Những sự cố đáng chú ý của máy bay Boeing 737 trong năm 2024

Quốc tế - Ngày đăng : 10:55, 31/12/2024

Năm 2024 là một năm khó khăn đối với Boeing, khi một loạt sự cố hàng không liên quan đến các dòng máy bay của hãng, đặc biệt là dòng Boeing 737, đã xảy ra trên toàn thế giới, theo Newsweek.
Quốc tế

Những sự cố đáng chú ý của máy bay Boeing 737 trong năm 2024

Hoàng Vũ 31/12/2024 10:55

Năm 2024 là một năm khó khăn đối với Boeing, khi một loạt sự cố hàng không liên quan đến các dòng máy bay của hãng, đặc biệt là dòng Boeing 737, đã xảy ra trên toàn thế giới, theo Newsweek.

Trong đó, vụ tai nạn thảm khốc của chiếc Boeing 737-800 do hãng hàng không Jeju Air khai thác tại Hàn Quốc là sự cố nghiêm trọng nhất, gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn của dòng máy bay này và hoạt động của Boeing nói chung.

Lịch sử dòng máy nay Boeing 737

Dòng Boeing 737 được xem là "xương sống" của ngành hàng không hiện đại, đặc biệt trên các chuyến bay ngắn và trung bình. Ra mắt từ năm 1968, dòng máy bay này đã có hơn 11.000 chiếc được giao cho các hãng hàng không toàn cầu. Tuy nhiên, những sự cố liên tiếp trong các năm gần đây, bao gồm cả các vụ tai nạn của Boeing 737 MAX vào năm 2018 và 2019, đã làm giảm niềm tin của công chúng vào độ an toàn của dòng máy bay này.

Hiện nay, dòng Boeing 737 Next Generation (NG) và Boeing 737 MAX vẫn là các mẫu được sử dụng phổ biến nhất. Dù vậy, những sự cố như hỏa hoạn, lỗi cấu trúc và giảm áp suất tiếp tục đặt ra câu hỏi lớn về khả năng vận hành lâu dài của các máy bay này.

Vụ tai nạn thảm khốc tại Hàn Quốc

Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 29.12 khi một chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air không bung được càng đáp trước khi hạ cánh. Máy bay đã trượt khỏi đường băng, đâm vào hàng rào bê tông và bốc cháy. Trong số 181 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay, chỉ có hai người sống sót. Đây là thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất tại Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

boeing-su-co.png
Lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ Hàn Quốc làm việc gần xác máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air sau khi máy bay bị rơi và bốc cháy hôm 29.12 - Ảnh: AFP

Thảm kịch này đã thúc đẩy chính phủ Hàn Quốc, dưới sự lãnh đạo của Quyền Tổng thống Choi Sang-mok, ra lệnh kiểm tra an toàn khẩn cấp toàn bộ đội bay Boeing 737-800 trong nước. "Chúng tôi sẽ cải tổ toàn bộ hệ thống an toàn hàng không để ngăn ngừa các thảm kịch tương tự", ông Choi phát biểu.

Những sự cố khác liên quan tới Boeing 737 trong năm 2024

Không chỉ vụ tai nạn của Jeju Air, Boeing còn đối mặt với một loạt sự cố khác trong năm, làm dấy lên nghi ngại về an toàn và hiệu suất của các dòng máy bay.

Ngày 5.1: Một chiếc Boeing 737 MAX 9 của Alaska Airlines (Mỹ) gặp sự cố giảm áp suất nhanh chóng khi cửa thoát hiểm bị bung ra ngay sau khi cất cánh từ thành phố Portland, bang Oregon. Chuyến bay phải quay lại sân bay, và mặc dù không có người tử vong, một số hành khách bị thương nhẹ.

Ngày 12.3: Một chiếc Boeing 737 MAX 8 của Southwest Airlines (Mỹ) trải qua dao động bất thường, gây hư hỏng bộ điều khiển công suất dự phòng bánh lái. Máy bay đã hạ cánh an toàn, nhưng sự cố này khiến các cơ quan chức năng Mỹ mở cuộc điều tra.

Ngày 15.10: Một chiếc Boeing 737-800 của Ryanair (Ireland) đã phải hủy cất cánh tại Ý sau khi phát hiện hỏa hoạn bên dưới cánh. Tất cả hành khách và phi hành đoàn được sơ tán an toàn, nhưng sự cố này làm dấy lên câu hỏi về bảo trì động cơ.

Ngày 20.11: Một máy bay chở hàng Boeing 737 của Total Cargo (Brazil) đã phải hạ cánh khẩn cấp tại São Paulo, Brazil, do hỏa hoạn trong khoang chứa hàng. Ngọn lửa gây thiệt hại lớn cho thân máy bay, dù may mắn không có thương vong.

Phản ứng từ thị trường và công chúng

Ngay sau vụ tai nạn tại Hàn Quốc, cổ phiếu của Boeing giảm gần 5%, phản ánh mối lo ngại của thị trường về tác động lâu dài của sự cố. Các chuyên gia cho rằng mức độ tổn thất tài chính và danh tiếng của Boeing sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc điều tra và khả năng xử lý khủng hoảng của hãng.

Robert Clifford, luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân trong các vụ tai nạn 737 MAX trước đây, nhận định: "Có vẻ như sự cố lần này cũng liên quan đến việc thông tin liên lạc bị gián đoạn hoặc kém hiệu quả, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".

Các cơ quan chức năng ở nhiều quốc gia đang theo dõi sát sao các cuộc điều tra liên quan đến vụ tai nạn tại Hàn Quốc. Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc đã lên kế hoạch kiểm tra toàn diện 101 máy bay Boeing 737-800 trong nước. Đồng thời, đại diện từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) và Boeing đã được mời tham gia điều tra để làm rõ nguyên nhân.

Boeing đang đứng trước những thách thức lớn về an toàn, tài chính và niềm tin từ khách hàng. Việc xử lý các cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ quyết định liệu công ty có thể lấy lại vị thế dẫn đầu trong ngành hàng không hay không.

Jeju Air, hãng hàng không khai thác chiếc Boeing 737-800 gặp nạn, cũng đang chịu áp lực lớn khi phải cải thiện các tiêu chuẩn an toàn. Hãng này hiện sở hữu 39 chiếc Boeing 737-800, chiếm phần lớn đội bay của mình, và đã cam kết hợp tác đầy đủ với các cuộc điều tra.

Năm 2024 chứng kiến một loạt sự cố liên quan đến máy bay Boeing, đỉnh điểm là vụ tai nạn thảm khốc tại Hàn Quốc. Đây không chỉ là một cú sốc lớn cho ngành hàng không mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc duy trì các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Với sự giám sát chặt chẽ từ cả chính phủ và công chúng, Boeing phải đối mặt với một hành trình dài để khôi phục niềm tin và đảm bảo an toàn cho những hành khách trên toàn thế giới.

Hoàng Vũ