Đề xuất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để làm tuyến metro số 2 TP.HCM
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 19:59, 15/12/2024
Đề xuất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để làm tuyến metro số 2 TP.HCM
Thay vì sử dụng vốn ODA như tuyến đường sắt đô thị số 1, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) đề xuất kênh huy động vốn theo hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để làm tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) vừa gửi tới UBND TP.HCM đề xuất về phương thức huy động vốn triển khai tuyến metro số 2. HFIC sẽ phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND TP.HCM xác định cụ thể phương thức phát hành trái phiếu và các nội dung liên quan trên cơ sở đánh giá bối cảnh thị trường trái phiếu và thăm dò nhu cầu của nhà đầu tư.
Cách đây 14 năm, dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỉ USD (hơn 26.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, do triển khai chậm, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên thành 2,1 tỉ USD (hơn 47.890 tỉ đồng).
Do quá trình xây dựng gặp nhiều vướng mắc nên đến nay dự án vẫn chưa khởi công được gói thầu chính. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR), công tác thu xếp tài chính cho dự án bị chậm trễ do các nhà tài trợ thay đổi điều kiện cho vay và quy trình xem xét cung cấp các khoản vay ODA cũng có sự thay đổi.
Đến cuối tháng 9.2024, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản của 3 nhà tài trợ dự án metro số 2 và thống nhất với TP không tiếp tục tài trợ vốn cho dự án này. Cuối tháng 11.2024, Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM ra thông báo kết luận thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách TP để đầu tư tuyến metro số 2 thay cho vốn vay ODA.
Việc lựa chọn phương án chuyển đổi toàn bộ vốn vay ODA bằng nguồn vốn ngân sách TP đã được Sở Tài chính TP.HCM nhận xét là phù hợp. Về nguồn vốn thực hiện dự án metro số 2, Sở Tài chính kiến nghị UBND TP phương án dự kiến huy động 30.669 tỉ đồng từ vốn trung hạn giai đoạn 2026-2030 và từ trái phiếu chính quyền địa phương để thay thế nguồn vốn ODA vay lại của Chính phủ.
Liên quan đến tiến độ dự án sau khi chuyển sang dùng vốn ngân sách, theo tính toán của MAUR, trường hợp đấu thầu song song quá trình điều chỉnh dự án, sẽ khởi công được gói thầu chính sớm nhất vào năm 2026. Do vậy, MAUR cho rằng việc bố trí nguồn vốn ngân sách TP trung hạn 2026-2030 sẽ đáp ứng được nhu cầu.
Việc chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách, theo đánh giá của nhiều sở, ngành của TP.HCM sẽ rút ngắn được quá trình làm thủ tục và thúc đẩy khởi công dự án sớm hơn. Đặc biệt, theo đánh giá của MAUR, việc chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ giúp MAUR linh hoạt trong việc áp dụng nhóm cơ chế chính sách của đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM (sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt) vào triển khai thực hiện tuyến metro số 2 để thúc đẩy tiến độ, sớm hoàn thành dự án.
Một số nhà thầu đề xuất đầu tư tuyến số 2 theo mô hình EPC+F. Đây là mô hình tổng thầu EPC sẽ thực hiện thiết kế - thi công - cung cấp và lắp đặt thiết bị cho dự án. Đồng thời, nhà tổng thầu tự thu xếp tài chính ban đầu (khoảng 2 năm đầu) cho dự án.
Phương án thực hiện theo mô hình tổng thầu (EPC) cũng được Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM yêu cầu MAUR bổ sung vào Đề án phát triển đường sắt đô thị theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Hiện tại, các phương án đầu tư khả thi nhất đang được MAUR cùng các sở, ngành của TP.HCM nghiên cứu trước khi trình chính quyền TP phê duyệt.
Việc TP.HCM ra quyết định dùng ngân sách để đầu tư tuyến metro số 2 được các chuyên gia kinh tế khẳng định là định hướng chiến lược lâu dài giúp tự chủ nguồn lực để đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, thay vì trông chờ vào nguồn vốn vay ODA.
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11km, kéo dài từ trung tâm TP.HCM về cửa ngõ phía tây bắc, đi qua 6 quận: 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và 12. Dự án sẽ đi ngầm 9,2km, còn lại đi trên cao. Toàn tuyến có 10 nhà ga, trong đó 9 ga ngầm, một ga trên cao.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành năm 2016. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến vốn vay ODA nên dự án bị chậm tiến độ. Mới đây nhất, TP.HCM xin lùi tiến độ dự án đến năm 2030.