Bến Tre: Ngôi trường và con đường trên 20 tỉ đồng, chỉ vài năm đã hư hỏng nặng
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:05, 26/12/2019
Hạ giá để trúng thầu, trường học mới xây lãnh hậu quả ê chề
Năm 2016, Trường THCS Tân Phú, xã Tân Phú, H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre được khởi công xây dựng mới từ nguồn kinh phí trung ương phân bổ, quy hoạch để đạt chuẩn quốc gia. Trường khánh thành đưa vào sử dụng tính đến nay chỉ mới hơn 2 niên học, nhưng đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Nhiều phụ huynh có con em theo học tại đây bày tỏ sự thất vọng: “Chất lượng của công trình như vậy, không hiểu sao lúc nghiệm thu vẫn “đầu xuôi đuôi lọt”?
Theo thiết kế hoàn chỉnh, Trường THCS Tân Phú gồm 3 dãy phòng học, phòng chức năng… Quy mô xây dựng 1 trệt, 2 lầu, tổng kinh phí đầu tư 2 giai đoạn gần 30 tỉ đồng. Giai đoạn 1, BQLDAĐT H.Châu Thành đã sử dụng nguồn vốn hơn 19 tỉ đồng, chi cho các khoản: mua đất tạo mặt bằng, sắm trang thiết bị, xây dựng mới 2 dãy trường gồm 28 phòng học và phòng chức năng. Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Ngọc Thành (gọi tắt là Công ty Ngọc Thành), trụ sở giao dịch tại P.Phú Tân, TP.Bến Tre (tỉnh Bến Tre), trúng thầu gói thầu xây dựng 2 dãy trường trên với hơn 14 tỉ đồng.
Gạch lát nền các dãy hành lang và bên trong những phòng học đều bị nứt, bể bung ra - Ảnh: Huy Phương
Ông Võ Trí Quân (thầu Quân - Giám đốc Công ty Ngọc Thành) lần lượt hạ giá khởi mở đấu thầu từ 20 tỉ đồng xuống còn 14 tỉ đồng để trúng thầu. Khi đó không ít người e ngại chất lượng công trình sẽ khó đảm bảo. Thực tế hiện nay, mối nghi ngại ấy quả thật không sai. Qua thông tin phản ánh của phụ huynh và giáo viên công tác tại trường, PV đã đến tận mắt ghi nhận sự xuống cấp của một công trình tiêu tốn tiền tỉ của nhà nước…
Trường bắt đầu có những vết nứt gãy phía chân cầu thang tầng trệt, các vách ngăn tầng lầu. Gạch lát nền dọc theo hành lang (bên ngoài) và bên trong những phòng học (cả 3 tầng) đều bị nứt vỡ, bung tróc. Do khâu ốp dán gạch quá cẩu thả nên hầu hết các bục giảng đều bị bể từng mảng lớn. Một giáo viên cho biết không ít trường hợp học sinh đùa giỡn, vấp phải số gạch dán bị bể tách rời ra nơi bục giảng, té gây thương tích.
Gạch lát các bục giảng bị bung tróc ra từng mảng lớn - Ảnh: Huy Phương
Trụ cổng của trường được xây dựng kiên cố, ốp đá hoa cương nhưng thi công không đảm bảo chất lượng. PV thử dùng tay gõ vào các trụ cổng, âm thanh phát ra chứng tỏ bên trong bị rỗng. Sự kết nối giữa khối bê tông với đá ốp không dính chặt, sẽ không đảm bảo an toàn, từng bị tách rời ra phải dán lại. Những trụ cột chính của trường (phía ngoài hành lang), có thể dùng 2 đầu ngón tay bóc các cạnh bê tông ra, đơn giản như bẻ miếng bánh tráng.
Đá hoa cương lát chân cầu thang bị vỡ, do thi công bên trong rỗng ruột - Ảnh: Huy Phương
Vào khu nhà vệ sinh quan sát, khó thể chấp nhận 1 ngôi trường vừa xây dựng mới theo quy chuẩn quốc gia, được nghiệm thu đưa vào sử dụng không lâu nhưng đã bị thấm dột, gây ô nhiễm một cách bất thường! Thầy Võ Thành Thái, phụ trách cơ sở vật chất của trường, nói: “Lúc còn trong thời gian bảo hành, thầu Quân có cho dặm vá sửa chữa lại một số nơi xây dựng không đạt. Nhưng hơn 1 năm qua, sau khi hết bảo hành, biểu hiện xuống cấp ngày một trầm trọng thêm, xuất hiện hầu như khắp trong ngôi trường này…”.
Khu nhà vệ sinh bị thấm khá nghiêm trọng - Ảnh: Huy Phương
Toàn bộ bột trét tường cũng bị bong tróc ra trông rất nham nhở. Những tay nắm của các dãy cầu thang, từ tầng trệt lên các tầng lầu thiết kế bằng sắt đều đã rỉ sét… Ngoài cơ sở vật chất thi công kém chất lượng như đã nêu, lúc khởi công xây dựng do không có giải pháp thoát nước, nên vào mùa mưa nước ngập lênh láng khắp sân trường, khiến cho khâu sinh hoạt đi lại của thầy và trò nơi đây vô cùng khó khăn.
Nếu được trung ương phân bổ kinh phí tiếp tục thi công giai đoạn 2 (10 tỉ đồng), xây dựng thêm 1 dãy phòng học kiên cố nữa, nhà nước sẽ phải chi ra tiền tỉ để sữa chữa 2 dãy trường vừa mới xây trước đó. Và do được huyện giao thầu cùng lúc nhiều công trình nên đội ngũ thợ thi công được thầu Quân thuê tại chỗ, thiếu ý thức trách nhiệm và không có tay nghề cao…
Tường và cột bị nứt gãy trên tầng 1 - Ảnh: Huy Phương
Xuất phát từ việc thiếu kiểm tra giám sát của BQLDAĐT H.Châu Thành và đơn vị giám sát được huyện thuê, vô tình hay cố ý đã tạo điều kiện cho nhà thầu rút ruột công trình, để lại hậu quả tệ hại như vừa nêu? Ông Võ Hoàng Bá, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phú và ông Trần Hoàng Liêm, đương chức Chủ tịch UBND xã, đều có cùng quan điểm đánh giá về nhà thầu (Công ty Ngọc Thành): “Quá trình thi công những công trình trên địa bàn xã, thầu Quân đã làm rất kém về chất lượng. Bây giờ nghe nói tên thầu Quân, ai cũng lắc đầu lo ngại”.
Tan nát con đường 3 tỉ với hàng trăm ổ voi…
Ông Liêm cho hay tuyến đường liên ấp và trạm y tế xã, do công ty của thầu Quân trúng thầu xây dựng, giờ cũng đang xuống cấp rất dữ… Đó là tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp, từ ngã tư Tân Bắc (QL57B), ngang qua các ấp Tân Nam, Tân Quy, Mỹ Phú (xã Tân Phú), nối sang xã Tiên Long, H.Châu Thành (Bến Tre) bị hư hỏng và có thể khẳng định là: tan nát, chỉ sau vài năm xây dựng.
Hầu như cả tuyến đường đều xuất hiện hàng trăm “ổ voi” to đùng. Mùa mưa, nước đọng, xe 2 bánh phải dò dẫm lưu thông. Rất nhiều trường hợp người đi đường bị té ngã, vì “ổ voi” giăng giăng không thể nào né được. Tuyến đường này (nâng cấp và mở rộng, trải nhựa nóng dài khoảng 3km), được UBND H.Châu Thành đầu tư 3 tỉ đồng. Thầu Quân cho thi công và hoàn thành trong năm 2015. Do bị hư hỏng nặng, không còn chỗ để xe 2 bánh đi lại an toàn, người dân các ấp phải huy động góp tiền túi mua đá, cát… trộn bê tông trám lấp tạm.
Ông Quân đổ thừa: “Lưu lượng xe các loại lưu thông trên tuyến này quá đông. Chính quyền địa phương không có biện pháp hạn chế xe 4 bánh ra vào, vì vậy không thể bảo vệ được mặt đường”. Quan sát, PV nhận thấy lớp đá nền và nhựa nóng trải đường, phía nhà thầu thi công quá mỏng, nhưng vẫn được huyện nghiệm thu!
Những “ổ voi” trên tuyến đường liên ấp: Tân Nam, Tân Qui, Mỹ Phú… (lối vào Trường THCS Tân Phú) - Ảnh: Huy Phương
Ông Bá (người từng là Chủ tịch UBND xã, giai đoạn nhà thầu thi công tuyến đường trên) phân tích: “Một công trình giao thông đầu tư kinh phí lớn, trước mắt phải đảm bảo về chất lượng. Thời điểm thi công đường liên ấp, vấp phải sự phản ứng gay gắt của các hộ dân… Chính quyền phải vận động rất vất vả mới triển khai được. Đường hoàn thành mà hạn chế xe ra vào sẽ khó yên với dân, nên buộc phải cho tất cả các phương tiện ra vào”.
Hiện nay, ngoài việc trám lấp bằng bê tông hàng trăm lỗ của mặt đường nhựa, người dân còn chọn giải pháp tình thế khác: đổ đá 1x2 xuống các lỗ. Hư hỏng nặng nhất là đoạn phía ngoài đầu đường liên xã (tiếp giáp với QL57B) và đoạn ngang qua chợ ấp Mỹ Phú. Người dân rất bức xúc: “Xem như 3 tỉ đồng ngân sách nhà nước đã đổ xuống sông. Phía nhà thầu thì hưởng lợi phây phây. Giờ phải chờ huyện cấp kinh phí để làm lại toàn bộ mặt đường hàng tỉ đồng nữa, nhưng chờ đợi đến bao giờ”.
Năm 2017 - 2018, Công ty Ngọc Thành của thầu Quân tiếp tục thắng thầu, được BQLDAĐT H.Châu Thành (thời bà Lê Hoàng Dung làm Giám đốc - PV), giao xây dựng hàng loạt công trình. Hiện bà Dung đã thôi giữ chức vụ trên và liên tiếp 2 lần bị kỷ luật do liên quan đến các công trình xây dựng, liên quan đến nhà thầu…. Chỉ riêng xã điểm nông thôn mới Thành Triệu (H.Châu Thành, tỉnh Bến Tre), thầu Quân thi công 3 công trình gồm 2 tuyến đường xã (ĐX 02, ĐX 04) và xây dựng mới trụ sở UBND xã… với tổng kinh phí trên 27 tỉ đồng.
Cùng thời điểm, thầu Quân còn trúng thầu xây dựng mới Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Phú Túc) gần 30 tỉ đồng. Trường này đã được nghiệm thu trong tháng 5.2019, trước đó cũng bị tỉnh đề nghị phải khắc phục cải sửa nhiều hạng mục kém chất lượng…
Nước đọng thành ao vào mùa mưa, do mặt đường nhựa của tuyến đường liên ấp bị sụp lún nặng (đoạn qua chợ ấp Mỹ Phú, xã Tân Phú) - Ảnh: Huy Phương
Cũng tại xã Thành Triệu, tuyến đường Lộ Thơ (đường vào khu trung tâm xã) mà Công ty Ngọc Thành thi công trước đây, xuống cấp rất nhanh kể từ sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng. Người dân và cán bộ công chức phản ứng rất gay gắt trong các lần tiếp xúc cử tri, công trình được nhà thầu dặm vá khắc phục cho qua thời gian bảo hành.
Hiện đoạn từ khu vực tượng đài Chiến thắng Lộ Thơ (xã Thành Triệu) đến cổng chào của xã xuất hiện hàng loạt ổ voi, dân phải dùng chướng ngại vật che chắn để cảnh báo nguy hiểm hoặc trám lấp tạm bợ bằng bê tông trông rất nham nhở. Đây là hậu quả của việc chọn nhà thầu có yếu tố ưu ái, kiểu “bắt tay đạp chân” khó chấp nhận.
Tâm Phúc - Huy Phương