trên những ngón tay.
Buổi tối nằm trong chăn ấm nệm êm, hình ảnh cô gái dắt chú chó vàng dạo chơi trên đồi nho vàng lá tôi gặp và khu vườn có lò rượu cổ của người đàn bà lại hiện lên. Bức tranh miền quê êm ả ấy đưa tôi vào một giấc ngủ say không mộng mị. Nước Đức lại trở nên gần gũi hơn bao giờ hết trên cung đường Rượu vang.