Luật pháp có vô tình?
Góc bình luận - Ngày đăng : 16:51, 15/12/2024
Luật pháp có vô tình?
Thời gian qua, không ít bị cáo khi đứng trước tòa đã đem thành tích, tuổi đảng để… xin được khoan hồng.
Trong Khóa hư lục của Thượng hoàng Trần Thái Tông có câu chuyện: Một vị sư đi qua ao sen, thấy hương thơm ngào ngạt, vị sư đứng lại hít hà. Thổ địa hiện lên và nói: Nhà sư, tại sao hít trộm hương sen của ta. Nhà sư trả lời hương sen bay ngào ngạt, ai đi qua đây mà không hít, đâu phải mình ta. Thổ địa bảo: Nhà sư nói sai rồi, ai đi qua đây hít cũng là hít trộm cả, nhưng họ là người không hiểu biết nên ta không trách, còn nhà sư, đã đi tu tức người hiểu biết nên mới đáng trách.
Rõ ràng, những người có chức vụ càng cao càng đòi hỏi phải là người am hiểu pháp luật. Đã giữ chức vụ cao, đã am hiểu pháp luật lại càng cần phải gương mẫu. Và, nếu cùng một lỗi vi phạm như nhau, người giữ chức vụ càng cao, càng có nhiều năm tuổi đảng thì càng phải xử theo khung hình phạt cao hơn, đó mới là công bằng.
Trong suốt chiều dài lịch sử, đảng ta đã có rất nhiều đảng viên trung kiên chấp nhận vào tù, chấp nhận yi sinh để phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp mà bản thân theo đuổi. Đã có nhiều những cán bộ, đảng viên như vậy: Ông Phan Thế Phương, Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên được ngư dân tôn làm thành hoàng và lập miếu thờ; nhà cách mạng Nguyễn Tạo, tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục Lâm nghiệp được người dân suy tôn làm Đức Bổn cảnh Thành hoàng làng; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với “những việc cần làm ngay”; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc với “khoán hộ” cũng là những tấm gương để đời...
Việt Nam là một dân tộc Á Đông, chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo. Nho giáo có những tư tưởng trói buộc con người, cản trở sự phát triển của xã hội, song có những tư tưởng của Nho giáo mang nhiều giá trị với xã hội, con người. Truyền thống và những quy định của Nho giáo dạy mỗi người phải luôn luôn tu sửa mình, mà một trong những quy định bắt buộc đã được quy định rất khắt khe trong Bát điều mục, đó là: Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Trong đó, muốn tu thân, trước hết phải học hỏi để có tri thức: “cách vật, trí tri”. Thành ý như chiếc gương soi mà mỗi người soi vào đó để giúp tìm đến sự thật, công minh và hướng vào trong tâm để sửa mình. Khi đã chỉnh sửa được cái tâm của mình trong sáng chính trực thì lòng nhân sẽ biểu lộ, đó là chính tâm. Chỉ có lòng nhân mới thấu hiểu nỗi khổ của dân, mới trăn trở suy nghĩ để “cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh” (Hồ Chí Minh). Theo Nho giáo, tề gia cho tốt để mới có thể trị quốc (làm cán bộ) và bình thiên hạ. Như vậy, trước khi làm lãnh đạo, ai ai cũng phải tu thân và tu thân không trừ một ai trong xã hội. Sách Đại học viết: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (Từ vua cho đến dân thường đều phải lấy tu thân làm gốc). Với một người bình thường đã vậy, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải khắt khe với bản thân mình nhiều hơn.
Trước khi trở thành đảng viên ai cũng đều phải đứng dưới cờ đảng, đọc những lời thề danh dự, nguyện tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành đầy đủ cương lĩnh chính trị, điều lệ đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước...; luôn hứa trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng… Mỗi đảng viên luôn phải tuyệt đối chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng. Không phải đến Hội nghị Trung ương 8 khóa 12 mới có quy định cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, mà đây là điều hiển nhiên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác thực hiện như rửa mặt, chải đầu mỗi ngày: Đã trên cao phải sáng, càng cao càng phải sáng.
Có người nói rằng luật pháp vô tình, nhưng trong thực tế luật pháp vốn chẳng vô tình. Người xưa xử án vẫn có quy định về Bát nghị (tám trường hợp phạm tội mà được giảm tội, tùy theo địa vị của người bị tội) gồm Nghị thân, Nghị cố, Nghị hiền, Nghị năng, Nghị công, Nghị quý, Nghị cần, Nghị tân. Các quy định này đã được cụ thể hóa trong các bộ luật thời xưa như Luật Hồng Đức, Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long). Ngày nay, trong Bộ luật Hình sự Việt Nam cũng có rất nhiều tình tiết sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Song, đi đôi với nó, cũng có các quy định về tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Không hiểu những đảng viên vi phạm đến mức phải ra tòa như đã nói trên, khi làm việc họ có thật sự còn nghĩ đến những lời thề thiêng liêng trước khi vào Đảng? Họ nghĩ thế nào khi với cương vị một người đảng viên mà lại vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đến mức phải ra trước vành móng ngựa như vậy? Có lẽ đã đến lúc cần có quy định: Các bị cáo khi đứng trước tòa không được nói về Đảng, không được đem Đảng ra để làm bình phong.