Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Yêu cầu tổng thầu khẩn trương thực hiện đúng quy định
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 18:16, 18/10/2019
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thông báo nêu rõ, theo quy hoạch, trên địa bàn Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 40 tỉ USD. Để giải quyết triệt để ùn tắc giao thông phải có hệ thống giao thông đồng bộ; trong đó hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và nợ công đang ở mức cao, nên cần huy động các phương án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, ưu tiên nguồn lực nội địa để đầu tư.
4 dự án đường sắt đô thị đang triển khai đầu tư đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ, trong đó, đối với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, UBND thành phố Hà Nội đã tích cực thực hiện công tác chuẩn bị tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, dự án có nhiều vướng mắc, bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện gây bức xúc trong dư luận.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tổng thầu khẩn trương thực hiện đúng quy định về hồ sơ thiết kế dự án được duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống theo đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác tuyến này trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 8736/VPCP-CN ngày 26.9.2019 của Văn phòng Chính phủ.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, cùng với UBND thành phố Hà Nội, tổng thầu, tư vấn tập trung hoàn thiện việc đánh giá chất lượng và thủ tục hoàn thành dự án theo đúng quy định pháp luật. Hội đồng nghiệm thu nhà nước phối hợp với tư vấn sớm đánh giá kết luận nghiệm thu công trình theo đúng quy định.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (với vai trò cơ quan tiếp nhận và quản lý khai thác dự án này) cùng Bộ trưởng Giao thông vận tải làm việc với chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn rà soát để đẩy nhanh việc chứng nhận an toàn hệ thống và có đủ các điều kiện theo đúng quy định để đưa dự án vào khai thác, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.
Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 3) đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Phó thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của thành phố thúc đẩy tiến độ dự án trong thời gian qua; UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2021. Do dự án phải điều chỉnh, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, xử lý, trình cấp có thẩm quyền gia hạn, bổ sung hiệp định vay kịp thời và theo đúng quy định pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét bố trí vốn năm 2019 và những năm tiếp theo, xử lý kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc bổ sung kế hoạch vốn ODA cho dự án theo đúng quy định. Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn chủ đầu tư một số vấn đề liên quan đến hợp đồng, công tác nghiệm thu bàn giao.
Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, về điều chỉnh dự án, Phó thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục về điều chỉnh dự án theo đúng quy định.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 để UBND thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại văn bản số 8240/VPCP-CN ngày 12/9/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì họp về kế hoạch thực hiện và trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi.
Đối với các dự án giao thông trọng điểm khác, Phó thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch.
Đối với các dự án giao thông vành đai 3, Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công, thực hiện, hoàn thành các dự án đúng và vượt tiến độ đề ra. Đối với số vốn còn dư của Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3, Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội để đề xuất phương án sử dụng hiệu quả nhất theo đúng quy định pháp luật (có thể xem xét để mở rộng tuyến giao thông vành đai 3 nối tiếp cầu Thăng Long đi sân bay Nội Bài).
Lam Thanh