Thủ tướng gợi ý Bộ KH-ĐT đổi tên thành Bộ Kinh tế, chiến lược và phát triển
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 22:08, 09/01/2020
Chiều 9.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chủ đề “Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, hành động hiệu quả”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, Bộ KH-ĐT đã có những đóng góp quan trọng, “đã vượt lên chính mình”, là Bộ đi tiên phong về đổi mới tư duy, hành động và hiệu quả. Với vai trò Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII, Bộ KH-ĐT có “nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý rất nặng nề, yêu cầu cao”.
“Bộ đã triển khai thực hiện khối lượng nhiệm vụ, đề án rất lớn có chất lượng, đúng thời gian, tiến độ đề ra, đạt tỷ lệ 100%”, Thủ tướng đánh giá và cho rằng năm 2019, Bộ KH-ĐT đã làm việc tốt hơn năm 2018.
Đối với triển khai về đầu tư công, còn vướng về thể chế, tổ chức thực hiện. Nhiều ngành, địa phương còn đạt tỷ lệ giải ngân thấp, do đó, “các vụ trưởng của Bộ KH-ĐT, Tài chính, các giám đốc sở KH-ĐT, Bộ trưởng KH-ĐT phải tham mưu tích cực, sát hơn nữa để tháo gỡ ngay trong quý 1/2020 về giải ngân vốn đầu tư công".
Mặc dù đã xây dựng tiêu chí rõ ràng; nhưng theo Thủ tướng, danh mục các dự án đầu tư công còn rất dàn trải; còn bóng dáng của ban phát. Quản lý đấu thầu dự án đầu tư công còn bất cập. Thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng. Quá trình thực hiện còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm. Nhiều nơi hủy thầu vô căn cứ, có dấu hiệu tham nhũng. Còn tình trạng đấu thầu kém công khai.
Cho rằng công tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, Thủ tướng đề nghị gấp rút phát hành sách trắng về doanh nghiệp, về hợp tác xã ngay trong quý 1/2020. Bộ KH-ĐT không chỉ vạch ra định hướng tham mưu mà còn chỉ đạo "sát sàn sạt" để vấn đề đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, “chủ trương 1, biện pháp 10, đôn đốc, kiểm tra 20 thì mới đưa vào cuộc sống những chính sách mới”.
Thủ tướng lấy ví dụ về chủ trương kinh tế ban đêm, vậy thì triển khai kinh tế ban đêm ở các địa phương như thế nào, quản lý thế nào kinh tế ban đêm, một nguồn tăng trưởng mới của đất nước.
Nêu một gợi ý chiến lược cần lời giải của Bộ KH-ĐT, Thủ tướng chỉ rõ, khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045 là một thực tế, không phải tinh thần viển vông, “không ai khác hơn, chính Bộ KH-ĐT phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực”.
“Tình hình thế giới những ngày gần đây diễn biến phức tạp, khó lường. Đây cũng là cơ hội nếu Việt Nam giữ được ổn định chính trị xã hội. Vậy chúng ta cần làm gì để biến điều này thành lợi thế nổi trội trong thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng?”, Thủ tướng nêu câu hỏi và đặt vấn đề rằng cần làm gì để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0? Khuyến nghị chính sách hỗ trợ với các địa phương như thế nào để các địa phương thực sự xem cách mạng 4.0, kinh tế số là nền tảng, động lực để chuyển đổi cơ cấu và phát triển nhanh bền vững.
Thủ tướng cũng yêu cầu “cần tiếp tục phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch, giao cho Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng tự lo, các đồng chí không cần ôm giữ những việc không cần thiết, các đồng chí làm tổng hợp, làm chính sách pháp luật, kiểm tra và đôn đốc thực hiện chủ trương lớn”.
“Bộ KH&ĐT đóng vai trò như một nhà toán học, Bộ KH&ĐT phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý đến nguy cơ thụt hậu, bẫy thu nhập trung bình vẫn còn rất lớn với Việt Nam. Ông mong muốn Bộ KH-ĐT phải thúc đẩy tháo gỡ, đưa đất nước Việt Nam hùng cường. ngoài ra là thách thức trong giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội. Ông nhấn mạnh không thể để đạo đức xuống cấp, các vấn đề xã hội kìm hãm phát triển. Các vấn đề phải được quan tâm song song.
“Đang thời kỳ dân số vàng thì chúng ta phải làm gì? Phải chưa già đã giàu, chứ không phải chưa giàu đã già”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT và hệ thống ngành kế hoạch, đầu tư, thống kê nghiên cứu xem cần chính sách có tính đột phá lớn như thế nào để Việt Nam thăng hạng hơn nữa trong năm 2020 về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Ngân hàng Thế giới đánh giá tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới, vậy làm sao để vừa phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu, làm cho tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng, tạo động lực cho phát triển mạnh mẽ đất nước.
Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT lên kế hoạch tái đào tạo đội ngũ cán bộ ngay cả trong bộ mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, nếu không thì công việc sẽ rất tắc, khó khơi thông.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng từ “kế hoạch” đã không còn phù hợp với tên của Bộ trong giai đoạn hiện nay của đất nước. Người đứng đầu Chính phủ gợi mở với vai trò nhạc trưởng của Bộ, sau năm 2020 có thể đổi tên thành Ủy ban Cải cách Phát triển hoặc Bộ Kinh tế, Chiến lược và phát triển.
Cùng với đó, trong năm 2020 và lâu hơn nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần nhanh chóng triển khai Luật Đầu tư công (sửa đổi), trong đó giải quyết các vướng mắc về thể chế và đặc biệt là ở khâu thực hiện; làm tốt công tác quản lý đấu thầu, quản lý đầu tư các dự án đầu tư công, không để tình trạng đấu thầu kéo dài, tham nhũng, đấu thầu kém công khai…
Lam Thanh