Lãnh đạo thế giới tiếc thương trước sự ra đi của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter
Chuyển động - Ngày đăng : 10:29, 30/12/2024
Lãnh đạo thế giới tiếc thương trước sự ra đi của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter
Đài CNN đưa tin ngày 29.12, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter - người từng nhận giải Nobel Hòa bình - vừa qua đời tại nhà riêng ở tuổi 100.
Trung tâm Carter (tổ chức từ thiện phi chính phủ) cho biết ông ra đi thanh thản trong vòng tay người thân. Chính trị gia này là cựu tổng thống Mỹ cao tuổi nhất lịch sử, vài năm gần đây ông gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe trong đó có ung thư hắc tố di căn đến gan và não.
Cựu Tổng thống Carter là đảng viên Dân chủ, nắm quyền nhiệm kỳ 1977 - 1981. Nhiệm kỳ của ông để lại dấu ấn bằng thành tựu là Hiệp định Trại David giữa Israel với Ai Cập giúp đem lại ổn định cho Trung Đông. Nhưng ông cũng phải đối mặt với kinh tế quốc gia suy thoái, không được lòng dân và khủng hoảng con tin Iran năm 1980.
Sau khi hết nắm quyền, cựu Tổng thống Carter rất tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Ông cùng vợ thành lập Trung tâm Carter vào năm 1982 với mục tiêu thúc đẩy hòa bình và y tế thế giới. Năm 2002 chính trị gia này được trao giải Nobel hòa bình vì những nỗ lực không ngừng nghỉ trong tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền cũng như phát triển kinh tế và xã hội.
Trước sự ra đi của cựu Tổng thống Carter, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cùng phu nhân gửi lời chia buồn đồng thời ra tuyên bố rằng nước Mỹ lẫn thế giới vừa mất đi một nhà lãnh đạo, chính khách và nhà hoạt động nhân đạo phi thường.
Tổng thống đắc cử Donald Trump khen ngợi cựu Tổng thống Carter đã làm mọi thứ có thể trong lúc đất nước đối mặt vô vàn thử thách để cải thiện đời sống người dân. Ông kêu gọi mọi người cầu nguyện cho cố lãnh đạo.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tuyên bố: “Cựu Tổng thống Carter sẽ được nhớ đến vì sự đoàn kết của ông với người dễ bị tổn thương, sự ân cần và đức tin không ngừng nghỉ của ông vào lợi ích chung của nhân loại. Di sản mà ông để lại với tư cách người gìn giữ hòa bình, nhà đấu tranh cho nhân quyền và nhà nhân đạo sẽ trường tồn”.
Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng nhiều nhà lãnh đạo khác đều đã gửi lời chia buồn.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi ca ngợi cựu Tổng thống Carter là biểu tượng cho nỗ lực nhân đạo khi đứng ra làm trung gian thúc đẩy đạt Hiệp định Trại David. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng hồi tưởng khoảng thời gian cựu Tổng thống Carter cùng Brazil làm trung gian hòa giải xung đột ở Venezuela và giúp đỡ Haiti.
Trong lúc tiếc thương cố lãnh đạo, thành viện Đội Carter thuộc Sở Mật vụ Mỹ (USSS) vẫn không quên thực thi nhiệm vụ bảo vệ gia đình cựu tổng thống đồng thời lập kế hoạch đưa linh cữu ông về thủ đô Washington D.C để làm lễ tưởng niệm.
Quan hệ giữa cựu Tổng thống Carter với những người kế nhiệm
CNN cho biết không ít tổng thống Mỹ sau này dựa vào kinh nghiệm, lời khuyên lẫn khả năng ngoại giao của cựu Tổng thống Carter. Tổng thống Biden gặp trực tiếp cố lãnh đạo lần đầu vào tháng 4.2021, lúc còn làm thượng nghị sĩ đương kim lãnh đạo bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Carter năm 1976. Hai người xem nhau là người bạn đáng kính.
Cựu Tổng thống Carter nhiều lần liên hệ với chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu tiên. Năm 2018 ông ngỏ ý sẵn sàng thay mặt Mỹ sang CHDCND Triều Tiên, từng viết thư về quan hệ thương mại Mỹ - Trung gửi Tổng thống Trump và trò chuyện qua điện thoại vào tháng 4.2019. Quan hệ giữa hai người xấu đi khi cựu Tổng thống Carter ủng hộ điều tra Tổng thống Trump quanh nghi vấn Nga can thiệp bầu cử năm 2016 và sau đó còn cảnh báo về những quyết định của Tổng thống Trump thời kỳ đại dịch. Phía Tổng thống Trump gọi cựu Tổng thống Carter là “người đàn ông tốt bụng” nhưng lại là “tổng thống tệ”. Vài ngày trước khi cựu Tổng thống Carter qua đời, Tổng thống Trump chỉ trích một hiệp ước do cố lãnh đạo ký năm 1977 về việc trao toàn quyền kiểm soát kênh đào Panama cho Panama.
Giữa cựu Tổng thống Carter với cựu Tổng thống Barack Obama có khoảng cách, được cho là vì quan điểm của Trung tâm Carter về đối xử bình đẳng giữa người Palestine với người Israel rất mạnh mẽ.