TP.HCM: Hộ dân xây dựng thêm mái che nối với nhà hiện hữu có phải xin giấy phép không?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:33, 15/12/2024

Sáng 15.12, HĐND TP.HCM phối hợp Sở TT-TT, Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, tháng 12 với chủ đề “Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng”.
Theo dòng thời sự

TP.HCM: Hộ dân xây dựng thêm mái che nối với nhà hiện hữu có phải xin giấy phép không?

Thuỷ Long 15/12/2024 15:33

Sáng 15.12, HĐND TP.HCM phối hợp Sở TT-TT, Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, tháng 12 với chủ đề “Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng”.

Trả lời cử tri về tình hình vi phạm xây dựng, các giải pháp tăng cường giám sát, kiểm tra và phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm xây dựng tại TP.HCM, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Ngọc Hải cho biết, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM (về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố), bình quân số vụ vi phạm về trật tự xây dựng đã giảm hơn 80% (bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày so với trước). Sở Xây dựng tiếp tục triển khai các biện pháp kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng, không để phát sinh các điểm nóng.

ls1cl50n0ww4kmhl58opmhg4h4amzhq5.jpg
Quang cảnh chương trình

Việc cưỡng chế xử lý vi phạm trật tự xây dựng hiện còn một số khó khăn, như biện pháp cắt điện, cắt nước được đánh giá là hiệu quả nhưng vẫn chưa có cơ sở pháp lý thực hiện. Trong thực tế việc vận động các cá nhân, tổ chức vi phạm khắc phục còn khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Hải thông tin, thời gian tới, Sở Xây dựng đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật, như đề xuất ngưng cung cấp điện, nước với công trình vi phạm; đề xuất tăng mức phạt trong lĩnh vực xây dựng. Bên cạnh đó, sở triển khai các phần mềm quản lý trật tự xây dựng để tạo điều kiện cho người dân tra cứu thông tin, phản ánh tình trạng trật tự xây dựng.

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Kế Thiện phản ánh rằng nhiều hộ dân có nhu cầu xây dựng các hạng mục nhẹ như mái che bằng cột sắt, mái tôn nối với nhà hiện hữu để che mưa nắng trong khuôn viên gia đình, không lấn chiếm lộ giới nhưng vẫn phải xin phép xây dựng và bị xử phạt nếu không có giấy phép. Ông đề nghị chính quyền quận xem xét miễn giấy phép và không xử phạt đối với những trường hợp như vậy.

Giải thích vấn đề này, Phó chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Minh Chánh cho rằng theo Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, công trình xây dựng là sản phẩm được tạo ra từ thiết kế, vật liệu và thiết bị liên kết dưới mặt đất, có thể bao gồm cả phần dưới đất, trên mặt đất và dưới, trên mặt nước.

Theo quy định của luật, tất cả các công trình xây dựng phải có giấy phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ một số trường hợp đặc biệt được miễn giấy phép.

Các hạng mục như mái tôn cột sắt, mặc dù không lấn chiếm lộ giới, nhưng lại ảnh hưởng đến mật độ sử dụng đất, các chỉ tiêu kiến trúc, an toàn chịu lực, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Vì vậy, việc xây dựng này vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng, và nếu không có giấy phép, công trình sẽ bị xử phạt.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng, TP.HCM có khoảng gần 60.000 công trình nhà ở riêng lẻ cho thuê với hơn 629.000 phòng cho thuê. Trong đó, khoảng 555.000 phòng (chiếm 88,2%) đáp ứng tiêu chuẩn diện tích sàn tối thiểu mỗi người sử dụng là 4 m2. Số còn lại, với khoảng 74.000 phòng (chiếm 11,8%) không đạt chuẩn.

Trong số phòng không đạt chuẩn có khoảng 9.000 phòng là nhà trọ độc lập và khoảng 65.000 phòng là nhà ở riêng lẻ kết hợp cho thuê trọ, tập trung ở các quận 7, 12, Tân Phú và TP.Thủ Đức với khoảng 185.000 người đang thuê.

Để giải quyết, Sở Xây dựng đã đề xuất yêu cầu các chủ sở hữu có tiến độ cải tạo, sửa chữa để đạt chuẩn. Đồng thời, không áp dụng các biện pháp tháo dỡ hoặc đóng cửa ngay lập tức để tránh gây xáo trộn cuộc sống dân cư.

Sở cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ như vay ưu đãi, giảm lãi suất, hỗ trợ tiền điện nước và các chính sách ưu đãi về thuế.

Thuỷ Long