Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể sẽ hết khát vốn
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:04, 16/12/2019
Ngày 16.12, Công ty cổ phần Trung Lương - Mỹ Thuận đã ký hợp đồng tín dụng 6.686 tỉ đồng với nhóm ngân hàng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang).
Việc tài trợ hợp vốn của các ngân hàng nhằm hiện thực hóa nguồn vốn tín dụng trong cơ cấu nguồn vốn của tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Theo đó, tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 6.686 tỉ đồng. Cụ thể, VietinBank 3.300 tỉ đồng, BIDV 1.500 tỉ đồng, AgriBank 1.000 tỉ đồng và VPBank là 886 tỉ đồng.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, ngày 3.12 vừa qua, dự án đã nhận được 1.390 tỉ đồng trong tổng số 2.186 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước rót về. Phần còn lại, nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị tỉnh Tiền Giang có kế hoạch sớm giải ngân cho dự án để thúc đẩy tiến độ.
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng - Ảnh: Thanh Nguyên
Theo ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công từ năm 2009 nhưng gặp phải những khó khăn vướng mắc không thể tháo gỡ nên bị đình trệ gần 10 năm nay. Được sự quan tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành trung ương và tỉnh Tiền Giang, dự án đã được khởi động lại từ tháng 4.2019.
“Nay với các điều kiện tốt hơn nhưng chúng tôi sẽ không chủ quan và sẽ thực hiện một số biện pháp để đảm bảo an ninh cho dự án như tiếp tục phối hợp với các ngân hàng và các bên để chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ nhằm phấn đấu giải ngân vốn tín dụng trong tháng 1.2020.
Tổ chức thi công 3 ca/ngày đêm, không kể ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Đảm bảo mốc thông tuyến cuối năm 2020 và tiến đến hoàn thành trong năm 2021”, ông Hoàng nói và cho biết, hệ thống camera giám sát, quản lý chất lượng bằng hình ảnh sẽ được lắp đặt trên toàn tuyến để các thông tin về dự án tiếp tục công khai.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật cho biết tại lễ ký kết, cả nước hiện có khoảng 21.000km quốc lộ, trong đó có 1.000km cao tốc, riêng với 13 tỉnh thành ĐBSCL mới chỉ có khoảng 50km (TP.HCM - Trung Lương).
Thứ trưởng yêu cầu nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận rà soát lại tổng thể dự án, chỉ đạo quyết liệt thực hiện thi công. Từ đó đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2021 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51km. Điểm đầu tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (H.Châu Thành, Tiền Giang, tiếp nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương). Điểm cuối tại điểm giao quốc lộ 30 nút An Thái Trung, H.Cái Bè, Tiền Giang. Dự án có vốn đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng.
Thanh Nguyên