Triển khai thực hiện nghị quyết, cần lắng nghe ý kiến các chuyên gia và nhà khoa học
Góc bình luận - Ngày đăng : 13:24, 24/12/2024
Triển khai thực hiện nghị quyết, cần lắng nghe ý kiến các chuyên gia và nhà khoa học
Hãy khơi dậy khát vọng và sức sáng tạo của người dân thành phố từ việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình triển khai, thực hiện các đề án phát triển.
1. Ngày 22.12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024. Nội dung xuyên suốt chủ đề mà các lãnh đạo thành phố nêu ra là tạo động lực cho đội ngũ trí thức TP.HCM tiếp tục nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Để thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố cần thiết phải có các cơ chế phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị, trong đó cần chú trọng thu hút được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học.
TP.HCM là địa phương có truyền thống đổi mới, sáng tạo. Truyền thống này bắt nguồn từ sự năng động, từ thực tiễn sôi động, song còn có một lý do không kém phần quan trọng là trong quá trình phát triển của mình, thành phố đã tập hợp, lắng nghe được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình ban hành và thực thi các chính sách.
Sau năm 1975, những người lãnh đạo của thành phố khi ấy đã mời rất nhiều thành phần trí thức cộng tác với chính quyền cách mạng, và nhiều người trong số họ đã có những đóng góp quý báu, thiết thực cho sự phát triển của thành phố. Trong số các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học được mời cộng tác với chính quyền cách mạng có người thậm chí từng là thống đốc ngân hàng, phó thủ tướng và hai lần là quyền thủ tướng của chế độ Sài Gòn, đó là GS-TS Nguyễn Xuân Oánh. Trong quá trình tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo thành phố, ông đã có những ý kiến đóng góp rất xác đáng cho thành phố. Sau này, GS-TS Nguyễn Xuân Oánh trở thành đại biểu quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trở thành cố vấn cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Khi bàn về lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học không có nghĩa là các cơ quan có trách nhiệm bỏ quên hay coi nhẹ việc lắng nghe ý kiến của người dân. Trong thời gian qua, việc lắng nghe ý kiến của người dân thành phố đã được thực hiện rất hiệu quả bằng việc ban hành và thực thi Quyết định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.
Tuy nhiên, việc lắng nghe theo Quyết định 1374 chỉ là lắng nghe, tiếp thu phản ánh và giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và người dân các nội dung có liên quan đến đảng viên, cán bộ. Tất nhiên, mỗi ý kiến của người dân đều rất đáng trân trọng, song không phải khi nào và ở đâu người dân cũng có điều kiện để góp ý, đơn giản vì họ phải tất bật với cuộc mưu sinh. Vì vậy, việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để triển khai thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển của thành phố, bởi đội ngũ này vừa có chuyên môn sâu, vừa ít bị chi phối bởi các tác động khác.
2. Lịch sử Việt Nam sau năm 1975 đã ghi lại rất nhiều câu chuyện các nhà lãnh đạo biết lắng nghe và đã quyết định ủng hộ những thay đổi. Ông Lê Duẩn lắng nghe phản biện và đã không còn chạy theo “Làm chủ tập thể”; ông Trường Chinh lắng nghe và đã quyết định đổi mới đất nước; ông Võ Văn Kiệt đã mở nhiều diễn đàn để lắng nghe giới trí thức phản biện, trong đó có những góp ý, phản biện “chối tai”; ông Trương Tấn Sang không chỉ lắng nghe mà còn cất công đến tận nơi ở để nghe, để hỏi ý kiến… Tất nhiên, đó mới chỉ là lắng nghe ở tầm cá nhân. Vấn đề đặt ra là các cơ quan lãnh đạo, cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe và lắng nghe như thế nào? Một chủ trương, chính sách khi được ban hành; một dự án, đề án lớn khi được triển khai chắc chắn sẽ có tác động và ảnh hưởng tới đông đảo người dân. Vì vậy, nhất thiết trước khi ban hành các chủ trương, chính sách, trước khi tiến hành các dự án cần phải công khai, minh bạch và lắng nghe ý kiến phản biện, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học.
Bài học về lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đã có từ rất lâu ở Việt Nam. Năm 1945 chính quyền cách mạng ra đời, sau khi tham khảo ý kiến nhiều nhân sĩ, trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước gồm 50 thành viên là các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, các bộ trưởng và thứ trưởng để nghiên cứu một kế hoạch kiến thiết quốc gia và dự thảo những đề án kiến thiết đệ trình lên Chính phủ. Đã có rất nhiều các trí thức Tây học được mời tham gia và tham khảo ý kiến. Các nhiệm kỳ thủ tướng gần đây đề xuất có Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng để tư vấn về các vấn đề về phát triển kinh tế.
TP.HCM có Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật, cùng nhiều hội tập hợp các chuyên gia, trí thức. Thế nhưng các hội này phải đảm nhiệm nhiều chức năng, nhiệm vụ, trong đó có các chức năng, nhiệm vụ về quản lý và phát triển hội viên, vì vậy chắc chắn sẽ không chuyên sâu đối với các lĩnh vực hẹp và cụ thể. Có lẽ, để tư vấn cho thành phố triển khai có hiệu quả các mục tiêu, đề án, thành phố cần nghiên cứu thành lập một đồng tư vấn để tư vấn việc triển khai các chương trình phát triển của thành phố. Hội đồng cần mời các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước, trong đó cần chú trọng đội ngũ các trí thức, nhà khoa học là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Không có lý do gì để một thành phố dẫn đầu về thu ngân sách lại không thể tổ chức một hội đồng tư vấn là những trí thức, chuyên gia đầu ngành.
3. Cố giáo sư Cao Huy Thuần đã viết đại ý rằng trí thức là "trí không ngủ, trí nào không ngủ" thì đó là trí thức. Những người trí thức chân chính bao giờ cũng luôn đau đáu với sự phát triển của đất nước và xã hội. Đã là trí thức chân chính, bao giờ người trí thức cũng mang trong mình những phẩm chất đặc trưng là tư duy độc lập, tư duy phản biện, tư duy khai sáng và dẫn đường. Vì vậy người trí thức ít khi chỉ nhìn mặt trước của tấm huân chương, bao giờ họ cũng trăn trở suy tư rằng mặt sau của tấm huân chương ấy là gì. Có lẽ vì vậy mà những góp ý, phản biện của họ thường nhiều khi rất “chối tai” nên nó đòi hỏi người lắng nghe phải thật sự chân thành, cở mở và tránh quy chụp. Khi còn đương chức lãnh đạo TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt đã nhiều lần tổ chức các diễn đàn để ông lắng nghe, thậm chí có lần ông còn ngồi sau bức màn để nghe các trí thức thổ lộ tâm can. Sau đó, dù có những ý kiến gay gắt ông vẫn không bắt tội người đã phát biểu.
Gần đây, trước khi quyết định những vấn đề ảnh hưởng lớn đến người dân, các cơ quan có trách nhiệm của thành phố đã lấy ý kiến của người dân, các chuyên gia và nhà khoa học. Đó là điều cần và đáng làm. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra là tại sao có những dự án lớn, những đề án liên quan đến đời sống của rất đông người dân nhưng chỉ khi “ván đã đóng thuyền” thì dư luận mới được biết. Đã đến lúc cần công bố công khai các đề án, dự án có liên quan mật thiết đến đông đảo người dân để lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện, nhất là của chuyên gia, trí thức. Không phải tất cả mọi việc ý kiến của các chuyên gia, trí thức góp ý thì các cơ quan có trách nhiệm đều phải lắng nghe và tiếp thu, bởi tiếp thu hay không, thực hiện hay không là do ở các cơ quan có trách nhiệm quyết định.
Việc công khai, minh bạch sẽ là cách để các cơ quan quyết định lắng nghe được nhiều ý kiến hơn, cẩn trọng hơn khi quyết định vấn đề. “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, nhiều khi các ý kiến góp ý, phản biện của chuyên gia, nhà khoa học có thể gay gắt thì hãy khoan khoác hay chụp lên đầu họ cái mũ "suy thoái" hay "phản động". Cần xác định rõ đâu là những ý kiến phản biện, góp ý chân thành, đâu là những ý kiến chống phá. Nếu thật sự các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học - dù đăng trên báo chính thống hay mạng xã hội - nếu không vì động cơ phá hoại, không kêu gọi bạo lực, không vi phạm pháp luật thì cần nên trân trọng lắng nghe.
Hãy khơi dậy khát vọng và sức sáng tạo của người dân thành phố từ việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình triển khai, thực hiện các đề án phát triển.