Việt Nam gia nhập cuộc đua chế tạo vắc xin thú y
Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:49, 28/12/2024
Việt Nam gia nhập cuộc đua chế tạo vắc xin thú y
Việc tăng thị phần cho vắc xin nội giúp các nông hộ có thêm "lá chắn" cho chăn nuôi. Hiện Việt Nam có hơn 500 loại vắc xin, với khoảng hơn 200 loại do doanh nghiệp trong nước sản xuất
Vắc xin nội chưa có chỗ đứng
Hiện Việt Nam có hơn 500 loại vắc xin, với khoảng hơn 200 loại do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Theo lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), việc sử dụng vắc xin nội hay ngoại do nhiều yếu tố, có thể do lịch sử để lại, thói quen, tâm lý người tiêu dùng, giá cả, hoặc công tác truyền thông.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng vắc xin theo chuỗi, cùng với con giống, các loại thuốc thú y và nhiều công nghệ khác. Do vậy, việc thâm nhập vắc xin vào nhóm đối tượng này gặp nhiều cạnh tranh.
Tại Diễn đàn "Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vắc xin thú y tại Việt Nam" ngày 28.12, TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật thú y Việt Nam, cho rằng công nghệ sản xuất thuốc thú y hiện nay không những phát triển nhanh mà còn tiến bộ vượt bậc. Trong đó, có những công nghệ hàng đầu để sản xuất vắc xin tai xanh, lở mồm long móng, dại, dịch tả lợn châu Phi,... Những loại vắc xin này trước đây đa số đều phải nhập khẩu.
Theo bà Hương, việc tăng thị phần cho vắc xin nội còn giúp người chăn nuôi nông hộ có thêm "lá chắn" cho chăn nuôi, nhất là khi một số bệnh trên đàn vật nuôi mới được tiêm vắc xin khoảng 5%. Hiện một trong những điểm nghẽn là do tâm lý "sính ngoại" khi sử dụng vắc xin. Do đó, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật thú y Việt Nam cho rằng, bên cạnh nâng cao chất lượng vắc xin của doanh nghiệp trong nước, còn có trách nhiệm tuyên truyền.
"Càng nhiều người biết đến vắc xin nội, biết tới khả năng của vắc xin nội càng tốt", bà tâm niệm và nhấn mạnh thêm rằng chất lượng tạo nên thương hiệu. Khi vắc xin nội đã đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp sản xuất rất cần sự ủng hộ của Cục Thú y, người sản xuất để cả ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh sự cần thiết phải sản xuất vắc xin thú y trong nước để đối phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng trên động vật tại Việt Nam. Dịch bệnh trên các loài gia súc, gia cầm và động vật hoang dã đang ngày càng gia tăng, mặc dù hiện nay dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh trên trâu bò cơ bản được kiểm soát.
Việt Nam có đường biên giới dài và hoạt động trao đổi thương mại, đi lại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh mới, bao gồm cúm gia cầm chủng mới, dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục, lây lan nhanh chóng.
Ông Long cũng nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vắc xin trên thế giới tạo ra cơ hội cho Việt Nam học hỏi và hợp tác. Cục trưởng Cục Thú y cho rằng đã có sự phát triển đáng kể trong hợp tác khoa học công nghệ và công nghệ sản xuất vắc xin của Việt Nam đã tiếp cận trình độ thế giới.
Cục trưởng Cục Thú y khuyến nghị các chi cục chăn nuôi, thú y, thủy sản và các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ông cũng khẳng định, việc sử dụng vắc xin là vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Việt Nam gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vắc xin thú y
Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y), thông tin, hiện nay, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó 12 cơ sở sản xuất vắc xin thú y; mức đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/nhà máy (VAKSINDO, HANVET, NAVETCO, DABACO...). Các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đạt an toàn sinh học cấp độ 2 trở lên, trong đó có 2 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3; tổng ngành thú y có 7 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3.
Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin thú y của Việt Nam không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ với các nước hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Mỹ, EU,... với những công nghệ tiên tiến nhất; các nhà khoa học, tổ chức như FAO, WOAH, đối tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, CDC, các phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế đối với các bệnh nguy hiểm trên động vật như cúm gia cầm , lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, dại).
Trong nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y triển khai các giám sát vi rút gây bệnh, phân tích đặc tính, giải trình tự gien của các chủng vi rút lưu hành, chia sẻ kết quả, lựa chọn chủng giống thực địa cho công tác đánh giá hiệu lực vắc xin hiện hành...
Về tình hình cung ứng vắc xin và giám sát chất lượng vắc xin thú y, hiện tại cả nước có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với tổng số 218 loại vắc xin và 340 loại vắc xin nhập khẩu đã đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm trong nước.
Về tình hình sản xuất, nhập khẩu một số vắc xin quan trọng năm 2024: vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm 739 triệu liều (sản xuất 191 triệu liều, nhập khẩu 548 triệu liều); vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng hơn 46 triệu liều (sản xuất 1,4 triệu liều, nhập khẩu 45 triệu liều); vắc xin phòng bệnh dại hơn 5 triệu liều (sản xuất 1,6 triệu liều, nhập khẩu 3,7 triệu liều); vắc xin phòng bệnh tai xanh hơn 34 triệu liều (sản xuất 3,5 triệu liều, nhập khẩu 31 triệu liều); vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục gần 2 triệu liều (sản xuất 115.000 liều, nhập khẩu 1,8 triệu liều).
Riêng vắc xin dịch tả lợn châu Phi, đến nay các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 5,9 triệu liều. Trong đó, Công ty Navetco sản xuất 2,2 triệu liều (cung ứng trong nước gần 700.000 liều, xuất khẩu 7.000 liều); trong kho còn hơn 300.000 liều và dự kiến sản xuất khoảng 150.000 liều trong thời gian tới. Công ty AVAC sản xuất trên 3,7 triệu liều (cung ứng trong nước hơn 2,9 triệu liều, xuất khẩu trên 460.000 liều); trong kho còn khoảng 33.000 liều và đang dự kiến sản xuất 150.000 liều.
Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vắc xin thú y; đã sản xuất được một số loại vắc xin phòng bệnh quan trọng như: cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) năm 2012); vắc xin phòng bệnh tai xanh từ năm 2015; vắc xin lở mồm long móng từ năm 2018; vắc xin phòng bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất là vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) năm 2022.
Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất thành công và chính thức xuất khẩu vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sang 5 nước, đánh dấu 1 thành tựu lớn được cả thế giới công nhận.
Trong thời gian tới, với những thành tựu và dấu ấn đã được thế giới ghi nhận, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vắc xin mới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng. Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vắc xin hiện đại.