Tranh cãi xoay quanh tượng Chúa cứu thế tại Brazil
Du lịch - Ngày đăng : 11:05, 28/12/2024
Tranh cãi xoay quanh tượng Chúa cứu thế tại Brazil
Tượng Chúa Kitô cứu thế tọa lạc trên đỉnh núi Corcovado không chỉ là biểu tượng tôn giáo hay điểm thu hút khách du lịch, mà còn đại diện trường tồn cho bản sắc Brazil.
Người Brazil gọi tượng với cái tên Cristo Redentor. Đây là “tấm bưu thiếp” của thành phố Rio de Janeiro cũng như của đất nước Nam Mỹ này. Cánh tay Chúa dang rộng hơn 28 mét như chào đón 4 triệu du khách đến tham quan mỗi năm.
Nhưng hiện tại quyền quản lý lẫn tương lai của bức tượng trở thành tâm điểm tranh cãi. Vào tháng 10, một dự luật đề xuất chuyển giao quyền quản lý khu đất nơi tượng Chúa Kitô cứu thế tọa lạc cho giáo hội Công giáo được đưa ra. Những người ủng hộ nhận định làm vậy giúp giải quyết loạt vấn đề dai dẳng về cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận. Trong khi đó, nhóm chỉ trích thì nói động thái này có thể đe dọa quyền lực nhà nước lẫn loạt cam kết môi trường mà giới chức Brazil đưa ra.
Tượng đài trong rừng
Được xây dựng vào năm 1922 bởi giáo hội, tượng Chúa Kitô cứu thế nằm bên trong công viên quốc gia Tijuca - khu rừng rộng 3.953 hécta được công nhận là một trong số dự án khôi phục rừng quy mô lớn đầu tiên trên thế giới. Năm 2012, UNESCO đưa công viên quốc gia Tijuca vào danh sách di sản thế giới. Nơi đây hiện là môi trường sống của 1.619 loài thực vật và 328 loài động vật (nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng).
Theo Chủ tịch Cơ quan Bảo tồn và công viên quốc gia Brazil (ICMBio) Mauro Pires: “Tijuca không phải chỉ là bối cảnh cho tượng Chúa Kitô cứu thế. Đây là hệ sinh thái quan trọng giúp bảo tồn động vật hoang dã địa phương cũng như đóng vai trò điều chỉnh khí hậu lẫn nguồn nước Rio”.
Tại Tijuca có điểm ngắm toàn cảnh thành phố, vịnh Guanabara cùng Đại Tây Dương, nhiều thác nước tuyệt đẹp và di tích lịch sử. Người dân địa phương lẫn du khách nước ngoài đều thích đến đây đi bộ đường dài, đạp xe hoặc tham gia tour có hướng dẫn viên.
Nhưng sự cân bằng giữa du lịch và bảo tồn rất mong manh, đặc biệt ở khu vực lưu lượng giao thông cao như Corcovado.
Thỏa thuận chia sẻ quyền quản lý
Dự luật mới đây đề xuất tách tượng Chúa Kitô cứu thế cùng khu vực xung quanh khỏi công viên quốc gia Tijuca, biến nơi này thành khu vực độc lập do Tổng giáo phận Rio de Janeiro quản lý. Giáo hội Công giáo là bên chịu trách nhiệm duy nhất nên có thể lập tức thực hiện cải tạo khẩn cấp cũng như thu tiền từ việc bán vé.
Thỏa thuận hiện tại chia sẻ trách nhiệm giữa giáo hội với chính phủ liên bang. Mặc dù bức tượng nằm trên đất liên bang, tổng giáo phận nắm giữ thẩm quyền đặc biệt trong việc thờ phụng cùng công tác bảo trì. Chính phủ liên bang quản lý toàn bộ công viên quốc gia cơ sở hạ tầng bên trong (từ đường sá, phương tiện giao thông, nhà vệ sinh, thang cuốn đến công tác bán vé tham quan). Một phần tiền bán vé cùng tiền nhượng quyền được trả cho giáo hội (17,8 triệu USD năm 2023).
Thánh lễ, lễ rửa tội, lễ cưới vẫn diễn ra dưới chân tượng Chúa Kitô cứu thế, miễn sao công chúng có thể vào công viên trong giờ tham quan.
Giáo hội cùng phe ủng hộ dự luật mới đây lập luận rằng cần tận dụng danh tiếng của tượng tốt hơn nữa. Họ cũng chỉ trích bộ máy quan liêu cản trở nhu cầu sửa chữa cơ sở hạ tầng, thang cuốn, phòng tắm cùng đài phun nước phía dưới bức tượng hư hỏng suốt nhiều tháng liền. Thượng nghị sĩ Carlos Portinho - người đề xuất dự luật - cho biết: “Chúng ta không thể để cho biểu tượng dễ nhận biết nhất của đất nước như Cristo Redentor bị bỏ bê. Trong lịch sử, giáo hội từng quản lý bức tượng. Họ ở vị thế để làm điều này một cách hiệu quả”.
Chủ tịch Pires thừa nhận có vài hạ tầng cần sửa chữa, nhưng tư nhân hóa không phải giải pháp. Ngân sách dành cho các công viên quốc gia bị cắt giảm dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, đến hiện tại nguồn tiền mới quay trở lại nên công tác sửa chữa bị chậm trễ. Sang năm 2025 ICMBio sẽ dành ra 12 triệu USD cải tạo núi Corcovado, gồm cả trùng tu phần móng tượng Chúa Kitô cứu thế.
Tiền lệ nguy hiểm
ICMBio cảnh báo dự luật mới đây tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Theo chủ tịch Pires: “Đây không phải chỉ xoay quanh Cristo Redentor mà còn về tính toàn vẹn của tất cả khu vực bảo tồn tại Brazil. Hành vi phân chia khu vực trong công viên quốc gia cho tư nhân quản lý có thể làm suy yếu tiến bộ bảo vệ môi trường nhiều thập niên qua”.
Hệ sinh thái Tijuca là nơi sinh sống của khỉ thầy tu và coati. Trước đây từng có lợn vòi và báo đốm nhưng giờ không còn nữa. Tiếng ồn, ô nhiễm, hoạt động xây dựng gia tăng có thể phá vỡ môi trường sống hoang dã này.
Tổng giáo phận Rio de Janeiro bác bỏ lo ngại trên, khẳng định họ quan tâm đến cả vấn đề bảo tồn.
Dự luật đã vượt qua thượng viện và đang được một tiểu ban về du lịch xem xét, nếu được chấp thuận thì sẽ đưa sang hạ viện.