Hoàng Anh Gia Lai và câu chuyện 100 năm
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:51, 22/12/2024
Hoàng Anh Gia Lai và câu chuyện 100 năm
Đó là khát vọng, là cái đích đặt ra của bầu Đức khi ông mong muốn xây dựng Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai tồn tại và phát triển hàng trăm năm như các CLB bóng đá nước ngoài...
Từ tầm nhìn đó, từ giấc mơ đó, bầu Đức luôn hiểu rằng “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Vì thế, thứ năm, 19.12.2024 là một ngày đáng nhớ, ngày đặc biệt không chỉ của bầu Đức nói riêng mà còn là của CLB Bóng đá HAGL, Học viện Bóng đá HAGL, Trường đại học Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM... và những chàng trai học viên khóa 1 Học viện Bóng đá HAGL JMG Arsenal.
Đó là ngày 10 thành viên của Học viện Bóng đá HAGL và Câu lạc bộ Bóng đá HAGL đã nhận bằng tốt nghiệp với bằng loại giỏi (9/10) và thủ môn Lê Văn Trường nhận bằng xuất sắc.
6 người đã có mặt tham dự lễ tốt nghiệp là Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Đông Triều, Văn Sơn, Anh Tài. Văn Toàn, Văn Thanh đang tập trung đội tuyển Việt Nam thi đấu ở ASEAN Cup 2024 nên vắng mặt. Có một người rất đặc biệt, tuy vắng mặt nhưng luôn hiện diện trong lòng các học viên khóa 1 Học viện HAGL đó là cố HLV Dương Minh Ninh.
Tham dự ngày đặc biệt này có Giám đốc Học viện Bóng đá LPBank HAGL kiêm Giám đốc kỹ thuật CLB HAGL Vũ Tiến Thành và Giám đốc điều hành CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh.
Đây là thành quả đầu tiên từ hợp đồng đào tạo đại học dành cho các cầu thủ thuộc Học viện Bóng đá HAGL JMG Arsenal niên khóa 2014-2018 được ký bởi GS-TS Huỳnh Trọng Khải - nguyên Hiệu trưởng ĐHSP TDTT TP.HCM và bầu Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bầu Đức và thầy Khải.
Bầu Đức: “Tất cả cầu thủ đều gọi điện thoại cảm ơn tôi”
Cảm xúc của tôi như thế nào à? Bầu Đức hỏi ngược lại chúng tôi. Một thoáng im lặng, bầu Đức nói:
Cảm xúc lẫn lộn khó diễn tả lắm. Tôi coi các cháu như con, và có ba mẹ nào không vui khi con mình tốt nghiệp đại học. Đúng là có giai đoạn HAGL kinh doanh khó khăn, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của tập đoàn, nhưng dù có khó khăn, mệt mỏi như thế nào đi nữa thì tôi cùng tập đoàn không bao giờ có ý nghĩ từ bỏ bóng đá. Nói như vậy để khẳng định rằng việc học của các cầu thủ là chúng tôi phải ưu tiên, nó có ý nghĩa không chỉ cho bản thân tôi hay các cầu thủ mà còn cho cả xã hội.
Hôm nay tôi rất vui khi tất cả các cầu thủ đều gọi điện thoại cảm ơn tôi.
Bạn hỏi rằng 10 năm trước vì sao tôi có ý tưởng các cầu thủ được đào tạo ở Học viện HAGL là phải có bằng đại học ư?
Tôi thấy nội dung các hội nghị, hội thảo liên quan đến các vấn đề tuyển chọn, đào tạo VĐV thì chưa thấy một chủ trương nào từ góc độ Nhà nước quan tâm đến nơi đến chốn thời hậu VĐV. Nói một cách khác, các trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo... chỉ tập trung việc phát hiện, đào tạo VĐV đạt thành tích cao, còn cuộc đời sau những năm tháng cống hiến cho thể thao nước nhà thì các VĐV phải tự lo.
Hơn nữa cho tôi xin lỗi anh em cầu thủ, nhưng cần phải nói như thế này, trước đây các cầu thủ Việt Nam không được đào tạo song song chuyên môn và văn hóa, nên cách ứng xử của họ đã ít nhiều để lại hình ảnh không tốt trong lòng người hâm mộ. Đó là vết thương lòng mà các cầu thủ đã để lại trong tiềm thức và con tim người hâm mộ. Vì thế khi các cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG được đào tạo bài bản về cả chuyên môn bóng đá cùng văn hóa và các cầu thủ không chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học mà còn phải tốt nghiệp đại học thì những tiêu chí đào tạo cầu thủ như thế này - đá bóng giỏi, có trình độ văn hóa, giao tiếp tiếng Anh thành thạo - đã góp phần quan trọng làm thay đổi cách đánh giá và làm sống lại tình yêu của người hâm mộ dành cho BĐVN. Chính các cầu thủ này đã đem lại sự thay đổi tích cực, là những tấm gương, động lực để tất cả những ai đã chọn bóng đá là nghề phải phấn đấu noi theo. Vì thế những hình ảnh bạo lực trên sân cỏ đã giảm, những chuyện không hay về năng lực trọng tài cũng giảm, những chuyện tiêu cực cũng giảm, cầu thủ đối xử với nhau cũng văn hóa hơn… tất cả gộp lại đã tạo ra một trào lưu mới làm cho BĐVN đẹp hơn. Mà đã là con người, có ai không yêu thích cái đẹp.
GS-TS Huỳnh Trọng Khải: Không có bất kỳ sự ưu ái, xin cho nào
Có một nghịch lý là các VĐV càng có đẳng cấp thì họ càng thiệt thòi khi phải tập luyện, thi đấu nhiều năm, phải cống hiến hết tuổi thanh xuân bởi các địa phương gần như là không muốn cho các VĐV đi học khi còn thành tích đỉnh cao, vì sợ khi đi học các VĐV sẽ bị ảnh hưởng chuyên môn. Do đó các VĐV chỉ được đi học khi không còn duy trì được thành tích, mà khi đó họ đã lớn tuổi nên khả năng lĩnh hội kiến thức sẽ bị hạn chế. Đó là chưa kể khi tốt nghiệp rồi đi làm vô hình trung họ mất quãng thời gian hơn 10 năm về thâm niên công tác.
Chính những xuất phát điểm đó và khi được biết các cầu thủ Học viện HAGL đã được lo học đến khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nên tôi nghĩ vậy tại sao ĐHSP TDTT TP.HCM không phối hợp với HAGL để giúp các cầu thủ học và tốt nghiệp đại học.
Rất mừng là tôi và anh Đức cùng có sự quan tâm này. Càng thú vị hơn khi các học viện trong hệ thống Arsenal trên toàn cầu chỉ đảm bảo tốt nghiệp phổ thông, trong khi đó với sự hợp tác này, HAGL JMG Arsenal đã trở thành học viện đầu tiên trên thế giới nâng lên một bậc là tạo điều kiện để các học viên của mình được học và sẽ tốt nghiệp đại học. Và anh Đức tự hào các cầu thủ HAGL sẽ là những cử nhân đá bóng.
Chúng tôi chỉ tạo cơ hội học tập cho các VĐV còn tất cả các quy định của bộ thì các VĐV và sinh viên đều bình đẳng như nhau. Sẽ không có bất kỳ sự ưu đãi hay xin cho gì ở đây.
Với cơ chế đào tạo thoáng, không nhất thiết theo giờ học bình thường, chúng tôi có phương thức đào tạo phù hợp cho các VĐV mà vẫn đảm bảo chất lượng chuyên môn.
Tóm lại, đây là việc người lớn, người lớn không lo thì ai LO?
Vũ Tiến Thành: Dự án dài lâu
Bầu Đức là “cha đẻ” dự án này và các học viên của Học viện HAGL các khóa sau khóa 1 vẫn tiếp nối con đường đại học, và Học viện LPBank HAGL hôm nay cũng sẽ tiếp bước dự án đào tạo nguồn nhân lực dài lâu này.
Hiện nay ngoài việc được đào tạo song song bóng đá và kiến thức, những ai lớn tuổi, sắp sửa hết đời cầu thủ nhưng có nhiều đóng góp và ý chí ham học, chúng tôi có chiến lược, kế hoạch gửi đi học bằng C như Minh Vương, A Hoàn. Đây là định hướng đào tạo nguồn HLV cho hệ sinh thái bóng đá của LPBank HAGL. Ngoài ra trong các buổi tuyển sinh hay huấn luyện các đội trẻ, những cầu thủ - những cử nhân - HLV tương lai sẽ thường xuyên tham gia để có kinh nghiệm thực tế, học hỏi chuẩn bị hành trang cho tương lai.
Với tôi kiến thức là vô giá. Yamal, cầu thủ trẻ xuất sắc tại EURO 2024 vừa thi đấu tại EURO 2024 vừa phải học và làm bài kiểm tra online; nhiều cầu thủ quốc tế có bằng đại học như Quả bóng vàng Rodri, Iniesta, Lampard, Kompany...
Do đó hình ảnh các cầu thủ HAGL tốt nghiệp đại học nhận bằng cử nhân hôm nay là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.
Lương Xuân Trường: Người đầu tiên mà chúng mình phải cảm ơn, đó là chú Ba
Cuối cùng thì ngày ấy cũng đã đến! Chắc chắn rồi, người đầu tiên mà chúng mình phải cảm ơn, đó là chú Ba - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Nếu không có chú thì chắc chắn tụi mình không dám mơ về một ngày dù vẫn còn đang mặc quần đùi áo số nhưng lại vẫn có thể tốt nghiệp đại học với tấm bằng trên tay. Cùng với đó là sự biết ơn sâu sắc gửi đến ban lãnh đạo CLB Hoàng Anh Gia Lai, Ban giám hiệu và quý thầy cô Trường đại học Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM. Nếu không có những nỗ lực và sự giúp đỡ ấy thì chắc chắn tụi mình không thể có được thành quả ý nghĩa này. Thật sự không thể diễn tả hết bằng lời cảm xúc và sự biết ơn ngay lúc này, chỉ biết rằng với mình thì đây là một trong những ngày ý nghĩa nhất của một đời người… (những dòng chia sẻ trên trang cá nhân của Xuân Trường)
Chị Bích, vợ HLV Dương Minh Ninh
Cả hội trường lắng đọng khi chị Bích với đôi mắt ngấn lệ - ôm bằng cử nhân của chồng - cố HLV Dương Minh Ninh. Chị Bích cho biết rất cảm ơn bầu Đức, Tập đoàn HAGL và Ban giám hiệu, các thầy cô Trường đại học Sư phạm TDTT TP.HCM đã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho chồng chị vừa làm công việc của HLV vừa đi học.
Chị Bích cho biết chính tình cảm đó là động lực để chị có mặt trong ngày đặc biệt này.