Kinh tế Hong Kong đang rơi vào tình trạng đáng lo ngại, thậm chí là nguy hiểm
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:00, 14/08/2019
Nền kinh tế của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) với đầu tàu là ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc biểu tình kéo dài 2 tháng nay mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Thành phố đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Các cuộc biểu tình liên tiếp những ngày qua đã kéo theo hệ lụy kinh tế.
Trong đó, ngành du lịch bị thiệt hại nhiều nhất. Theo RFI, tại Hong Kong, khách sạn trống phòng, ngay cả công viên Disneyland cũng vắng khách.
Số phòng khách du lịch đặt trong tháng 7 đã giảm 50%. Lượng khách đặt phòng trước cho tháng 8 và tháng 9 cũng giảm đáng kể trong bối cảnh nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Úc, Nhật Bản, cảnh báo công dân nước mình hạn chế đến Hong Kong.
Dĩ nhiên công viên giải trí nổi tiếng Disneyland cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Bob Iger - Giám đốc Điều hành Disneyland Hong Kong ngày 6.8 vừa qua thừa nhận với phóng viên "các cuộc biểu tình làm giảm lượng khách đến công viên".
Sự gián đoạn hoạt động sân bay 2 ngày trước do người biểu tình tràn vào đã khiến du khách mắc kẹt, kéo cổ phiếu của hãng hàng không Hong Kong là Cathay Pacific Airways xuống mức thấp nhất trong 10 năm.
"Tôi nghĩ rằng tình hình đang ngày càng nghiêm trọng hơn", Jason Wong - Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Du lịch Hong Kong nói với AFP, đến mức các đại lý du lịch đang xem xét cho nhân viên nghỉ phép không lương.
Trong khi đó, SCMP ngày 13.8 cho biết thị trường chứng khoán Hong Kong đang trải qua mùa hè tồi tệ nhất kể từ năm 2012. Số lượng các công ty tìm cách tăng vốn (IPO) trong năm nay đã giảm một phần ba xuống còn 88, với số tiền thu được giảm 55,9% còn 10,82 tỉ USD. Danh sách IPO tháng 7 giảm một nửa còn 15 công ty, với số tiền thu được kết hợp giảm mạnh 57% xuống còn 1,65 tỉ USD.
Edward Yau, thư ký phát triển kinh tế và thương mại của Hong Kong cảnh báo: "Tình hình Hong Kong trong những tháng gần đây đang đặt nền kinh tế và người dân địa phương vào tình trạng đáng lo ngại, thậm chí là nguy hiểm".
Lãnh đạo Hong Kong bà Carrie Lam cũng lên tiếng cảnh báo rằng đặc khu này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn cả vụ dịch SARS năm 2003 từng làm tê liệt Hong Kong hoặc cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Và "tình hình lần này còn nghiêm trọng hơn", muốn khắc phục phải mất một thời gian rất dài, bà nói, theo RFI.
Đáng lưu ý là hiện kinh tế Hong Kong không chỉ bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị mà còn chịu tác động không nhỏ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Kể từ quý 1/2019, mức tăng trưởng kinh tế của đặc khu này chỉ đạt 0,6% so với 4,6% cùng kỳ năm 2018. Dự báo kinh tế Hong Kong quý 2/2019 cũng khó đạt kết quả tốt.
Anh Thư