Quy hoạch vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở, lũ bùn: Một số giải pháp cấp bách

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 07:00, 15/12/2024

Cơn bão số 3 (Yagi) vào đầu tháng 9 năm nay là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây. Bão đổ bộ vào khu vực phía bắc Việt Nam, gây ra một đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây hậu quả nặng nề cho kinh tế-xã hội vùng bị ảnh hưởng. Đây cũng là đề tài cho giới khoa học nghiên cứu và đề ra giải pháp đối phó với thiên tai trong tương lai.
Bảo vệ môi trường

Quy hoạch vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở, lũ bùn: Một số giải pháp cấp bách

TS Vũ Văn Ái - TS Vũ Tuấn Anh 15/12/2024 07:00

Cơn bão số 3 (Yagi) vào đầu tháng 9 năm nay là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây. Bão đổ bộ vào khu vực phía bắc Việt Nam, gây ra một đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, gây hậu quả nặng nề cho kinh tế-xã hội vùng bị ảnh hưởng. Đây cũng là đề tài cho giới khoa học nghiên cứu và đề ra giải pháp đối phó với thiên tai trong tương lai.

Vấn đề tiếp nhận nước mưa và sạt lở, lũ bùn

Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, lượng mưa trung bình hằng năm rất lớn, khoảng 1.500 – 2.000mm. Một số vùng lượng mưa thấp hơn, như Ninh Thuận, dải miền Trung. Có những vùng lượng mưa đặc biệt cao lên tới 2.400 – 2.800mm, và có thể lên đến 3.000mm, phân bổ ở Hoàng Liên Sơn, Hà Giang, và Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, ven biển Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Ninh do địa hình cao chắn gió, đặt biệt là gió mùa tây nam và dải hội tụ nhiệt đới đi qua.

bao-2.jpg
Hình ảnh lũ lụt trong cơn bão số 3 (bão Yagi) - Ảnh: Internet

Khi lượng mưa lớn tiếp xúc thời gian lâu, nước mưa thoát chậm làm cho những vùng đất, đất phong hóa phía trên đá gốc của các vùng đồi núi ngậm và bão hòa nước, cường độ chịu tải đặc biệt là sức chống trượt, chống cắt của đất khi đó giảm đi rất nhiều lần trong khi trọng lượng của khối đất phủ nằm trên đá gốc trên núi không thay đổi, thậm chí trọng lượng còn tăng lên nhiều do đất bị bão hòa nước mưa. Khi sức chịu trượt cắt của đất giảm đi tới giới hạn nào đó sẽ có hiện tượng trượt và sạt lở của trọng lượng khối đất ngậm nước nói trên xuống phía dưới. Nếu khối đất đá nhão do ngậm quá nhiều nước và gặp thêm mưa bị trượt dài tạo thành lũ bùn cực kỳ nguy hiểm.

Vấn đề hình thái địa mạo cấu trúc địa chất

Thông thường các vùng đồi núi có phần đất phủ dạng Deluvi và Colluvi nằm trên lớp đá gốc, lớp này có độ dày vài mét đến hơn chục mét, đôi khi vài chục mét. Đặc tính cơ lý của lớp đất này và độ lớn của sườn dốc là yếu tố quyết định trực tiếp đến sạt lở. Thành phần chính của lớp này là cát, bột, sét Montmorillonite, Kaolinite và Illite. Khi ngậm nước, lớp đất này sẽ bở rời hoặc dẻo nhão tăng thể tích. Khi độ dốc bề mặt của lớp đất sườn đồi hoặc bề mặt của lớp đá gốc trên núi càng lớn thì nguy cơ sạt lở càng cao, gây thiệt hại về người, đời sống vật chất và tinh thần và nhiều vấn đề khác nữa. Bởi vậy, việc giảm thiểu mức độ ngậm nước cho lớp đất này là cần thiết. Các phương án tránh sạt lở đầu tiên cần nhắm tới hướng giảm thiểu sự ngậm nước của lớp đất phủ trên núi.

Thảm thực vật có ảnh hưởng lớn đến sạt lở đất đồi núi

Đối với rừng nguyên sinh, những cây cổ thụ lớn có nhiều tán tầng lá che kín và chặn nước mưa ở một giới hạn nào đó. Nước mưa từ tán có thể đổ xuống đất đột ngột và cục bộ, khi đó nước trượt đi ngang nhanh xuống sườn dốc không đủ thời gian đáng kể để ngấm lâu vào tầng đất sườn đồi giống như trường hợp không có cây hoặc chỉ có lớp cỏ nhỏ thấp giúp dàn trải đều theo thời gian lượng nước mưa thấm vào mặt đất gần như tuyệt đối làm bão hòa nước cho đất sườn đồi, dẫn đến sạt lở nhanh chóng.

Một ưu điểm khác cần phải nói đến của thảm thực vật là các tầng lớp rễ của cây lớn sẽ bám và liên kết vững chắc sâu vào lớp đất sườn đồi núi, tăng ứng suất trượt cắt làm giảm thiểu sạt lở. Vấn đề trồng rừng, bảo vệ rừng và nạn phá rừng cũng đã được nói rất nhiều.

Tác động từ con người

Tác động tiêu cực của con người đối với rừng chủ yếu là phá rừng, phá vỡ các thảm thực vật để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dân dụng trên núi và triền dốc. Các công trình làm thay đổi hiện trạng các đường đồng mức địa hình, ngăn chặn các hướng thoát nước, gây cản trở cho thoát nước mưa, tạo ra những khu vực tụ nước góp phần làm bão hòa nước của lớp đất đá phủ tại núi cao hay sườn dốc. Việc phá rừng làm nhà ở, các công trình khai thác gỗ và khoáng sản làm thay đổi độ dốc của sườn núi vốn đã ổn định nhiều năm qua cũng là một trường hợp cần báo động.

Một số vùng đồi, sườn dốc bở rời dễ thấm nước dạng Colluvi có dòng chảy nước ngầm nông, với chừng mực lượng mưa nào đó vẫn đủ ổn định mái dốc không sạt lở. Nhưng khi con người làm thêm tường chắn đất gần chân đồi vô tình ngăn chặn dòng chảy ngầm làm mực nước dâng cao tạo vùng chứa nước có áp lực lớn chảy qua vùng hẹp dưới chân tường chắn. Lúc này dòng chảy xoáy mạnh về phía sau chân tường chắn thổi bay và làm nghiêng trượt các công trình nhà cửa, giao thông khi kết cấu móng công trình chưa đủ vững chắc (ví dụ như vụ sạt lở ở khu đồi Trường Chính trị nằm trên đường Tùng Tung tổ 12, phường Nam Cường, TP.Lào Cai, xảy ra ngày 10.09.2024).

Một số giải pháp cấp bách chống sạt lở và lũ quét

Hầu như các vùng núi phía bắc, tây bắc nước ta như Hà Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Cạn, Tuyên Quang và Tây Nguyên… đều được phổ cập bản đồ tỷ lệ 1/10.000. Dựa theo bản đồ này cho các địa hình là điều kiện rất thuận lợi cho việc triển khai quy hoạch thoát nước mưa và dự trữ nước mưa khi cần thiết, đặc biệt là các địa hình có khu dân cư, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp… hoạt động thường xuyên. Cần đánh giá được các khu vực nguy hiểm, vùng trữ nước không thể thoát tốt khi lượng mưa lớn, những vùng không có rừng nguyên sinh, ít cây cối, thảm thực vật.

Những vùng mới cải tạo rừng, mới quy hoạch xây dựng, cần có nghiên cứu kỹ để xem xét vấn đề thoát nước mưa, khả năng tích tụ, ngấm và bão hòa nước mưa vào đất. Kết hợp với nghiên cứu các tính chất cơ lý của đất theo các mẫu đất, tốt nhất là các hố đào được thực hiện nhanh, gọn và dễ có thể kết hợp thêm với các phương pháp đo khác như đo địa vật lý, cảm biến đo áp suất lỗ rỗng, cảm biến dịch chuyển hố khoan, đo mực nước… Có thể chọn lựa một số phương pháp kiểm tra cho hợp lý với từng vùng .

Từng cấp huyện cần phải có ngay các tờ bản đồ tỷ lệ 1/10.000 về dự báo rủi ro thiên tai, sạt lở kết hợp với các rủi ro thiên tai khác như động đất, lũ… Đây là điều cần thiết nhất và cấp bách nhất cho công tác quản lý, quy hoạch tài nguyên đất, đặc biệt là đất rừng đồi núi liên quan tới đời sống thường ngày. Chúng ta không chỉ hô hào chống rủi ro sạt lở, lũ quét, mà cần phải có các giải pháp thực hiện hữu hiệu nhất như đã nói ở trên.

Việc thực hiện đánh giá khả năng rủi ro thiên tai sạt lở theo tờ bản đồ dự báo tỷ lệ 1/10.000 (có thể tỷ lệ lớn hơn) là cần thiết và cấp bách hoàn thành cho các địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã cho vùng đặc biệt nguy hiểm sẽ giảm thiểu được thiệt hại về người, tài sản, tinh thần.

Các dấu hiệu nhận biết trước khi xảy ra sạt lở và lũ quét:

    Mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày, đặc biệt ở vùng thượng nguồn.

    Nghe tiếng động bất thường, tiếng đất va chạm, cây cối đổ hoặc tiếng nước chảy mạnh.

    Nước suối chảy chuyển màu đục, đục ngầu, có thể mang theo bùn đất, đá nhỏ... đó là dấu hiệu chuẩn bị sạt lở và lũ quét.

    Mực nước suối giảm đột ngột, có thể trời vẫn đang mưa.

    Tiếng kêu lớn hoặc chạy tán loạn và biểu hiện khác thường của động vật thiên nhiên, động vật nuôi.

    Xuất hiện các vết nứt trên mặt đất, sườn đồi núi, hoặc ngay trên tường nhà, đó là hiện tượng lún và dịch chuyển của khối đất dưới móng công trình.

    Cây cối nghiêng ngả hoặc gãy bất thường là dấu hiệu cảnh báo sạt lở.

    Biện pháp cần thiết:

    Rà soát kỹ khả năng vùng rủi ro sạt lở và lũ quét theo bản đồ 1/10.000.

    Kiểm tra nguy cơ rủi ro theo định kỳ và đặc biệt thời gian trước khi mưa bão dài có thể xảy ra bằng giải pháp quan trắc trực tiếp và triển khai flycam xem xét tổng thể.

    Thực hiện các giải pháp an toàn với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, chùa chiền, kho tàng, cơ sở kinh tế, an ninh quốc phòng.

    Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện hạn chế, cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm.

    Đảm bảo giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ huy phòng chống thiên tai.

    Thực hiện các hoạt động từ thiện cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho vùng bị chia cắt.

    Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản Nhà nước và nhân dân khu vực xảy ra thiên tai.

    TS Vũ Văn Ái - TS Vũ Tuấn Anh