Công ty khởi nghiệp Đông Nam Á chưa tận dụng được làn sóng đầu tư AI
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:35, 20/12/2024
Công ty khởi nghiệp Đông Nam Á chưa tận dụng được làn sóng đầu tư AI
Trang Bloomberg cho biết Đông Nam Á đang nhanh chóng nổi lên như điểm nóng đầu tư của một số đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) như Nvidia hay Microsoft, nhưng công ty khởi nghiệp bản địa chưa tận dụng được làn sóng này.
Các “ông lớn” sẵn sàng đầu tư đến 60 tỉ USD trong vài năm tới khi dân số trẻ tại Đông Nam Á ưa chuộng livestream, mua sắm trực tuyến, AI tạo sinh. Tuy nhiên rất ít tiền chảy vào công ty khởi nghiệp bản địa. Họ không dám đặt cược vào đối tác chưa chứng minh được năng lực và khu vực vẫn chưa đủ khả năng tạo ra một công ty tiềm năng lớn.
Theo dữ liệu từ nền tảng Preqin, từ đầu năm đến nay công ty khởi nghiệp bản địa chỉ nhận được 1,7 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm trong tổng số khoảng 20 tỉ USD cho toàn châu Á - Thái Bình Dương. Đông Nam Á chỉ chiếm 122 trên tổng số 1.845 giao dịch tài trợ cho phát triển AI ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tình hình khu vực
Trên toàn cầu, giới đầu tư đang chạy đua tìm kiếm lợi nhuận từ sự bùng nổ của AI. Hiện tại trọng tâm của họ là Mỹ và Trung Quốc, hai nước lần lượt nhận được 68,5 tỉ USD và 11 tỉ USD năm nay.
Đông Nam Á với 675 triệu dân có hơn 2.000 công ty khởi nghiệp AI - nhiều hơn Hàn Quốc, gần bằng Nhật Bản và Đức. Nền kinh tế hàng đầu khu vực Singapore đứng thứ ba trong bảng xếp hạng Chỉ số AI toàn cầu, đạt điểm cao ở hàng loạt chỉ số quan trọng đặc biệt là số lượng nhà khoa học AI trên mỗi 1 triệu dân.
Nhưng Đông Nam Á đa dạng về văn hóa lẫn trình độ kinh tế khiến nỗ lực phổ biến sản phẩm cùng dịch vụ công nghệ gặp thách thức lớn, làm dấy lên nghi vấn liệu công ty công nghệ địa phương có thể cạnh tranh ở quy mô toàn cầu mà vẫn thu về lợi nhuận hay không.
Đồng sáng lập tổ chức đầu tư VC Antler Jussi Salovaara cho biết: “Tính đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và cơ sở hạ tầng của khu vực khiến việc tạo ra bộ dữ liệu lớn, thống nhất - nền tảng cho giải pháp AI - trở nên khó khăn hơn”.
Chuyên gia đầu tư Sang Han (quỹ East Ventures) chỉ ra giới đầu tư AI thường tìm kiếm mô hình nền tảng hỗ trợ đa dịch vụ, từ kỹ thuật phần mềm để đào tạo và tinh chỉnh hệ thống trí tuệ nhân tạo đến phần cứng đảm bảo hoạt động. Đông Nam Á chưa được hoàn thiện như vậy.
Vốn đầu tư mạo hiểm rót vào Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng vì thị trường phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) yếu, thể hiện rõ mô hình dùng nguồn vốn tư nhân thúc đẩy phát triển như Thung lũng Silicon khó áp dụng với nền kinh tế đang phát triển.
Nỗ lực khắc phục
Tất nhiên chính quyền các nước Đông Nam Á không ngồi yên. Hầu như tất cả đều vạch ra chiến lược hỗ trợ phát triển AI quốc gia, hỗ trợ tài chính cho công ty khởi nghiệp bằng một số phương tiện đầu tư.
Theo đồng sáng lập nền tảng đầu tư Alta Kelvin Lee: “Các quốc gia tập trung vào chương trình nghị sự khác nhau. Một số thúc đẩy lĩnh vực công nghệ cao, số khác đẩy mạnh cải thiện hạ tầng cơ bản và điều kiện sống. Thiếu phối hợp khiến nỗ lực đem lại đột phát cho đổi mới sáng tạo tầm khu vực gặp khó khăn”.
Tuy nhiên, tiềm năng của Đông Nam Á không thể bị bỏ qua. Nền kinh tế số đang tăng trưởng ở mức 2 con số cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Tầng lớp trung lưu không ngừng tăng với thu nhập cao, mức độ phổ cập điện thoại di động và internet liên tục cải thiện. Đây cũng là điểm đầu tư an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung.
Thành viên tổ chức đầu tư mạo hiểm Qualgro Weisheng Neo nhận định Đông Nam Á vẫn còn cơ hội thiết lập vị thế ở mắc xích đầu của chuỗi giá trị: thu thập và tổ chức dữ liệu lớn.
Theo thành viên tổ chức đầu tư Alpha JWC Jefrey Joe: “Tất cả đều do hệ sinh thái. Chúng ta cần cơ quan quản lý, chính phủ, người mua, nhà cung cấp, người tiêu dùng cùng nhau hợp tác”.