Chuyên gia lập luận người Đông Á là tổ tiên thực sự của loài người, thách thức lý thuyết 'Từ châu Phi mà ra'

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 19:13, 28/12/2024

Nhà sinh vật học tiến hóa Huang Shi lập luận rằng sự thiếu đa dạng di truyền ở người Đông Á cho thấy họ là tổ tiên thực sự của loài người hiện đại.
Nhịp đập khoa học

Chuyên gia lập luận người Đông Á là tổ tiên thực sự của loài người, thách thức lý thuyết 'Từ châu Phi mà ra'

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Nhà sinh vật học tiến hóa Huang Shi lập luận rằng sự thiếu đa dạng di truyền ở người Đông Á cho thấy họ là tổ tiên thực sự của loài người hiện đại.

Thuyết tiến hóa của con người từ lâu cho rằng con người hiện đại có nguồn gốc từ châu Phi và sau đó di cư đến các nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, mô hình Từ châu Phi mà ra (Out of Africa) đang bị một nhà sinh vật học tiến hóa Trung Quốc thách thức. Người này lập luận rằng Đông Á mới là nơi khởi nguồn khả dĩ nhất.

Huang Shi là giáo sư chuyên ngành di truyền học biểu sinh (nghiên cứu cách hành vi và môi trường có thể gây ra những thay đổi và ảnh hưởng đến hoạt động của gien) và tiến hóa. Ông vừa nghỉ hưu tại Đại học Trung Nam ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Theo thuyết tiến hóa phân tử mới của Huang Shi, các quần thể Đông Á, nơi có ít đa dạng di truyền nhất, có khả năng là tổ tiên thực sự của con người hiện đại.

Huang Shi đã tập trung vào lý thuyết của mình kể từ năm 2009, khi ông trở về Trung Quốc sau gần 3 thập kỷ ở Mỹ với tư cách là nhà nghiên cứu và giáo viên.

“Nhiều dòng xét nghiệm, gồm cả phân tích DNA cổ đại, đưa ra sự hỗ trợ mạnh mẽ cho mô hình Từ Đông Á mà ra như sự thể hiện chính xác hơn về nguồn gốc của con người hiện đại”, Huang Shi cho biết trong một bài báo được xuất bản trên tạp chí Prehistoric Archaeology (tiếng Trung).

Trong nhiều thập kỷ, giả thuyết thống trị về nguồn gốc của con người là lý thuyết Từ châu Phi mà ra, cho rằng con người hiện đại lần đầu tiên xuất hiện ở miền nam châu Phi vào khoảng 50.000 năm trước và sau đó di cư đến châu Âu, châu Á, phần lớn thay thế các quần thể bản địa.

Thế nhưng, Huang Shi cho biết các tiền đề lý thuyết dẫn đến kết luận này, bao gồm cả lý thuyết đồng hồ phân tử, trên thực tế chỉ là một khuôn khổ hoặc giả định để giải thích di truyền học quần thể, không thể coi là quy luật tự nhiên thực sự và phổ quát.

Khái niệm về đồng hồ tiến hóa phân tử lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1962 bởi Émile Zuckerkandl (nhà sinh vật học người Pháp gốc Áo) và Linus Pauling (nhà hóa học vật lý lý thuyết người Mỹ đoạt giải Nobel).

Trích dẫn các ước tính bằng chứng hóa thạch, bộ đôi này lưu ý rằng số lượng các axit amin khác biệt trong protein hemoglobin thay đổi giữa các dòng dõi khác nhau theo thời gian. Nghiên cứu của họ đã đặt nền tảng cho lĩnh vực tiến hóa phân tử mới nổi khi đó.

chuyen-gia-lap-luan-nguoi-dong-a-la-to-tien-thuc-su-cua-loai-nguoi-thach-thuc-thuyet-tu-chau-phi-ma-ra-2-.jpg
Huang Shi lập luận rằng người Đông Á là tổ tiên thực sự của loài người hiện đại chứ không phải người châu Phi - Ảnh: SCMP

Huang Shi nói rằng vào đầu những năm 1960, sau khi công nghệ giải trình tự protein được phát triển, các nhà sinh học đã phát hiện ra khoảng cách trong mối quan hệ tiến hóa giữa các loài tương quan trực tiếp với sự khác biệt trong trình tự DNA của chúng.

Nói cách khác, theo giả thuyết này, khoảng cách di truyền càng lớn thì mối liên hệ tiến hóa giữa các loài càng xa và thời gian tiến hóa càng dài.

Huang Shi nói thuyết đồng hồ phân tử được cho là giải thích tốt hiện tượng này. Do đó, các quần thể người châu Phi, có sự đa dạng di truyền cao nhất trong bất kỳ nhóm chủng tộc nào, được cho đã tiến hóa lâu hơn và được xem là tổ tiên chung của con người hiện đại.

Song vào năm 2008, khi Huang Shi là phó giáo sư nghiên cứu về di truyền học và lý thuyết tiến hóa khối u tại Viện Nghiên cứu y khoa Burnham ở San Diego (Mỹ), nhóm của ông đã đưa ra một cách giải thích rất khác, mà họ gọi là giả thuyết Đa dạng di truyền tối đa (MGD). MGD thách thức lý thuyết "đồng hồ phân tử" đã tồn tại từ lâu, về cơ bản cho rằng các loài đơn giản nhất có thể chịu được giới hạn trên lớn hơn của sự đa dạng di truyền, trong khi các sinh vật tiến hóa cao nhất và phức tạp nhất nên có mức độ đa dạng di truyền thấp nhất.

"Nếu bạn coi DNA là khối xây dựng của một sinh vật sống thì sự đa dạng di truyền giống như lỗi của các bộ phận; loài càng tinh vi và phức tạp thì lỗi càng thấp", Huang Shi nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ SCMP.

Điều đó dường như phản ánh thực tế của tự nhiên. "Các sinh vật đơn giản nhất, chẳng hạn vi rút HIV, có thể có tới 40% biến thể bộ gien từ cá thể này sang cá thể khác, trong khi loài khỉ có sự đa dạng di truyền gấp 3 lần so với con người", ông cho hay.

Cùng thời điểm đó, Huang Shi được mời viết một chương cho chuyên khảo khoa học về ung thư, trong đó ông cũng giới thiệu lý thuyết mới của mình. Huang Shi tiếp tục nghiên cứu về MGD sau khi gia nhập Trung tâm Di truyền Y khoa của Đại học Trung Nam với tư cách là giáo sư vào năm 2009. Huang Shi nói trong vòng vài năm, nhóm của ông đã có thể lập được một cây tiến hóa dựa trên lý thuyết mới. Nó cho thấy con người hiện đại có nguồn gốc từ Đông Á.

Nhóm của Huang Shi đầu tiên trình bày lý thuyết "Từ Đông Á mà ra" tại hội nghị học thuật quốc tế vào năm 2016 và viết bài về nó vào 2017.

"Chúng tôi đã cố gắng gửi bài đến nhiều tạp chí và bị từ chối, vì vậy chúng tôi từng từ bỏ việc xuất bản nó", Huang Shi nói. Ông tiết lộ rằng đã quen với tình huống này trong nhiều năm, không thể tìm được các chuyên gia sẵn sàng đánh giá và xuất bản nghiên cứu của mình.

"Bất kỳ nhà trí thức nào muốn lật đổ quan điểm phổ biến đều sẽ gặp phải những khó khăn tương tự, nhưng không sao cả, miễn là những gì bạn đang thúc đẩy là đúng và không quan tâm đến việc phải mất bao lâu để được chấp nhận", ông nói.

Bất chấp sự lạnh nhạt từ giới học thuật quốc tế, lý thuyết của Huang Shi dường như đã được chấp nhận ở Trung Quốc, với nhiều biên tập viên các tạp chí học thuật tiếng Trung mời ông xuất bản bài viết.

Huang Shi cho biết một khối lượng lớn bằng chứng học thuật ủng hộ ông đang thúc đẩy sự lạc quan của ông.

Huang Shi nói: "Những người ủng hộ thuyết Từ châu Phi mà ra về cơ bản là im lặng vào lúc này vì họ hầu như không đạt được tiến triển nào trong 10 năm qua".

Mặt khác, lý thuyết của nhóm ông đang phát triển rất nhanh. Huang Shi cho biết có rất nhiều bằng chứng mới ủng hộ học thuyết của ông đến mức có thể "dễ dàng tóm tắt 10 bài viết mới mỗi tháng".

Huang Shi nói nếu mô hình Từ châu Phi mà ra là đúng thì DNA 45.000 năm tuổi từ châu Âu phải mang thông tin DNA của châu Phi. Song thực tế là về mặt di truyền, chúng gần với người Đông Á hơn nhiều, xét về cả gien của cha và mẹ, ông nói.

Đầu tháng 12, các nhà khoa học cho biết hóa thạch người cổ đại được phát hiện trong một hang động ở đông nam Trung Quốc có khả năng thách thức lý thuyết Từ châu Phi mà ra, vì chúng thể hiện các đặc điểm của cả người nguyên thủy và người hiện đại.

Các nhà khoa học bắt đầu khai quật địa điểm này năm 2013 sau khi nó được phát hiện vào 1988.

Các hóa thạch đại diện cho hài cốt người cổ đại sớm nhất được tìm thấy ở Đông Á, chỉ ra con đường tiến hóa thành Homo sapiens ngày nay. Homo sapiens là tên khoa học của loài người hiện đại chúng ta. Trong tiếng Latin, Homo có nghĩa là "người" và "sapiens" đồng nghĩa "khôn ngoan" hoặc "thông minh", nên Homo sapiens được dịch là "người thông minh".

German Dziebel (Mỹ), nhà nghiên cứu nhân chủng học có bằng tiến sĩ từ Đại học Stanford (Mỹ), đã trích dẫn một số bằng chứng cho thấy lý thuyết của Huang Shi có thể là cách tiếp cận mới hấp dẫn để nghiên cứu dòng dõi di truyền.

"Giả thuyết MGD là lý thuyết sáng tạo nhưng thực sự gây tranh cãi", German Dziebel nói.

German Dziebel cho biết sự ủng hộ các ý tưởng của Huang Shi đến từ những nghiên cứu DNA cổ đại, chẳng hạn DNA trong các mẫu châu Âu cổ hơn ít đa dạng hơn so với những mẫu gần đây hơn.

Trong khi đó, các phát hiện từ các lĩnh vực khác, chẳng hạn ngôn ngữ học và nhân chủng học họ hàng, đã cung cấp các kết quả phù hợp hơn với ý tưởng do Huang Shi đề xuất, German Dziebel lưu ý.

German Dziebel kết luận rằng lý thuyết mới "có tiềm năng và cần được phát triển thêm".

Sơn Vân